📞

Halal - Thị trường 'chín muồi' cho hợp tác Việt Nam-Morocco

Thu Trang 08:17 | 10/10/2024
Morocco có thể đóng vai trò là cửa ngõ chiến lược để các sản phẩm Halal của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường châu Phi, Trung Đông và các quốc gia châu Âu, trong khi Việt Nam có thể giúp Morocco tiếp cận thị trường Đông Nam Á.
Đại sứ Morocco tại Việt Nam Jamale Chouaibi. (Ảnh: Tuấn Việt)

Đó là điều mà Đại sứ Morocco tại Việt Nam Jamale Chouaibi nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam về tiềm năng hợp tác giữa quốc gia Bắc Phi Morocco và quốc gia Đông Nam Á Việt Nam trong ngành công nghiệp Halal.

Thưa Đại sứ, ông đánh giá như thế nào về triển vọng của ngành công nghiệp Halal của Việt Nam?

Ngành công nghiệp Halal của Việt Nam có triển vọng đáng kể nhờ sự kết hợp giữa thế mạnh kinh tế và vị thế chiến lược.

Mặc dù số lượng tín đồ Hồi giáo trong nước không nhiều, nhưng Việt Nam nằm gần các quốc gia có dân số Hồi giáo đông đảo như Indonesia và Malaysia. Riêng Indonesia có hơn 225 triệu người Hồi giáo, khiến nước này trở thành quốc gia có đông dân số Hồi giáo nhất toàn cầu, trong khi Malaysia có khoảng 19 triệu người Hồi giáo. Nhìn chung, ASEAN có dân số Hồi giáo đáng kể (ngoài Indonesia và Malaysia còn có Brunei và Singapore) và các thị trường lớn ở châu Á như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh…, mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội để khai thác các thị trường Halal rộng lớn này.

Tận dụng thế mạnh nông nghiệp, Việt Nam có thể sản xuất nhiều nông sản và thực phẩm với chứng nhận Halal. Bằng cách kết hợp tiêu chuẩn Halal vào sản xuất thực phẩm, Việt Nam có thể tăng thêm giá trị cho các mặt hàng xuất khẩu và mở ra cánh cửa đến các thị trường quốc tế mới.

Xét đến dân số Hồi giáo toàn cầu khoảng 1,8 tỷ người, du lịch Halal là "mỏ vàng" tiềm năng khác với Việt Nam. Du khách Hồi giáo thường tìm kiếm những điểm đến đáp ứng nhu cầu ăn uống và phù hợp với tín ngưỡng tôn giáo của họ. Việt Nam có thể tận dụng khai thác thị trường này bằng cách phát triển các khách sạn được chứng nhận Halal, nhà hàng thân thiện với Halal và các gói dịch vụ du lịch được thiết kế riêng,… Điều này sẽ thúc đẩy sức hấp dẫn của đất nước hình chữ S như một điểm đến du lịch quốc tế và đóng góp vào tăng trưởng du lịch nói chung.

Việt Nam có khả năng định vị mình là một đối thủ “nặng ký” trên thị trường Halal toàn cầu nếu thành công trong việc đầu tư đào tạo đội ngũ nhân viên có trình độ về chứng nhận Halal, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực này, thành lập các cơ sở sản xuất Halal chuyên dụng và áp dụng các chiến lược tiếp thị phù hợp.

Việt Nam và Morocco có thể bắt tay khai thác “mỏ vàng” ngành công nghiệp Halal này ra sao? Đại sứ có thể chia sẻ các kế hoạch của Đại sứ quán nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực này?

Có thể khẳng định rằng, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Morocco trong ngành công nghiệp Halal là rất lớn.

Trước hết, với ngành công nghiệp Halal đã phát triển mạnh mẽ, Morocco là quốc gia Hồi giáo có thể chia sẻ chuyên môn của mình về các quy trình chứng nhận, tiêu chuẩn và thông lệ tốt nhất với Việt Nam.

Hơn nữa, chúng ta còn có cơ hội lớn cho các mối liên doanh. Các công ty Morocco và Việt Nam có thể hợp tác để phát triển các sản phẩm Halal phục vụ cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu sang các quốc gia Hồi giáo khác. Sự hợp tác này có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên, tận dụng thế mạnh của mỗi quốc gia.

Về mặt tiếp cận thị trường, Morocco có thể đóng vai trò là cửa ngõ chiến lược để các sản phẩm Halal của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường châu Phi, Trung Đông và các quốc gia châu Âu có cộng đồng Hồi giáo đông đảo. Trong khi đó, Việt Nam có thể làm cầu nối cung cấp các sản phẩm Morocco tiếp cận thị trường Đông Nam Á.

Du lịch là một lĩnh vực “chín muồi” khác để hai bên hợp tác. Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch Halal, cả hai nước có thể tăng cường sức hấp dẫn đối với khách du lịch Hồi giáo, thúc đẩy ngành du lịch của nhau.

Đào tạo và giáo dục cũng mang đến nhiều cơ hội cho hợp tác song phương. Các tổ chức, cơ quan Morocco có thể cung cấp các chương trình đào tạo cho các chuyên gia Việt Nam, tập trung vào quản lý và chứng nhận ngành công nghiệp Halal, qua đó xây dựng năng lực tại địa phương.

Để thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực này, Đại sứ quán Morocco tại Việt Nam có thể đóng vai trò là cầu nối để tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các bên liên quan ở cả hai quốc gia và đóng vai trò chủ chốt trong các sự kiện xúc tiến như tổ chức phái đoàn thương mại, sự kiện kết nối kinh doanh trong ngành công nghiệp Halal… Những sự kiện như vậy đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác và tạo ra các cơ hội kinh doanh, qua đó tăng cường hợp tác kinh tế và nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau về động lực của thị trường Halal.

Ngoài ra, Đại sứ quán sẵn sàng tạo điều kiện đối thoại giữa các cơ quan chứng nhận Halal ở cả hai quốc gia, thúc đẩy việc hài hòa các tiêu chuẩn thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ trong tương lai gần. Mặt khác, các hoạt động trao đổi văn hóa cũng có thể giúp vun đắp sự hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa Hồi giáo và các tiêu chuẩn của Halal.

Cuối cùng, việc hỗ trợ các sáng kiến ​​nghiên cứu chung về xu hướng và cơ hội của thị trường Halal có thể cung cấp những hiểu biết có ích, định hướng cho các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách ở cả hai quốc gia.

Thông qua những nỗ lực này, chúng tôi hy vọng sẽ củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam và Morocco trong mọi lĩnh vực hợp tác, bao gồm cả ngành công nghiệp Halal.

Thị trường Halal của Morocco rất mạnh mẽ, được quản lý và hỗ trợ bởi các sáng kiến ​​của chính phủ và nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm được chứng nhận Halal. (Ảnh minh họa: Tuấn Việt)

Theo Đại sứ, các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal cần lưu ý điều gì?

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm Halal, điều quan trọng là phải bắt đầu bằng việc hiểu rõ các yêu cầu của thị trường Halal. Điều này không chỉ liên quan đến các thành phần thực phẩm; mà còn mở rộng đến chế biến, đóng gói và hậu cần.

Việc có được chứng nhận phù hợp là điều cần thiết, vì vậy các doanh nghiệp nên tìm kiếm chứng nhận Halal từ các tổ chức được công nhận, bảo đảm rằng các chứng nhận này được chấp nhận tại các thị trường xuất khẩu mục tiêu của họ.

Đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên dụng cho Halal là một bước quan trọng khác. Việc thiết lập các dây chuyền sản xuất hoặc cơ sở riêng biệt cho các sản phẩm Halal có thể giúp bảo đảm tuân thủ và xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.

Mặt khác, việc xây dựng mối quan hệ với các bên tham gia lâu năm trên thị trường Halal cũng có lợi, vì điều này có thể cung cấp những hiểu biết giá trị và mở ra các kênh phân phối cho doanh nghiệp.

Việc tham gia các triển lãm thương mại Halal quốc tế là một cách tuyệt vời để giới thiệu sản phẩm và kết nối với những người mua và đối tác tiềm năng. Điều quan trọng nữa là phải điều chỉnh các chiến lược tiếp thị để tạo được tiếng vang với người tiêu dùng Hồi giáo, bảo đảm rằng các tài liệu tiếp thị và bao bì tôn trọng sự nhạy cảm về văn hóa.

Duy trì chất lượng sản phẩm cao là chìa khóa để cạnh tranh với các thương hiệu Halal đã thành danh. Ngoài ra, tận dụng các nền tảng thương mại điện tử có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn cầu. Việc cập nhật thông tin về các tiêu chuẩn Halal đang thay đổi và xu hướng thị trường ở các quốc gia khác nhau là rất quan trọng để duy trì khả năng cạnh tranh.

Cuối cùng, các doanh nghiệp nên tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ bằng cách tận dụng bất kỳ chương trình hoặc sáng kiến ​​nào hỗ trợ phát triển và xuất khẩu ngành công nghiệp Halal.

Thực hiện các bước này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể quảng bá hiệu quả các sản phẩm Halal của mình trên thị trường quốc tế.

Diễn đàn Halal Maroc lần thứ 6 (FOHAM), do Viện Tiêu chuẩn hóa Maroc (IMANOR) tổ chức ngày 27/6/2024, tại Casablanca. (Nguồn: ICDT/X)

Vậy các doanh nghiệp Việt Nam có những cơ hội gì ở thị trường Halal của Morocco? Đại sứ hãy đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam đang muốn tiếp cận thị trường Morocco?

Thị trường Halal của Morocco mang đến những cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thực phẩm và mỹ phẩm.

Thị trường Halal của Morocco rất mạnh mẽ, được quản lý và hỗ trợ bởi các sáng kiến ​​của chính phủ và nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm được chứng nhận Halal nhập khẩu từ các quốc gia không theo đạo Hồi. Việt Nam có thể khai thác việc xuất khẩu các mặt hàng được chứng nhận Halal cho thị trường Morocco.

Morocco đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thiết lập các cơ chế thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sang các thị trường Halal. Viện Tiêu chuẩn hóa Morocco (IMANOR) đã xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp với các tổ chức quốc tế, có thể tiếp cận được với các bên liên quan. Sự liên kết này có thể có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Morocco hoặc thông qua Morocco đến các thị trường khác.

Để thành công, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý chặt chẽ đến các tiêu chuẩn Halal cụ thể của Morocco. Việc hợp tác với các tổ chức chứng nhận Morocco hoặc bảo đảm rằng các tiêu chuẩn Halal của Việt Nam phù hợp với kỳ vọng của Morocco là rất quan trọng. Các thỏa thuận công nhận mà Morocco hiện có với các quốc gia như Malaysia và Singapore nêu bật tầm quan trọng của việc liên kết các tiêu chuẩn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm nhập thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nên nhận thức được thị hiếu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hữu cơ, mang tính đạo đức và chất lượng cao, vốn đang ngày càng trở nên phổ biến trên thị trường Halal. Quan niệm về các sản phẩm Halal chất lượng cao hơn và lành mạnh hơn không chỉ giới hạn ở người tiêu dùng Morocco, mà đã trở thành niềm tin phổ biến thúc đẩy nhu cầu trên toàn cầu.

Việc thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với các nhà phân phối Morocco và tích cực quảng bá các sản phẩm của Việt Nam thông qua các hội chợ, sự kiện thương mại song phương là rất quan trọng để thành công lâu dài tại Morocco. Tham gia các sự kiện như Hội nghị Halal quốc tế 2024 sắp tới có thể mang lại cơ hội kết nối và hiểu biết sâu sắc có giá trị về xu hướng thị trường.

Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam nên xem xét vị trí chiến lược của Morocco như một cửa ngõ vào thị trường châu Phi và châu Âu. Sáng kiến ​​của chính phủ Morocco nhằm đưa đất nước trở thành trung tâm kinh doanh khu vực, tập trung vào ngành công nghiệp Halal, mang đến cơ hội chiến lược cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Sự phát triển này có thể đóng vai trò là cửa ngõ cho các công ty Việt Nam không chỉ thâm nhập thị trường Morocco mà còn mở rộng phạm vi hoạt động của mình trên toàn khu vực.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ cùng các Đại sứ, đại diện các Bộ, ban, ngành... của Việt Nam tham quan quầy trưng bày của các Đại sứ quán châu Phi với nhiều nét văn hóa đặc trưng, ẩm thực truyền thống của các nước châu Phi nhân Lễ kỷ niệm Ngày châu Phi tại Hà Nội, ngày 24/5/2024. (Ảnh: Tuấn Việt)
(thực hiện)