Nhỏ Bình thường Lớn

Halal Việt Nam - Chân trời tươi sáng (Kỳ I): Những điều chưa biết về thị trường 'tỷ đô'

Thị trường Halal là một thị trường rất lớn, giàu tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng rất nhanh nhưng rất mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tại talk show "Halal Việt Nam - Chân trời tươi sáng" của Báo Thế giới và Việt Nam diễn ra mới đây, các chuyên gia, nhà ngoại giao gắn bó với câu chuyện Halal đã "giải mã" về thị trường tiềm năng này.
(Ảnh: Anh Tuấn)
Các đại biểu tham dự talk show "Halal Việt Nam - Chân trời tươi sáng" do Báo Thế giới và Việt Nam thực hiện. (Ảnh: Anh Tuấn)

Theo nhiều dự báo, năm 2025, thị trường sản phẩm Halal toàn cầu dự kiến đạt quy mô hơn 7.000 tỷ USD và có cơ hội tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2027.

Thời gian qua, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm hơn tới thị trường Halal. Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng.

Đề án đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam một cách toàn diện, giúp các doanh nghiệp ta tham gia sâu, hiệu quả vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.

Bản sắc, thương hiệu riêng của người Hồi giáo

Về đề án nói trên, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Áo, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi Nguyễn Trung Kiên nhận định, đây lần đầu tiên Chính phủ có một đề án về ngành Halal.

Xét về phía doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất năng động, sáng tạo và thực tế đã có những doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu sản phẩm Halal. Tuy nhiên, khi có một đề án cấp Chính phủ, ngành Halal sẽ có sự tham gia của toàn bộ ngành đối ngoại và tất cả các ngành sản xuất trong nước. Đây thực sự là một cơ hội mới.

"Khi đã bắt đầu tiếp xúc câu chuyện giúp cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường Halal tôi luôn thấy nó thú vị..." - nguyên Đại sứ Nguyễn Trung Kiên

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Halal là một lĩnh vực rộng lớn, trong đó có các sản phẩm tiêu dùng của con người, liên quan đến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm... được xây dựng một tiêu chuẩn trên niềm tin tôn giáo của đạo Hồi. Quy chuẩn này nằm xuyên suốt quá trình từ khi sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng và vì thế, nó có phạm vi ảnh hưởng rất lớn.

"Khi đã bắt đầu tiếp xúc câu chuyện giúp cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường Halal tôi luôn thấy nó thú vị bởi đây là sự kết hợp tổng hòa giữa niềm tin tôn giáo, tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp cận thị trường sản xuất, tiêu dùng. Halal cũng là chuỗi quy trình liên quan đến các quốc gia và hệ thống pháp luật khác nhau, vì vậy, luôn có khó khăn và thách thức", ông Nguyễn Trung Kiên bày tỏ.

Giải mã thêm về Halal, PGS. TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi cho hay, theo tiếng Arab, Halal là sự cho phép, hợp pháp. Ban đầu, Halal thường được áp dụng với thịt gia súc, gia cầm và liên quan tới phương pháp giết mổ theo tín ngưỡng của người Hồi giáo.

Sau này, khái niệm Halal được áp dụng cho cả những sản phẩm khác, ví dụ như các sản phẩm không phải là thịt. Thậm chí Halal hiện nay còn được áp dụng trong tất cả các khía cạnh của đời sống con người. Chính vì vậy, logo biểu tượng Halal đang trở thành cái bản sắc, thương hiệu riêng của người Hồi giáo.

Về vấn đề niềm tin, PGS. TS Đinh Công Hoàng nhận thấy, đây là đặc điểm vô cùng quan trọng của thị trường Halal. "Đó là niềm tin về tính minh bạch, tính liêm chính hay tính toàn vẹn Halal. Các quy trình sản xuất từ nông trại tới bàn ăn, từ khâu cung ứng thức ăn đầu vào, tới giết mổ, chế biến, vận chuyển và phân phối tiêu dùng đều phải tuân thủ theo tiêu chuẩn Halal rất chặt chẽ", ông bày tỏ.

Về nội hàm và khái niệm, Halal còn đề cập tới sự trong sạch trong lương tâm và hành vi, sự lựa chọn đạo đức, lối sống trong cuộc sống hằng ngày.

Hiện tại, những vấn đề xã hội quan tâm là nông nghiệp hữu cơ, thương mại công bằng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các hành vi nhân văn, nhân đạo của con người với động vật và môi trường. Vì vậy, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi nhận định: "Với những giá trị tiến bộ này, Halal dần được chấp nhận và dần được áp dụng và trở thành lối sống không chỉ ở quốc gia đạo Hồi mà cả các quốc gia khác".

Chất lượng của chứng chỉ chất lượng đối với các sản phẩm và dịch vụ Halal tại Kazakhstan. (Nguồn: Astana Times)
Chất lượng của chứng chỉ chất lượng đối với các sản phẩm và dịch vụ Halal tại Kazakhstan. (Nguồn: Astana Times)

Cơ hội tốt để Việt Nam nâng tầm chất lượng quy chuẩn nông sản

Còn với PGS. TS Đinh Công Hoàng, điều thú vị là quy mô của thị trường. Thị trường này có quy mô dân số là 2 tỷ dân và quy mô lên tới 7.000 đến 10.000 tỷ USD, với mức tăng trưởng rất nhanh. Đây là thị trường rất tiềm năng, với các lĩnh vực rất đa dạng. Thế nhưng, điều đáng tiếc là Việt Nam chưa xâm nhập được nhiều vào thị trường này.

Nhìn từ đất nước Malaysia, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh cũng cho rằng, Halal là khái niệm tổng thể của một quá trình sản phẩm. Ở Malaysia, quốc gia này đã nâng khái niệm Halal lên thành hệ sinh thái Halal, với mong muốn, sản phẩm này có thể tiếp cận được các tầng lớp khác nhau.

"Hiện nay trên thế giới có khoảng 10 quốc gia xuất khẩu sản phẩm Halal, trong đó, 5 quốc gia hàng đầu lại không phải là quốc gia Hồi giáo. Từ khía cạnh Việt Nam, tôi cho rằng, chúng ta cần lưu ý, bên cạnh mục tiêu tôn giáo, các yêu cầu về Halal có khả năng làm tăng chi phí sản xuất, quản lý để đáp ứng nhu cầy của Halal", Đại sứ Việt Nam tại Malaysia nói.

Halal Việt Nam - Chân trời tươi sáng (Kỳ I): Những điều chưa biết về thị trường 'tỷ đô'
Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp về phát triển và tham gia vào thị trường Halal toàn cầu trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, tháng 12/2023. (Ảnh: Anh Sơn)

Là một người tiếp cận Halal từ sớm, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho rằng, là một khái niệm rộng nên đứng từ mỗi góc độ, người ta lại có cách xử lý khác nhau.

Ở góc độ quản lý của nhà nước, ông Nguyễn Trung Kiên nhận thấy, cần có sự tham dự của rất nhiều Bộ ngành nhưng vì thế đã tạo sự chồng chéo giữa nhiều cơ quan. "Và đó là lúc Bộ Ngoại giao và ngoại giao kinh tế cần vào cuộc", ông Nguyễn Trung Kiên nói.

Ông kể, có một thời kỳ, khi tiếp cận câu chuyện làm thế nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngành Halal thì không tìm thấy chủ thể. Lúc đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn – khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách ngoại giao kinh tế - đã mạnh dạn cùng Bộ Nông nghiệp Phát triển và nông thôn nêu bật vấn đề Halal để thu hút sự quan tâm của Chính phủ.

Đến thời điểm hiện tại, Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” nêu rõ, ngành Ngoại giao sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển ngành Halal.

Ông Nguyễn Trung Kiên khẳng định: "Halal bắt đầu từ doanh nghiệp, vì vậy, doanh nghiệp phải là trung tâm, là người đi đầu là người thụ hưởng cuối cùng. Thời gian tới, chúng ta cần làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được thị trường Halal?

Giấy chứng nhận sản phẩm Halal chính là 'hộ chiếu' để đưa hàng vào các thị trường Halal. Các cơ quan quản lý nhà nước làm thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp sớm có giấy chứng nhận đó, sớm có quy trình đạt giấy chứng nhận đó và sớm có khả năng cạnh tranh cao trong những quốc gia có thể sản xuất được hàng Halal".

Không chỉ là cơ hội với doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Kiên còn nhận thấy, đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam nâng tầm chất lượng quy chuẩn nông sản.

Việt Nam là nước có ngành nông nghiệp mạnh, là trụ cột của đất nước. Vì vậy, muốn xây dựng ngành nông nghiệp, chúng ta phải có quy chuẩn cao hơn, mạnh hơn, vừa để bảo vệ người tiêu dùng, vừa để bảo vệ người sản xuất. Và câu chuyện tiêu chuẩn Halal là một ví dụ điển hình để nâng tầm và phát triển quy chuẩn sản phẩm.

Halal - Thị trường 'chín muồi' cho hợp tác Việt Nam-Morocco

Halal - Thị trường 'chín muồi' cho hợp tác Việt Nam-Morocco

Morocco có thể đóng vai trò là cửa ngõ chiến lược để các sản phẩm Halal của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường ...

Tiêu chuẩn Halal: Đưa giá trị Hồi giáo vào từng 'ngóc ngách' đời sống

Tiêu chuẩn Halal: Đưa giá trị Hồi giáo vào từng 'ngóc ngách' đời sống

Halal không gói gọn trong những quy định nghiêm ngặt của một ngành công nghiệp đang lên mà còn là nền tảng đạo đức và ...

Du khách Hồi giáo ‘bối rối’ ở Thái Lan – Không lo, đã có Halal Route

Du khách Hồi giáo ‘bối rối’ ở Thái Lan – Không lo, đã có Halal Route

Trung tâm Khoa học Halal tại Đại học Chulalongkorn vừa giới thiệu ứng dụng Halal Route nhằm hỗ trợ du khách Hồi giáo tại Thái ...

Gia Lai: Quyết tâm khai phá thị trường Halal

Gia Lai: Quyết tâm khai phá thị trường Halal

Những năm gần đây, Gia Lai chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng ...

Hương vị Halal hấp dẫn du khách Hồi giáo đến xứ sở hoa anh đào

Hương vị Halal hấp dẫn du khách Hồi giáo đến xứ sở hoa anh đào

Số lượng du khách Hồi giáo đến Nhật Bản tăng nhanh, song không có nhiều nhà hàng cung cấp thực phẩm Halal...