Ủy ban châu Âu khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về cuộc điều tra của Trung Quốc đối với các sản phẩm từ sữa của Liên minh châu Âu (EU) được tiến hành sau khi liên minh áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe điện của quốc gia châu Á. (Nguồn: Shutterstock) |
Kinh tế thế giới
Các nhà máy lọc dầu toàn cầu đối mặt với lợi nhuận giảm mạnh
* Các nhà máy lọc dầu ở châu Á, châu Âu và Mỹ đang đối mặt với tình trạng lợi nhuận sụt giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, đánh dấu sự sụt giảm đối với ngành đã từng “tận hưởng” lợi nhuận tăng vọt sau đại dịch.
Sự sụt giảm này là một dấu hiệu tiếp theo của nhu cầu tiêu dùng và công nghiệp yếu, đặc biệt là ở Trung Quốc, do tăng trưởng kinh tế chậm lại và xe điện ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều nhà máy lọc dầu mới đi vào hoạt động ở châu Phi, Trung Đông và châu Á cũng đã làm gia tăng áp lực.
Các hãng lọc dầu như TotalEnergies và các công ty thương mại như Glencore đã chứng kiến lợi nhuận “khủng” trong năm 2022 và 2023 khi hưởng lợi từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung do căng thẳng Nga-Ukraine sự gián đoạn vận tải ở Biển Đỏ và nhu cầu phục hồi sau đại dịch.
Nhà phân tích Rory Johnston tại Commodity Context cho biết, dường như chu kỳ siêu lợi nhuận của ngành lọc dầu diễn ra trong vài năm qua có thể đang kết thúc, khi nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu mới khánh thành gần như đáp ứng đủ nhu cầu nhiên liệu.
Theo số liệu LSEG, lợi nhuận lọc dầu tại Singapore, một tiêu chuẩn cho khu vực châu Á, đã giảm xuống còn 1,63 USD/thùng vào ngày 17/9, mức thấp theo mùa kể từ cùng thời điểm năm 2020.
Theo dữ liệu từ Oil Price Information Service, biên lợi nhuận xăng của Vùng Vịnh, loại trừ phần lợi nhuận liên quan đến nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu tái tạo, trung bình là 4,65 USD/thùng trong ngày 13/9, giảm so với mức 15,78 USD/thùng một năm trước và biên lợi nhuận dầu diesel chỉ hơn 11 USD, so với hơn 40 USD trong năm 2023.
Nguồn cung dầu diesel dư thừa trên toàn cầu do nhu cầu yếu là một trong những lý do chính khiến biên lợi nhuận yếu.
Mỹ
* Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố đề xuất cấm phần mềm và phần cứng của Trung Quốc trong các phương tiện giao thông có kết nối và tự lái trên đường tại Mỹ vào tuần tới. Quy định mới, nếu được thông qua, sẽ ngăn việc nhập khẩu, mua bán bán phần mềm, phần cứng hệ thống hoặc lái tự động quan trọng trên ô tô và các phương tiện tương tự.
Trong thời gian qua, Chính phủ Mỹ không ít lần tỏ ra quan ngại về nguy cơ những doanh nghiệp Trung Quốc thu thập dữ liệu của người lái xe và cơ sở hạ tầng ở Mỹ, cũng như khả năng can thiệp từ xa vào các phương tiện kết nối Internet và hệ thống điều hướng.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng động thái trên là sự gia tăng kiểm soát và hạn chế của Mỹ đối với những phương tiện, phần mềm và linh kiện Trung Quốc. Trước đó, Mỹ cũng đã áp tăng thuế mạnh đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ dự định cho phép công chúng nêu ý kiến trong 30 ngày trước khi hoàn thiện quy định
Trung Quốc
* Ngày 24/9, giới chức Trung Quốc cho biết, nước này có kế hoạch tăng vốn cốt lõi cho 6 ngân hàng thương mại lớn để củng cố, nâng cao khả năng vận hành ổn định và phát triển của các ngân hàng thương mại lớn, nhưng số vốn tăng thêm không được tiết lộ.
6 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Trung Quốc (BoC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Giao thông (BCM) và Ngân hàng Tiết kiệm bưu điện Trung Quốc (PSBC).
Tin liên quan |
Khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh |
* Theo dữ liệu từ Học viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT), doanh số bán điện thoại thông minh thương hiệu nước ngoài, bao gồm cả Apple Inc tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, trong tháng 8/2024 đã giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm xuống còn 1,870 triệu máy so với mức 2,142 triệu máy.
Theo CAICT, tổng doanh số bán điện thoại di động tại Trung Quốc trong tháng 8/2024 đã tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước lên 24,05 triệu máy.
Châu Âu
* Ngày 23/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về cuộc điều tra của Trung Quốc đối với các sản phẩm từ sữa của Liên minh châu Âu (EU) được tiến hành sau khi liên minh áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe điện của quốc gia châu Á.
Đây là lần đầu tiên EU đưa ra hành động như vậy ngay khi một cuộc điều tra bắt đầu, chứ không đợi cho đến khi cuộc điều tra dẫn đến những biện pháp thương mại áp dụng đối với khối này.
EC cho biết sẽ yêu cầu WTO thành lập một ban giải quyết tranh chấp nếu các cuộc tham vấn không tìm ra một giải pháp thỏa đáng. Các ban giải quyết tranh chấp của WTO thường mất hơn một năm để đưa ra phán quyết.
* Báo cáo Triển vọng Kinh tế mới của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần ổn định, các nền kinh tế lớn trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) như Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều đang vận hành tốt hơn Đức.
Đức vẫn là một trong những quốc gia công nghiệp phát triển chậm nhất - dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 0,1% trong năm nay và thấp hơn mức dự báo 0,2% mà OECD đưa ra hồi tháng 5.
Theo OECD, Đức sẽ vẫn ở vị trí cuối bảng trong năm 2025 với dự báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tăng trưởng 1%, thấp hơn mức dự báo 1,1% hồi tháng Năm.
* Theo số liệu Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT) công bố ngày 24/9, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này cuối cùng đã trở lại mức đỉnh điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Cụ thể, năm 2023, GDP của Italy đã tăng 0,7%, thấp hơn 0,2% so với ước tính trước đó. Tuy nhiên, trong năm 2022, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 4,7%, tăng 0,7% so với ước tính trước đó. Và vào năm 2021, nền kinh tế tăng trưởng 8,9%, tăng 0,6% so với dữ liệu trước đó.
ISTAT cho biết, các số liệu trên cho thấy GDP năm 2023 của Italy lần đầu tiên đạt mức cao hơn so với mức cao nhất trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo dữ liệu mới, GDP của Italy hiện cao hơn 0,2% so với mức đỉnh điểm năm 2007.
Nhật Bản và Hàn Quốc
* Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), ông Kazuo Ueda cho biết, ngân hàng này có thể dành thời gian để xem xét kỹ lưỡng thị trường và tình hình kinh tế ở nước ngoài khi thiết lập chính sách tiền tệ. Bình luận này cho thấy BoJ không vội vã tăng lãi suất.
Ông Ueda nhắc lại rằng, BoJ sẽ tăng lãi suất nếu lạm phát cơ bản hướng đến mục tiêu 2% như dự kiến.
Tuy nhiên, ông cảnh báo về những rủi ro xung quanh triển vọng, chẳng hạn như biến động của thị trường tài chính và sự không chắc chắn về việc kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm hay không. Theo ông, BoJ cần dành thời gian xem xét kỹ lưỡng các động thái của thị trường và tình hình kinh tế nước ngoài khi thiết lập chính sách tiền tệ.
* Các ngân hàng thương mại Hàn Quốc đang phải vật lộn với tình trạng lợi nhuận giảm ở nước ngoài, chủ yếu là do môi trường kinh doanh khó khăn ở Đông Nam Á, nơi họ đang nỗ lực mở rộng sự hiện diện của mình.
4 ngân hàng cho vay lớn nhất Hàn Quốc tại Đông Nam Á bao gồm KB Kookmin, Shinhan, Hana và Woori, đã báo cáo tổng lợi nhuận ròng từ nước ngoài là 337,9 tỷ Won (tương đương 253,07 triệu USD) trong nửa đầu năm 2024. Con số này giảm 38,1% so với mức 545,6 tỷ won trong cùng kỳ năm ngoái.
* Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 25/9 đã công bố “Triển vọng kinh tế châu Á tháng 9/2024”, trong đó dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2024 sẽ duy trì ở mức 2,5% nhờ sự gia tăng xuất khẩu, chủ yếu từ ngành chip bán dẫn và ô tô.
Con số này cao hơn so với mức dự báo 2,4% của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), nhưng tương đương với dự báo được đưa ra vào tháng 7/2024, của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI). Được biết, ADB đã từng nâng dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc thêm 0,3% vào tháng 7/2024.
So với dự báo vào tháng 7/2024, ADB giữ nguyên triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2025 ở mức 2,3%, đồng thời duy trì dự báo về tỷ lệ lạm phát của nước này với mức 2,5% cho năm nay và 2,0% cho năm sau.
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* ADB đã phê duyệt khoản vay chính sách trị giá 500 triệu USD nhằm hỗ trợ các nỗ lực chuyển đổi năng lượng của Indonesia.
Indonesia, quốc gia giàu tài nguyên, đang đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060, đã cố gắng giảm việc sử dụng than trong lĩnh vực năng lượng với sự hỗ trợ tài chính từ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), nhưng việc giải ngân còn chậm.
Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, Giám đốc ADB tại Indonesia Jiro Tominaga cho biết, Indonesia đang ở thời điểm quan trọng trong hành trình chuyển đổi năng lượng, và khoản vay này hỗ trợ những nỗ lực của Indonesia "nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và bền vững".
* Theo các nhà kinh tế, nỗ lực gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) có thể mở ra nhiều cơ hội cho Malaysia tại các thị trường mới nổi, mở đường cho sự tăng trưởng trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, xe điện và tài chính.
Nhà kinh tế học Rajah Rasiah, Đại học Malaya cho biết, gia nhập BRICS sẽ giúp Malaysia dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường các nước thành viên như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi…, đồng thời nhận định, Malaysia có điều kiện để vay vốn phát triển cơ sở hạ tầng từ Ngân hàng Phát triển Mới của khối. Bên cạnh đó, việc sử dụng đồng tiền riêng trong giao dịch thương mại sẽ giúp Malaysia giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
* Ngày 25/9, chính phủ Thái lan đã khởi động giai đoạn đầu tiên của chương trình kích thích kinh tế trị giá 145 tỷ Baht (4,3 tỷ USD), với mục tiêu hỗ trợ 10.000 Baht (300 USD)/người cho khoảng 45 triệu công dân Thái Lan.
Giai đoạn đầu của chương trình, bắt đầu từ ngày hôm nay và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 9, sẽ phân phối 10.000 Baht tiền mặt/người cho 14,5 triệu người có thẻ phúc lợi và người khuyết tật.
Các ngân hàng tại Thái Lan tham gia chương trình đã bắt đầu chuyển tiền cho người dân từ sáng sớm ngày hôm nay. Ví dụ, Ngân hàng Kasikorn được cho là bắt đầu chuyển tiền lúc 1h12 sáng và Ngân hàng Tiết kiệm chính phủ vào lúc 1h50.
| Kinh tế thế giới nổi bật (13-19/9): Phương Tây trừng phạt Nga, ngân hàng châu Âu ‘dính đạn’; nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu phục hồi không đồng đều Các biện pháp phương Tây trừng phạt Nga gây rủi ro lớn cho ngân hàng Thụy Sỹ, Mỹ giảm lãi suất lần đầu kể từ ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (6-12/9): Nga đi ngược mục tiêu của phương Tây, điểm sáng mới của hợp tác Bắc Kinh-Moscow, CPI Mỹ tăng Chỉ số giá lương thực giảm, kinh tế Nga đi ngược mục tiêu của phương Tây, Bắc Kinh-Moscow tăng hợp tác tại Viễn Đông, CPI ... |
| Khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư được thành lập là việc cụ thể hóa thỏa thuận ký kết giữa Việt Nam và ... |
| Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng: Chưa bao giờ công tác ngoại giao kinh tế được gắn với nhu cầu sát sườn của các địa phương như hiện nay Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ta đã ban hành Chỉ thị, xác định rõ ... |
| FD và HEF TP. Hồ Chí Minh 2024: Thông điệp mạnh mẽ về chuyển đổi công nghiệp Sự quan tâm của các đại biểu trong nước và quốc tế, đặc biệt sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ... |