📞

Hầm đường sắt dài nhất thế giới

07:00 | 03/06/2016
Tuyến hầm đường sắt xuyên dãy núi Alps sẽ trở thành một phần của hệ thống đường sắt du lịch trên khắp châu Âu.

Hình ảnh tuyến đường sắt Gotthard.

Cảnh quan thiên nhiên của dãy núi Alps tuyệt đẹp và hùng vĩ, nhưng đối với người châu Âu từ nhiều thế kỷ qua, dãy núi này là một điểm cản trở “nhức nhối” về mặt giao thông do nó tạo thành một bức tường thiên nhiên trải khắp phần Tây và phần trung tâm của lục địa, ngăn cách các nước,  phân chia và làm cho giao thông nhiều khu vực ở châu Âu trở nên tốn thời gian.

Hiện đã có một số đường hầm lớn và đường cao tốc cắt qua dãy núi, kết nối tới những vùng thung lũng xa xôi. Tuy nhiên dãy núi Alps vẫn tạo ra một rào cản đáng kể giữa vùng Nam Âu và Bắc Âu. 

Từ ngày 1/6/2016, Thụy Sĩ đã mở cửa giao thông tuyến hầm đường sắt dài nhất từ trước đến nay. Với chiều dài gần 57km, đường hầm Gotthard xuyên sâu dưới những ngọn núi để kết nối các khu vực nói tiếng Đức và tiếng Ý của Thụy Sĩ  - tiếp theo đó là kết nối các vùng đất thấp của Thụy Sĩ với đồng bằng miền Bắc Italy. Đường hầm này dài hơn 3 km so với  đường hầm Seikan của Nhật Bản hiện đang giữ kỷ lục dài nhất thế giới.

Với độ sâu 2,4km so với đỉnh núi, đường hầm chạy sâu dưới mặt đất hơn bất kỳ đường hầm nào khác từng được xây dựng. Dự án xây dựng đường hầm này đã tốn một quãng thời gian chuẩn bị rất dài và được phê duyệt vào năm 1992.

Lợi ích to lớn

Dự án bắt đầu vào năm 1996, nhưng đến năm 2011 mới hoàn thành việc khoan thực tế. Tổng chi phí cho đến nay khoảng 10,3 tỷ USD.

Tuy tốn kém nhưng lợi ích của công trình này rất lớn. Hiện nay, xe lửa chạy xuyên qua đường hầm trên một đường ray được thiết kế đặc biệt, gần như bằng phẳng, với tốc độ lên tới  190 km/giờ. Nhờ vậy thời gian đi lại giữa Zurich (Thụy Sĩ) và Milan (Italy) sẽ giảm chỉ còn 2 giờ 30 phút so với 4 giờ 40 phút trước đây.

Đường hầm này là một phần trong kế hoạch phát triển đường sắt lớn được thiết kế để đơn giản hóa việc lưu thông hàng hóa trên khắp châu Âu. Sau khi hoàn thành, hệ thống đường sắt này sẽ giảm thời gian hành trình và chi phí vận tải, và thu hút các công ty vận chuyển hàng hóa chuyển hàng bằng đường sắt thay vì vận tải trên đường cao tốc như hiện nay.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, đường cao tốc sẽ giảm tắc nghẽn, không khí sẽ bớt ô nhiễm, và quan trọng nhất là số vụ tai nạn trên đường cao tốc cũng sẽ giảm. 

Các hành lang đường sắt liên quan được sắp xếp hợp lý. Chạy qua hầm Gotthard sẽ có tuyến đường kết nối từ thành phố Rotterdam ở miền Nam Hà Lan tới thành phố Genoa của Italy trên bờ biển Địa Trung Hải. Dọc hành lang này là những vùng dân cư đô thị hoá mạnh với hơn 110 triệu dân. Cả hai thành phố Genoa và Rotterdam đều là những cảng đông đúc nhất ở châu Âu.

Đường hầm Gotthard là tuyến dài nhất trong số các đường hầm đang được triển khai xuyên núi cao kết nối các nước. Tại Áo, công trình xây dựng hai đường hầm mới có tên gọi là Semmering và Koralm được dự kiến hoàn thành vào năm 2024.  

Trong khi đó một tuyến liên kết Đông-Tây mới khác cũng đã được “bật đèn xanh” để kết nối thành phố Lyon của Pháp với thành phố Turin của Italy bằng tuyến đường sắt tốc độ cao. Công trình này sẽ được đưa vào hoạt động năm 2028, tạo ra một hành lang đường sắt vươn xa về phía Đông tới tận Budapest của Hungary.