Ảnh minh họa |
Ở miền Nam nước Mỹ, 14 bang như đang bị "hun trong lò" - từ Arizona, nơi đang phải chiến đấu với các vụ cháy lớn nhất trong lịch sử, đến Florida - nơi có 200.000 ha đất bị phá hủy trong các đám cháy. Texas và New Mexico đang khô hạn hơn bất kỳ năm kỷ lục nào.
Không giống động đất, bão hay các thảm họa khác đến rồi đi rất nhanh, hạn hán có nguy cơ trở thành vấn đề thường trực ở nhiều nơi. Một trong số nguyên nhân dẫn tới hạn hán là do dân số tăng khiến gánh nặng cung cấp nước tăng. Một số các thành phố lớn như Melbourne (Australia), Barcelona (Tây Ban Nha) và Mexico City (Mexico) đã phải gánh chịu tình trạng khẩn cấp về hạn hán. Ở Perth, Australia, dân số đã vượt 1,7 triệu nguời trong khi lượng mưa giảm. Giới chức thành phố đang lo ngại rằng trừ khi có những biện pháp mạnh mẽ, Perth sẽ trở thành "thành phố chết" (thuật ngữ chỉ khu đô thị hiện đại bị bỏ hoang vì thiếu nước) đầu tiên của thế giới. Số phận tương tự đang chờ các thành phố của Mỹ có nguy cơ bị sa mạc hóa như Las Vegas, Phoenix hay Los Angeles.
Phản ứng truyền thống của con người với sự khô hạn là xây dựng các công trình chứa nước như đập, đường ống, cống dẫn nước và các con đê. Tuy nhiên, những dự án thay đổi nguồn nước rất tốn kém, không hiệu quả và không thân thiện với môi trường. Khai thác nước từ đại dương cũng là một tham vọng lớn. Đến năm 2008, hơn 13.000 nhà máy khử muối trên toàn thế giới đã sản xuất hàng tỷ thùng nước/ngày. Nhưng việc khử muối, vốn đắt đỏ và tranh cãi về môi trường, vẫn chưa phát triển nhiều tại Mỹ.
Tái sử dụng nước thải làm nước uống cũng là ý tưởng thú vị, dù còn nhiều vấn đề. Widhoek, Namibia, một trong những vùng khô nhất thế giới, hiện chỉ có mỗi nguồn nước uống làm từ nước thải. Ở El Paso 40% nước máy là nước tái sử dụng. Hiện nhiều dự báo cho thấy nhu cầu về nước toàn cầu sẽ tăng lên 2/3 vào năm 2025, và LHQ đang lo ngại một cuộc khủng hoảng về nước. Để chặn trước hạn hán, chúng ta phải xác định lại cách nghĩ, đánh giá và sử dụng nước.
Singapore là một mô hình đáng học tập: không nước nào sử dụng nước tằn tiện hơn. Những năm 1950, nước này có nguy cơ thiếu nước, nhưng những năm 1960 nước này bắt đầu xây dựng một hệ thống cung cấp nước bài bản. Hiện 40% nguồn cung nước cho Singapore là từ Malaysia, trong khi 25 - 30% nước có được là do khử muối và tái sử dụng nước thải, phần còn lại là từ nguồn dự trữ nước mưa. Do thuế nước cao, và nhờ công nghệ hiện đại, người Singapore đang tận dụng từng giọt nước mà họ có được. Cơ quan quản lý về nước cũng hoạt động rất khoa học, tự chủ và được cung cấp tài chính đầy đủ. Kết quả, lượng nước tính theo đầu người ở Singapore giảm còn 154 lít/ngày năm 2011, từ con số 165 lít/ngày năm 2003.
Mỹ là nước lớn và phức tạp hơn. Nhưng ví dụ Singapore cho thấy chúng ta có thể làm tốt hơn, bắt đầu từ việc giáo dục ý thức người dân, tiếp đó là những bước cơ bản như xác định rõ chúng ta cần bao nhiêu nước, mức độ rò rỉ là bao nhiêu, cũng như khuyến khích việc sử dụng nước hiệu quả, thúc đẩy dự trữ nước mưa và khuyến khích tái sử dụng nước thải trên diện rộng.
Ngoài ra còn phải tạo được một hệ thống các cơ quan kiểm soát việc sử dụng nước sao cho hiệu quả. Nếu không, "con trăn hạn hán" sẽ vẫn từ từ siết chặt chúng ta, trong vài tuần, vài năm tới, cho đến lúc khô kiệt.
Minh Khôi