Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Vai trò và vị trí của ASEAN trong chính sách đối ngoại Hàn Quốc
Hàn Quốc rất coi trọng quan hệ đối ngoại với bốn cường quốc (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga) vì có liên quan đến Bán đảo Triều Tiên bởi ngoại giao với các nước này liên quan trực tiếp đến sự sống còn của quốc gia và an ninh của người dân. Quan hệ kinh tế, thương mại của Hàn Quốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào các nền kinh tế lớn, sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào thương mại Mỹ và Trung Quốc thậm chí đã vượt qua mức 35% trong năm 2018.
Tuy nhiên, Hàn Quốc đã cố gắng đa dạng hóa một cách chiến lược quan hệ ngoại giao, kinh tế với các đối tác trong nhiều năm qua với bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ ngày càng gia tăng. ASEAN chắc chắn là khu vực quan trọng nhất, trọng điểm của chính sách đa dạng hoá cùng với Ấn Độ.
ASEAN với 640 triệu dân, GDP tương ứng 2,9 nghìn tỷ USD là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới với mức tăng trưởng 15% mỗi năm. Đây cũng là một trong những khu vực trẻ, năng động nhất với độ tuổi dân số trung bình là 30 và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 5%. Với tầm quan trọng kinh tế, chiến lược ngày càng tăng, ASEAN đang thúc đẩy ảnh hưởng ngoại giao trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở 10 quốc gia thành viên cùng chung tiếng nói thống nhất. Các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đang cạnh tranh đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao để tăng cường quan hệ với ASEAN.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ thúc đẩy mạnh mẽ Chính sách hướng Nam mới (CSHNM) cùng với tầm nhìn “Một cộng đồng Hòa bình và Thịnh vượng, lấy người dân làm trung tâm” được nhắc tới trong chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in tới Indonesia vào tháng 11/2017 và từ đó Hàn Quốc đã nỗ lực cải thiện đáng kể quan hệ hợp tác với ASEAN.
CSHNM có mục đích hiện thực hóa sự thịnh vượng, hòa bình không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà còn ở cả khu vực Đông Á nói chung. Để thực hiện điều này, nhiều chính sách được ban hành để nâng tầm quan hệ của Hàn Quốc với các quốc gia thành viên ASEAN trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, đạt tới mức quan hệ mà Hàn Quốc đang duy trì với bốn cường quốc. Để đạt được mục tiêu của chính sách này, Hàn Quốc mong muốn thiết lập vững chắc quan hệ, trở thành đối tác đáng tin cậy và lâu dài của ASEAN.
Kể từ khi CSHNM ra đời, Tổng thống Moon đã đến thăm tất cả 10 quốc gia thành viên của ASEAN bao gồm Việt Nam, đặt nền tảng vững chắc để thực hiện thành công chính sách này và tiếp tục tăng cường hợp tác. Lượng người di chuyển giữa Hàn Quốc và các quốc gia nằm trong CSHNM tăng khoảng 10% mỗi năm, lần đầu tiên trong lịch sử vượt quá 11 triệu lượt vào năm 2019. Thương mại song phương Hàn Quốc-ASEAN vượt 160 tỷ USD trong năm 2018, ASEAN vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc, chỉ sau Trung Quốc.
Định hướng chính sách đối ngoại Hàn Quốc đối với ASEAN
ASEAN không còn là đối tác hạng hai trong quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc mà được coi là đối tác ưu tiên ngang hàng với các cường quốc. Quyết định này của chính phủ Hàn Quốc được thể hiện rõ tại Hội nghị Kấp cao kỷ niệm quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc được tổ chức tại Busan vào tháng 11/2019, đánh dấu 30 năm hợp tác đối thoại ASEAN-Hàn Quốc.
Hoạt động ngoại giao này là dịp tốt để đánh giá sự phát triển quan hệ đối tác ASEAN-Hàn Quốc trong 30 năm qua, đưa ra tầm nhìn chung cho 30 năm tới với việc thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung ASEAN-Hàn Quốc vì hòa bình, thịnh vượng và quan hệ đối tác. Tuyên bố Tầm nhìn chung này là nền tảng vững chắc cho định hướng chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với ASEAN.
Thứ nhất, hai bên nhất trí cải thiện hệ thống, khuôn khổ để tăng cường giao lưu nhân dân và văn hóa. Để thực hiện điều này, hai bên sẽ đổi mới hệ thống thị thực, tận dụng Chương trình nghỉ lễ làm việc kèo dài, tăng cường hợp tác giữa Trung tâm văn hóa ASEAN tại Bangkok và Nhà văn hóa ASEAN ở Busan. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ Hàn Quốc cam kết tăng gấp đôi học bổng cho sinh viên ASEAN du học tại Hàn Quốc, tăng cường chương trình Giáo dục và Đào tạo Kỹ thuật, Dạy nghề (TVET).
Thứ hai, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng thông qua mở rộng mạng lưới hiệp định thương mại tự do, tăng cường hợp tác để đối mặt với thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khởi động Quan hệ đối tác khởi nghiệp ASEAN-Hàn Quốc, thúc đẩy sự tham gia của Hàn Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng ASEAN, trong đó có thành phố thông minh. Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết tăng gấp đôi viện trợ cho ASEAN cho đến năm 2022, tăng đóng góp hàng năm cho Quỹ hợp tác ASEAN-Hàn Quốc, Quỹ hợp tác Mekong-Hàn Quốc nhằm tăng cường nguồn lực tài chính cho các kênh hợp tác.
Thứ ba, hai bên đồng ý hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. ASEAN hoan nghênh cam kết của chính phủ Hàn Quốc đối với 3 nguyên tắc của tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên (không khoan nhượng đối với chiến tranh, bảo đảm an ninh chung, cùng thịnh vượng) và tầm nhìn về khu vực hòa bình quốc tế. Hai bên cùng nhất trí tăng cường hợp tác giải quyết các mối đe dọa phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, quản lý thảm họa, sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình và an toàn.
Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm quan hệ ASEAN-Hàn Quốc được tổ chức tại Busan vào tháng 11/2019 đánh dấu 30 năm hợp tác đối thoại ASEAN-Hàn Quốc. |
Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm quan hệ ASEAN-Hàn Quốc năm 2019 đánh dấu sự khởi đầu mới của hợp tác giữa Hàn Quốc với ASEAN, quan hệ này sẽ được hiện thực hoá thông qua triển khai giai đoạn thứ hai CSHNM. Chính phủ Hàn Quốc hiện đang xem xét toàn diện kết quả và hạn chế của giai đoạn đầu triển khai CSHNM trong 3 năm qua, đang nỗ lực xây dựng giai đoạn thứ hai của CSHNM, đây sẽ là cơ sở định hướng chính sách cho 5 năm tới kể từ năm 2021.
Tầm nhìn “Cộng đồng hòa bình, thịnh vượng và lấy người dân làm trung tâm” tiếp tục là yếu tố cốt lõi của chính sách này. Tuy nhiên, mục tiêu và chiến lược trong giai đoạn hai của CSHNM sẽ được điều chỉnh để nâng cao tính hiệu quả, tính nhất quán của khung chính sách. Ngoài ra, định hướng chính sách sẽ được cụ thể hóa theo hướng tận dụng tối đa điểm mạnh của Hàn Quốc, tăng cường chiến lược lựa chọn và trọng tâm hóa trong phân bổ để khắc phục sự hạn chế về nguồn lực.
Việc thực hiện giai đoạn thứ hai CSHNM sẽ phải tính đến thay đổi trong môi trường chính sách như sự bùng phát của Covid-19, tác nhân khiến chuỗi giá trị toàn cầu trong khu vực bị gián đoạn. Do đó, dự kiến chương trình nghị sự trọng tâm của khung chính sách này.sẽ là hợp tác về y tế công cộng.
Kỳ vọng của Hàn Quốc về ASEAN trong năm 2020
Năm 2020 là một năm quan trọng hơn bao giờ hết đối với Việt Nam bởi năm nay đánh dấu mốc kỷ niệm 25 năm Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN; Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN tại thời điểm quan trọng trong tiến trình xây dựng một cộng đồng ASEAN hài hòa, kiên cường, sáng tạo, gắn kết, có trách nhiệm và thích ứng .
Chính phủ Hàn Quốc tin chắc rằng Việt Nam sẽ thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN một cách chủ động, tích cực trong suốt năm nay với chủ đề Một ASEAN “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, góp phần đáng kể vào công tác hiện thực hóa tầm nhìn về một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, gắn kết hơn vào năm 2025. Chính phủ Hàn Quốc, với tư cách là nước điều phối cơ chế ASEAN+3 năm nay, sẽ nỗ lực hợp tác, hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công các cuộc họp của ASEAN, trong đó có Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan.
Đáng tiếc rằng cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với thách thức kinh tế, y tế công cộng nghiêm trọng chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, các cuộc họp ASEAN năm nay cũng không thể tránh khỏi các hậu quả này. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã xử lý thành công tình hình nguy cấp, tiếp tục đóng vai trò xuất sắc trong việc dẫn dắt hợp tác, đoàn kết của ASEAN để vượt qua khủng hoảng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19, ngày 4/4/2020. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN +3 về Covid-19 được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến vào ngày 14/4/2020 là một hành động kịp thời, mạnh dạn của Việt Nam giúp tập hợp cam kết chính trị của lãnh đạo trong khu vực để đối phó với khủng hoảng. Tuyên bố chung của cuộc họp này đặt nền tảng vững chắc để hình thành các biện pháp chung quan trọng như thành lập Quỹ hợp tác ứng phó Covid-19 ASEAN, Kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu.
Tôi tự hào là Việt Nam và Hàn Quốc đã có chung sáng kiến tổ chức cuộc họp này, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị. Tôi sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam để thực hiện thành công các cam kết, thỏa thuận quan trọng được đưa ra tại cuộc họp này.
Việt Nam và Hàn Quốc đã ứng phó thành công khủng hoảng Covid-19 nhờ vào khả năng phòng chống dịch bệnh tốt, nỗ lực tận tụy của người dân, được thế giới ca ngợi là hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19. Do đó, tôi nghĩ rằng đã đến lúc hai nước cần tìm hiểu phương thức bình thường hóa giao lưu nhân dân, sẵn sằng cho “trạng thái bình thường mới” trong giai đoạn hậu Covid-19. Tôi kỳ vọng rằng hai nước sẽ thiết lập khuôn khổ bình thường hóa quan hệ, tạo hình mẫu để mở rộng quan hệ Hàn Quốc với toàn bộ khu vực ASEAN.