📞

Hàn Quốc bắt đầu 'sờ gáy' các 'ông lớn công nghệ' Mỹ

Thanh Tùng 15:25 | 05/12/2020
TGVN. Đầu tuần này, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua pháp lệnh sửa đổi Đạo luật kinh doanh viễn thông, quy định các nhà cung cấp nội dung trực tuyến có trách nhiệm cung cấp dịch vụ ổn định cho người sử dụng.
Chính phủ Hàn Quốc không mong muốn xảy ra nhiều vi phạm sau khi sửa đổi luật. (Nguồn: Uproxx)

Các quy định mới có hiệu lực từ ngày 10/12 tới áp dụng cho các công ty cung cấp nội dung trực tuyến, chiếm 1% hoặc hơn tổng lưu lượng dữ liệu sử dụng ở Hàn Quốc trong 3 tháng cuối năm này, về cơ bản nhắm tới các công ty lớn như Netflix, Google và Facebook, cũng như các công ty trong nước như Naver và Kakao.

Nếu không thực hiện các quy định mới này, các công ty trên có thể bị phạt hành chính lên tới 20 triệu Won (18.350 USD).

Luật sửa đổi được đưa ra khi hai gã khổng lồ phát nội dung trực tuyến toàn cầu Netflix và Google, công ty điều hành kênh YouTube, gần đây đang bị theo dõi về phản ứng trước ngày càng nhiều lời phàn nàn về dịch vụ của họ.

YouTube đối mặt với những lời chỉ trích ở Hàn Quốc sau khi ngừng hoạt động trong nhiều giờ vào tháng trước, trong khi một nhà lập pháp đảng cầm quyền cáo buộc Netflix đã không có phản ứng thích hợp với các vấn đề xảy ra hồi tháng 5 và tháng 6 năm nay.

Trong thời gian qua, hai công ty này đã tăng cường sự hiện diện của mình tại Hàn Quốc. Theo công ty theo dõi thị trường IGAWorks, người dân Hàn Quốc ước tính dành trung bình gần 30 giờ trên YouTube trong tháng 9. Trong khi đó, số liệu nghiên cứu của WiseApp cho thấy số thuê bao của Netflix ở Hàn Quốc đã lên tới 3,6 triệu tính đến tháng 10.

Theo luật sửa đổi, các công ty này sẽ phải cung cấp dịch vụ ổn định cho người sử dụng. Tuy nhiên, khoản tiền phạt tương đối nhỏ đã khiến một số người chỉ trích băn khoăn về hiệu quả của luật sửa đổi.

Một quan chức Bộ Công nghệ Thông tin-Truyền thông Hàn Quốc lý giải: "Bản thân việc sửa đổi luật có ý nghĩa hơn là số tiền phạt. Không có cách nào để buộc các công ty này phải chịu trách nhiệm về việc không cung cấp dịch vụ ổn định. Khi ảnh hưởng của các nhà cung cấp nội dung trực tuyến tăng, họ cần phải chịu trách nhiệm lớn hơn".

(theo Yonhap)