Samsung là một trong những tập đoàn dự kiến sẽ cắt giảm nhân sự trong đợt cải tổ doanh nghiệp Hàn Quốc lần này. (Nguồn: Business Insider) |
Tiến trình cải tổ doanh nghiệp tại xứ sở kim chi đang làm dấy lên lo ngại về tình trạng cắt giảm nhân sự hàng loạt, đặc biệt tại các công ty Hàn Quốc đang bên bờ vực phá sản song vẫn tiếp tục tồn tại nhờ các khoản vay lãi suất thấp.
Đề xuất thanh lọc những công ty kiểu này lần đầu tiên được đưa ra từ hồi tháng 10/2015, song các chính trị gia và giới chức Hàn Quốc đã cố trì hoãn kế hoạch cải tổ trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội hôm 13/4 vừa qua.
Không thể tiếp tục trì hoãn
Phát biểu trước báo giới tại Washington ngày 15/4, sau khi các cuộc bầu cử kết thúc với thất bại bất ngờ của đảng cầm quyền Saenuri, Bộ trưởng Tài chính Yoo Il-ho cho rằng không thể trì hoãn thêm việc cải tổ hệ thống doanh nghiệp tại Hàn Quốc.
Lập trường này đã được nhiều chính trị gia hoan nghênh. Ngày 21/4, lãnh đạo lâm thời của đảng đối lập chính Minjoo (đảng đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua với 123/300 ghế tại Quốc hội) Kim Jong-In cho rằng nền tảng tăng trưởng dài hạn chỉ có thể được đảm bảo nếu chính quyền triển khai các biện pháp tái cơ cấu mạnh mẽ.
Ông Kim Jong-In từng làm Cố vấn Kinh tế cho Tổng thống Park Geun-hye khi bà lên nắm quyền vào năm 2012 và là một chuyên gia về nền kinh tế thị trường xã hội của Đức. Ông nổi tiếng với vai trò quan trọng trong việc đề ra khái niệm về cái gọi là dân chủ hóa kinh tế trong Hiến pháp Hàn Quốc.
Trong khi đó, Ahn Cheol-Soo, người đứng đầu đảng Nhân dân (Kookmin), chính đảng tách ra từ đảng Minjoo và giành được 38 ghế trong Quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua, đề nghị tiến hành một cuộc cải cách cơ cấu sau khi cải tổ doanh nghiệp, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với tiến trình cải tổ này.
Tiến trình không dễ dàng
Bộ trưởng Yoo Il-ho cho biết, Chính phủ sẽ can thiệp nếu các công ty vận tải biển không thực thi đầy đủ việc cải tổ theo đúng kế hoạch. Trong số này, ông nhấn mạnh Tập đoàn Hàng hải Hyundai (HMM) là đáng lo ngại nhất. Ngoài ra, trong danh sách cải tổ doanh nghiệp còn có thể có các công ty đóng tàu, công ty sản xuất thép, công ty xây dựng và lọc dầu, vốn đã từng bước cắt giảm nhân sự và bán các tài sản không thuộc nhóm có giá trị chiến lược.
Tập đoàn Công nghiệp Nặng Hyundai, doanh nghiệp đóng tàu số một Hàn Quốc, trong hai năm qua đã cắt giảm nhân sự từ 26.710 người ở thời điểm cuối năm 2013 xuống còn 25.236 người. Một số hãng đóng tàu lớn khác cũng cắt giảm nhân sự đáng kể trong 3 năm trở lại đây. Số lao động tại Tập đoàn Kiến Trúc và Xây dựng Hyundai, nhà thầu xây dựng lớn nhất Hàn Quốc, cũng đã giảm hơn 1.000 người trong 2 năm, từ 7.468 người vào cuối năm 2013 xuống còn 7.131 vào cuối năm 2015. Cũng trong giai đoạn này, số lượng nhân công của hãng sản xuất thép hàng đầu POSCO cũng giảm từ 17.832 xuống còn 17.045 người.
Ngoài các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn trong việc hoàn trả các khoản vay và bù đắp những thua lỗ, các tập đoàn lớn cũng tìm cách sa thải nhân công để chuẩn bị cho các cuộc cải tổ. Trong vòng một năm kể từ cuối 2014, số lượng nhân viên của Tập đoàn Điện tử Samsung đã giảm từ 96.510 xuống còn 95.652 người.
Sau khi sự kiện chính trị quan trọng và cuộc bầu cử Quốc hội kết thúc cuối tuần qua, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp dự kiến cũng sẽ tiến hành cắt giảm nhân sự như Samsung. Nhiều ý kiến cho rằng việc các doanh nghiệp được chính quyền hậu thuẫn khởi động chiến dịch cải tổ và tinh giản đội ngũ lao động có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình cắt giảm nhân sự này.
Giảm thiểu tác động tiêu cực
Ngày 22/4, Bộ trưởng Yoo Il-ho thừa nhận với báo giới rằng việc cải tổ nhân sự chắc chắn sẽ gây ra một vấn đề lớn về việc làm, song ông cam kết chính quyền sẽ nỗ lực để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực.
Nhiều chuyên gia kinh tế và chính trị gia cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch cải tổ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng kinh tế và duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, một số vẫn tỏ ra lo ngại rằng sự vội vã và thiếu cẩn trọng trong quá trình cải tổ có thể gây ra làn sóng sa thải hàng loạt. Việc người tiêu dùng bị mất việc có thể khiến tỷ lệ tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, vốn đang thấp sẽ càng thấp thêm, từ đó khiến đầu tư sụt giảm nghiêm trọng. Tính đến tháng 3/2016, sản lượng xuất khẩu, chiếm một nửa nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu này, vẫn đang trên đà giảm tốc liên tục trong 15 tháng.
Chính phủ Hàn Quốc cũng tìm cách triển khai kế hoạch cải cách thị trường lao động, điều mà nhiều người lo ngại là có thể khiến việc sa thải nhân công trở nên dễ dàng hơn. Thúc đẩy cải cách cũng có thể sẽ được các công ty sử dụng như một lời biện hộ cho việc cắt giảm tiền lương.
Giới quan sát cho rằng Hàn Quốc có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình cải tổ trong năm nay bởi cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào cuối năm 2017. Thông thường, Hàn Quốc thường tránh đụng chạm các vấn đề chính trị nhạy cảm, như kế hoạch cải tổ doanh nghiệp và cải cách thị trường lao động, trong các năm diễn ra bầu cử.
Shim Sang-Jeong, Chủ tịch đảng Công Lý, đảng thiểu số vẫn giữ được 6 ghế trong cuộc bầu cử vừa qua, phát biểu trong một cuộc họp của đảng này rằng cải tổ doanh nghiệp có thể trở nên khắc nghiệt và kéo theo những hệ quả nghiêm trọng nếu chính quyền không có các biện pháp phòng bị, như trường hợp của tập đoàn Ssangyong Motor và tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp nặng Hanjin.