Hãng thông tấn Yonhap cho biết, ngày 13/2, Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong - người đang nắm quyền lãnh đạo thực tế tập đoàn - đã trải qua cuộc thẩm vấn thứ 2 tại văn phòng của Nhóm Công tố viên đặc biệt ở Seoul, phụ trách điều tra vụ bê bối liên quan tới bà Choi Soon-sil.
Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong với giới truyền thông ngày 13/2. (Nguồn: CNBC) |
Tại cuộc thẩm vấn, ông Lee đã trả lời các câu hỏi của nhóm công tố viên về cáo buộc Samsung, dưới sự điều hành của ông, đã hối lộ bà Choi gần 43 tỷ Won (khoảng 36,3 triệu USD), nhằm đổi lấy sự ủng hộ của Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc (NPS) trong vụ sáp nhập hai chi nhánh của Tập đoàn Samsung năm 2015. Trước đó, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung đã vượt qua cuộc thẩm vấn đầu tiên kéo dài 22 giờ vào ngày 12.1, tuy nhiên các nhà điều tra chưa tìm được chứng cớ để yêu cầu tòa án ra lệnh bắt giữ.
Về phần mình, bà Choi đã liên tục bác bỏ các cáo buộc “lobby” nhằm thúc đẩy vụ sáp nhập của Tập đoàn Samsung. Bản thân bà Choi hiện đang đối mặt với các cáo buộc lạm dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống để can thiệp và tác động vào các quyết sách của Chính phủ, trục lợi cá nhân và tham nhũng.
Phát ngôn viên của Nhóm Công tố viên đặc biệt Lee Kyu-chul cho hay, nhóm sẽ tiếp tục tìm kiếm lệnh bắt giữ ông Lee, vì các cáo buộc hối lộ và khai man. Cũng theo ông Lee Kyu-chul, nhóm có đủ chứng cớ để luận tội Tổng thống Park và bà Choi Soon-sil là đồng phạm trong đường dây tham nhũng này. Bà Park Guen-hye bị cáo buộc “đồng lõa” với người bạn thân Choi nhằm ép các tập đoàn khổng lồ ở Hàn Quốc “quyên góp” gần 70 triệu USD vào hai quỹ phi lợi nhuận đáng ngờ.
Kể từ khi bị phanh phui hồi cuối tháng 10 năm ngoái, vụ bê bối “Choigate” đã làm khuynh đảo chính trường Hàn Quốc. Hàng loạt quan chức cấp cao và trợ lý của Tổng thống bị bắt giữ để điều tra. Bản thân bà Park đã bị đình chỉ chức vụ tạm thời để điều tra nhằm phục vụ cho quá trình luận tội Tổng thống. Nếu bị luận tội, bà Park Geun-hye sẽ là Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị bãi nhiệm.
Các nhà phân tích cho hay, những cuộc điều tra vụ bê bối “Choigate” có thể gây xáo trộn nội bộ Samsung, trong bối cảnh ban lãnh đạo tập đoàn này đang chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực. Nếu bị kết tội, ông Lee có thể gặp khó khăn trong quá trình tiếp quản vị trí của cha mình. Thêm nữa, sóng gió cũng phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động của Samsung.
Theo Reuters, tháng 12 năm ngoái, nhà sản xuất điện thoại thông minh, chíp nhớ và ti-vi màn hình phẳng lớn nhất thế giới này đã phải cắt giảm kế hoạch bổ nhiệm các vị trí cấp cao trong tập đoàn hàng năm. Samsung là một trong những tập đoàn kinh tế lớn ở Hàn Quốc, còn được gọi là chaebol, chiếm 13% tổng sản lượng xuất khẩu của đất nước.
Quá trình điều tra vụ Choigate còn khiến các tập đoàn kinh tế lớn và doanh nghiệp ở Hàn Quốc đứng ngồi không yên, bởi không chỉ riêng Samsung, mà Nhóm Công tố viên đặc biệt còn đang điều tra 53 doanh nghiệp khác đóng góp vào các quỹ phi lợi nhuận do bà Choi kiểm soát, nhằm xem xét các khoản đóng góp này có để đổ lấy lợi ích chính trị hay không.
Phó Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo quốc tế ở Tokyo (Nhật Bản) Stephen Nagy cho rằng, việc cơ quan điều tra sờ gáy các tập đoàn và doanh nghiệp Hàn Quốc bị tình nghi dính líu đến vụ bê bối Choigate có thể phanh phui quan hệ mập mờ giữa những chính khách Hàn Quốc đang nắm quyền và các chae-bol. Theo ông Nagy, mặc dù đóng vai trò quan trọng vào sự ổn định và phát triển của kinh tế - xã hội Hàn Quốc, nhưng nếu bị chứng minh có sai phạm, những chaebol hùng mạnh nhất ở Hàn Quốc cũng không thể nằm ngoài vòng pháp luật.