Vị Chủ tịch nhiều kinh nghiệm, cựu CEO của CIMB Group đã tâm sự như vậy, tại một Diễn đàn về Triển vọng phát triển châu Á, dù ông thừa nhận đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình trong lĩnh vực ngân hàng và đạt được những thành công nhất định trên phạm vi khu vực và thế giới. Datuk Seri Nazir Razak là Chủ tịch của CIMB Group và là Chủ tịch Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). CIMB Group được coi là một trong những “ông lớn” trong lĩnh vực Ngân hàng Malaysia và ASEAN.
Thay đổi để sống sót
Trên trang mạng The Edge Markets, khi chia sẻ một số quan điểm về ASEAN và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (the Fourth Industrial Revolution - IR4.0), ông Datuk Seri Nazir Razak nhận định, khó có thể đánh giá tầm quan trọng của IR4.0. Người ta đã gọi nó là cuộc cách mạng thứ tư của nhân loại, khi mà tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực kỹ thuật số, vật lý và sinh học đang thay đổi chúng ta và mọi thứ xung quanh ta với một tốc độ đáng kinh ngạc.
Ông thừa nhận, “tôi đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để xây dựng CIMB thành những gì tôi nghĩ - một định chế tài chính mạnh mẽ ở khu vực, sánh vai với các ngân hàng toàn cầu tốt nhất ở mọi quốc gia ASEAN. Chưa đầy năm năm trước, tôi tự hào về việc có nhiều chi nhánh nhất và hệ thống ngân hàng lõi độc quyền mới nhất trên khắp ASEAN, có thể phục vụ khách hàng từ Chiang Mai (Thái Lan) đến Bali (Indonesia). Nhưng quá bất ngờ, vì hôm nay, mạng lưới đó của CIMB đã nhanh chóng bị co lại về quy mô và nền tảng kết nối các đối tác kinh doanh thay đổi theo một cách hoàn toàn khác.
Chủ tịch CIMB Datuk Seri Nazir Razak. (Nguồn: Reuters) |
Thẳng thắn nhìn về tương lai, “chúng tôi thấy các quy trình cũ, những “người cũ” và cả những “khách hàng cũ” đang ngăn cản sự thay đổi. Chúng tôi biết rằng, để tồn tại cần một cuộc đại tu hoàn chỉnh, từ trong ra ngoài, từ cách thức kinh doanh, tổ chức thực hiện,… và cả việc nhận diện đúng ai là đối thủ thực sự”, Chủ tịch CIMB nói.
Ông Nazir Razak cho rằng, CIMB đã khá thành công trong việc nhận ra những thách thức của IR4.0, để chuẩn bị cho những thay đổi quyết liệt, dù họ vẫn chưa có một kế hoạch toàn diện. Nhưng như thế có lẽ đã tạm đủ điều kiện để họ có khả năng sống sót trong số các ngân hàng truyền thống.
Chuẩn bị cho những cải cách có tính quyết định
Chủ tịch CIMB cho biết, trong lúc đấu tranh để tìm câu trả lời cho CIMB, ông ấy đã suy nghĩ về IR4.0 trong bối cảnh ASEAN.
Với tư cách là Chủ tịch Nhóm Chiến lược Khu vực châu Á của WEF, ông đã cùng các cộng sự nghiên cứu để tìm ra giải đáp cho câu hỏi cuộc cách mạng 4.0 có ý nghĩa gì đối với hội nhập ASEAN. Ba điểm chính đã được chỉ ra là: ASEAN sẽ phải đối mặt và vượt qua sự gián đoạn về tăng trưởng, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau; Một yếu tố quan trọng nữa là các quốc gia ASEAN cần phải đáp ứng được các yêu cầu ở tầm khu vực; và cuối cùng, để xây dựng một phản ứng mang tính khu vực, ASEAN cần phải cải cách và thay đổi cách thức hội nhập của cả cộng đồng.
Hiện Chính phủ các nước ASEAN đã nhận thức và quan tâm đúng mức đối với các thách thức, rủi ro, cũng như những cơ hội, tiềm năng to lớn của IR4.0. Một số quốc gia đã hành động, Malaysia có Khu Thương mại tự do số, Singapore đã lên kế hoạch trở thành Quốc gia thông minh, Thái Lan khởi động chương trình “Thái Lan 4.0” và gần đây nhất, Indonesia khởi xướng kế hoạch “Making Indonesia 4.0”.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các chuyên gia WEF và ADB, phản ứng ở cấp quốc gia là chưa đủ. IR4.0 không công nhận biên giới quốc gia và các tác động lớn nhất của nó sẽ diễn ra trên quy mô khu vực, vì bản chất và các mối quan hệ xuyên biên giới, cũng như sự tương tác sẽ thay đổi.
ASEAN có thể và phải hỗ trợ các doanh nghiệp của mình vượt qua IR4.0. Chúng ta không thể không thán phục những Ping An, Alibaba và Tencent về cách mà họ khai thác quy mô kinh tế Trung Quốc để đầu tư và đổi mới. Và nhìn lại, nếu ASEAN không thể mang lại cho các doanh nghiệp của mình lợi thế về quy mô kinh tế khu vực, tức là chúng ta đã bị thua ngay trên sân nhà.
ASEAN cần một kế hoạch IR4.0 để định hình chiến lược làm thế nào để bảo vệ và nắm bắt cơ hội cũng như giải quyết những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở cấp khu vực. Ngoài lợi thế về quy mô, các yếu tố khác cần được giải quyết là: chia sẻ dữ liệu; thương mại điện tử; quản trị thương mại và sản xuất; nhân lực; doanh nghiệp khu vực và vốn.” ông Nazir Razak nhận định.
IR4.0 thật sự không đơn giản, nhưng điều dễ hiểu là chắc chắn nó đang “đại tu” mọi thứ xung quanh chúng ta, các doanh nghiệp và cả các quốc gia của chúng ta. Mọi cá nhân, doanh nghiệp cần có phản ứng tích cực để điều chỉnh và chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi.
“Từ kinh nghiệm của tôi tại CIMB, một doanh nghiệp lớn sẽ có "sức ỳ" trong tái cấu trúc nội bộ và hạn chế lớn về khả năng cải cách. Ở cấp quốc gia và khu vực, cũng sẽ có những thách thức tương tự, chẳng hạn như thất nghiệp, chủ nghĩa dân tộc và các quyền lợi được đầu tư. Vì vậy, việc lãnh đạo, lập kế hoạch chiến lược và triển khai rất quan trọng.” Chủ tịch CIMB phân tích.
Ông cho rằng, ASEAN đã bước qua tuổi 50, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tuy nhiên, đứng trước những cơ hội và thách thức của thời cuộc, chìa khóa để ASEAN tiếp tục thành công phụ thuộc vào “ASEAN Way” mà cộng đồng sẽ chọn để đi tiếp trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.