📞

Hàn Quốc: Sức mạnh ngoại giao ẩm thực

13:38 | 22/02/2009
Món ăn cũng có thể trở thành “trợ lý” cho các nhà ngoại giao. Các cuộc tranh chấp quốc tế đôi khi được giải quyết dễ dàng hơn trên bàn tiệc tối hơn là thông qua một cuộc đàm phàn chính thức. Món ăn Hàn Quốc đã chứng tỏ là một phương tiện ngoại giao hiệu quả như thế.
Món ăn Hàn Quốc đã chứng tỏ là một phương tiện ngoại giao hiệu quả

Vào tháng 6/2006, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Lee Tae-sik đã mời Bộ trưởng Nông nghiệp Mike Johanns tới dự tiệc tối. Vào thời điểm đó, Chính phủ Hàn Quốc đang có lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ.

 

Đại sứ Lee đã tận dụng cơ hội này để giải thích hoàn cảnh và những điểm khác biệt trong nhìn nhận ở Hàn Quốc. Cuộc trao đổi của hai bên ở bàn ăn trở nên cởi mở hơn. Hình thức ngoại giao nhẹ nhàng này cũng giúp Hàn Quốc tránh được sự trừng phạt thương mại của Mỹ.

 

Nguyên Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Yang Sung-chul đã tặng cho Ngoại trưởng Colin Powell món kimchi tự làm. Moon Tae-young, nguyên Đại sứ Hàn Quốc ở Panama và hiện giờ là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói: “Chính phủ Panama đã đặt mua 40 xe cứu thương và xe y tế di động giá trị 3 triệu USD sau khi Hàn Quốc tiến hành ngoại giao “hồng sâm”. Nguyên Đại sứ kể rằng trước đó, ông được biết Phó Tổng thống Panama cảm lạnh nên đã gửi biếu Phó Tổng thống một ít hồng sâm. Câu chuyện này trở nên nổi tiếng trong giới chính trị gia Panama.

 

Kim Seong-yun, 46 tuổi, làm việc ở Ủy ban Thương mại, năm ngoái đã tổ chức các sự kiện PR ẩm thực Hàn Quốc ở 20 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Brazil và Trung Quốc. Được khích lệ bởi những thành công qua các sự kiện này, Kim Seong-yun dự định tổ chức tiếp các sự kiện ở Mexico, Dubai và Ai Cập.

 

Kim Hong-woo, 54 tuổi, một quan chức ở Bộ Nông nghiệp, Lương thực, Lâm nghiệp và Thủy sản cho biết: “Bộ Nông nghiệp và Bộ Văn hóa sẽ phối hợp với các cơ quan đối ngoại tổ chức một cuộc hội thảo về xuất khẩu ẩm thực Hàn Quốc. Chúng tôi muốn xuất khẩu khoảng 100 tỉ USD năm nay”.

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa ẩm thực Hàn Quốc ra thế giới. Kể từ năm 1970, Chính phủ Nhật Bản đã có chương trình gửi các đầu bếp giỏi ra nước ngoài làm việc. Không phủ nhận rằng chính sách này đã góp phần quan trọng giúp toàn cầu hóa ẩm thực Nhật Bản.

 

Các nhà ngoại giao Hàn Quốc cho rằng cần thiết xuất bản một cuốn sách giới thiệu ẩm thực Hàn Quốc. Vợ của một nhà ngoại giao nói, cô thường xuyên bối rối khi những người ngoại quốc hỏi xin cô một cuốn sách dạy nấu ăn mà cô lại chẳng có cuốn sách nào.

 

Gia Phúc(Theo Joongangdaily)