Chính phủ Hàn Quốc và Ngân hàng Trung ương nước này vừa quyết định thành lập một quỹ hỗ trợ trị giá 11.000 tỷ Won (tương đương 213.000 tỷ VNĐ) để bảo đảm các ngân hàng quốc doanh đủ sức trụ vững khi tham gia quá trình tái cơ cấu. Quỹ này bắt đầu đi vào hoạt động ngay từ đầu tháng 7 và tồn tại cho đến hết năm 2017.
Thay đổi để thích nghi
Sau khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Hàn Quốc đã tiến hành triệt để tái cấu trúc nền kinh tế. Còn nhớ vào thời điểm khủng hoảng, người dân Hàn Quốc tự nguyện xếp hàng dài hiến tặng hoặc cho nhà nước vay vàng, trang sức để cứu nguy nền kinh tế. Bằng nội lực phi thường và sự cam chịu đáp ứng những yêu cầu khắt khe do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra, nền kinh tế nước này đã thoát hiểm và phát triển năng động.
Những bài học kinh nghiệm của việc tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp ở Hàn Quốc cho thấy, trong giai đoạn đầu, Chính phủ là người dẫn dắt, điều hành trực tiếp quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế bằng việc ban hành luật, các quy định. Khi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã phát triển ổn định, Nhà nước giảm dần vai trò và để thị trường tự điều chỉnh.
Đóng tàu ở Tập đoàn Daewoo - doanh nghiệp đóng tàu lớn thứ hai thế giới. (Nguồn: Theloadstar). |
Thứ hai, các tập đoàn kinh tế phải tập trung vào lĩnh vực chính, tránh đầu tư dàn trải. Thứ ba, xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá và xếp hạng các doanh nghiệp, trên cơ sở đó xác định được doanh nghiệp nào cần tái cấu trúc và tái cấu trúc như thế nào. Thứ tư, doanh nghiệp là một bộ phận của nền kinh tế, do đó quá trình tái cấu trúc sẽ có những tác động tới các khu vực khác và ngược lại. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, sự kết hợp các chương trình tái cấu trúc khu vực tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp, khu vực nhà nước và thị trường lao động giúp nền kinh tế Hàn Quốc vượt qua khủng hoảng.
Lịch sử phát triển kinh tế Hàn Quốc cho thấy nước này không dựa nhiều vào viện trợ phát triển không hoàn lại, cũng không chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, mà chủ yếu đi lên bằng nội lực, tất nhiên có sự hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản. Mô hình đặc trưng của Hàn Quốc là hình thành các tập đoàn lớn gọi là Chaebol. Mỗi tập đoàn có hàng vạn nhân công và doanh số lên tới hàng chục tỷ USD. Các tập đoàn này trong thời gian dài đã phát huy hiệu quả lớn, song chính chúng lại hạn chế vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Những năm sau, Hàn Quốc cố gắng khắc phục tình trạng trên, nhưng nay vẫn còn hàng chục tập đoàn khổng lồ, chỉ 10 tập đoàn lớn nhất đã chiếm giữ tới 60% GDP của cả nước. Đây là vấn đề khiến kinh tế Hàn Quốc dễ bị tổn thương, gây bất lợi cho môi trường kinh doanh, làm tăng mức độ rủi ro của các ngân hàng, của các công ty bảo hiểm và của cả nền kinh tế.
Các Chaebol được giao nhiệm vụ đưa Hàn Quốc từ quốc gia bị tàn phá sau chiến tranh trở thành một cường quốc kinh tế như hiện nay. Qua đó, Hàn Quốc trở thành một trong bốn "con rồng" châu Á đầu thập niên 1990. Sau khủng hoảng tài chính ở Hàn Quốc vào cuối những năm 1990, Hàn Quốc đương đầu với nhiều vấn đề như thất nghiệp và phúc lợi xã hội. Sự ra đời hệ thống quyền tự quản địa phương trở thành một khởi đầu mới cho Hàn Quốc. Từ đó, nền kinh tế Hàn Quốc lại phát triển vượt bậc và ngày 1/7 vừa qua nước này đã trở thành thành viên thứ 21 của Câu lạc bộ Paris.
Một cuộc tái cơ cấu mới
Trong ánh hào quang chiến thắng, Hàn Quốc lại đứng trước những thách thức mới. Ngày 28/6, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc (MOSF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2016 từ mức 3,1% xuống còn 2,8% do xuất khẩu khó khăn hơn, các chương trình cắt giảm thuế của chính phủ sẽ chấm dứt, trong khi quá trình tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, đầu tư và sản xuất.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế toàn cầu trì trệ và việc nước Anh rời khỏi EU khiến người tiêu dùng và các công ty hạn chế chi tiêu. Trong quá trình tái cơ cấu, đóng tàu và vận tải biển là những ngành gặp nhiều khó khăn nhất. Người ta còn dự báo trong năm nay sẽ chỉ có 300.000 chỗ làm mới được tạo thêm, trong khi con số này của năm trước là 340.000. Để đối phó với các nguy cơ trên, Chính phủ Hàn Quốc cho rằng cần phải bơm vào nền kinh tế khoảng 20.000 tỷ Won trong nửa cuối năm nay.
Chính quyền Tổng thống Park Geun Hye đang theo đuổi mục tiêu tái cơ cấu những doanh nghiệp làm ăn yếu kém, nợ nần chồng chất và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho đất nước. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc - Yoo Il Ho cho biết, quỹ hỗ trợ tái cơ cấu sẽ mua lại trái phiếu của các ngân hàng quốc doanh, như Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) hay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim) để tăng thanh khoản cho những ngân hàng này. Song song với đó, Bộ Tài chính Hàn Quốc sẽ bơm 1.000 tỷ Won vào Kexim trong tháng Chín tới, để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng này không bị sụt quá nhanh khi hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu.
Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp vận tải biển và đóng tàu sẽ được tiến hành khẩn trương, trên nguyên tắc tuân thủ đúng kế hoạch tái cơ cấu mà doanh nghiệp tự đề xuất cho dù có bị thua lỗ. Các công ty đóng tàu của Hàn Quốc, bao gồm Hyundai Heavy Industries và Daewoo Shipbuilding, đã bị lỗ lớn sau khi giá dầu giảm tác động tiêu cực tới nhu cầu mua tàu chở dầu và tàu phục vụ hoạt động khoan dầu ở ngoài khơi.
Báo cáo nghiên cứu của Citigroup nhận định, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp vận tải biển và đóng tàu của Hàn Quốc có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế 0,2% xuống còn 1,3%. Mặc dù phương án Ngân hàng Trung ương trực tiếp bơm vốn được coi là lựa chọn khả thi của Chính phủ, nhưng Thống đốc Lee Ju Yeol từng nói rằng, ông ưu tiên những giải pháp ít ảnh hưởng nhất tới ngân quỹ. Theo kế hoạch đề xuất, những công ty này đều lựa chọn phương án thanh lý tài sản và cắt giảm nhân công. Doanh nghiệp đóng tàu lớn thứ hai thế giới - Daewoo đã lỗ ròng 5.500 tỷ Won năm 2015. Còn Hanjin Shipping - hãng chuyên chở container hàng đầu của Hàn Quốc - ngày 25/4 trình kế hoạch tái cơ cấu nợ để tránh nguy cơ phá sản sau khi thông báo tình trạng lỗ ngày càng tăng, do nhu cầu của thị trường Trung Quốc sụt giảm.
Sẽ còn rất nhiều vấn đề trong “cuộc tái cơ cấu”, nhưng người ta tin rằng người Hàn Quốc sẽ tiếp tục thành công. Bởi ở nước này, kỷ luật đã trở thành nguyên tắc. Để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp hiệu quả, Hàn Quốc đã tiến hành cải cách cơ cấu cùng lúc trong bốn lĩnh vực: tài chính, doanh nghiệp, lao động, khu vực công. Tất cả đều nhằm phát huy tính kỷ luật và hiệu quả của nguyên tắc thị trường và lực lượng thị trường, được triển khai đồng bộ và nhất quán.