Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan phát biểu tại Hội thảo Hàn Quốc học lần thứ 9 với chủ đề “Tương lai của Hàn Quốc học ở Đông Nam Á: Toàn cầu hóa và địa phương hoá”, ngày 17/12/2020 tại Hà Nội. (Nguồn: USSH) |
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan nhận định đại dịch Covid-19 đã mang lại nhiều thử thách lớn cho quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc.
Biến nguy thành cơ
Hai nước phải đối mặt nhiều trở ngại trên tất cả các lĩnh vực từ ngoại giao đến giao lưu nhân dân và hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, Hàn Quốc và Việt Nam đã “biến nguy thành cơ”, trở nên gần gũi hơn thông qua hợp tác ứng phó đại dịch.
Thời gian qua, hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19 giữa hai nước đã diễn ra trên nhiều phương diện như phòng chống dịch, giảm thiểu ảnh hưởng lên nền kinh tế.
Về công tác phòng chống dịch, Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực hỗ trợ dự án tăng cường năng lực chẩn đoán Covid-19 của ASEAN thông qua quỹ hợp tác Hàn Quốc - ASEAN, cung cấp bộ kit chẩn đoán, camera nhiệt và tiền mặt cho Chính phủ Việt Nam. Doanh nghiệp, hội người Hàn cũng có các hoạt động hỗ trợ tương tự.
Phía Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã hỗ trợ Chính phủ Hàn Quốc khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn. Cả hai nước hiện được đánh giá là điển hình trong phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đang tích cực hỗ trợ nhập cảnh đặc biệt cho nhân lực chủ chốt của các doanh nghiệp Hàn Quốc, giúp họ kinh doanh ổn định.
Đại sứ Park Noh-wan nhiệt thành ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế và tin tưởng hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa để ứng phó với Covid-19 thời gian tới.
Hợp sức tìm cách
Theo Đại sứ Park Noh-wan, năm 2020, trong khi ngành sản xuất điện tử, đầu tư, thương mại trên toàn thế giới bị thu hẹp nhiều do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng khoảng 3%, cao nhất trong ASEAN. Đáng chú ý, công ty điện tử Samsung đã tăng sản lượng điện thoại di động ở Việt Nam ngay khi sản xuất tại Ấn Độ gặp khó khăn, mang lại hiệu quả lan truyền tích cực khi sản lượng của công ty vệ tinh cũng tăng lên.
Mặt khác, do hạn chế đi lại giữa các quốc gia nên công tác của các chuyên gia gặp khó khăn, cản trở nhu cầu thực hiện đầu tư. Đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2020 giảm 50% so với năm 2019. Đặc biệt, đầu tư trong lĩnh vực thế mạnh của Hàn Quốc là sản xuất chế tạo đã giảm 55%. Hiện có một số doanh nghiệp Hàn mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, tuy nhiên họ sẽ không thể quyết định nếu lãnh đạo cấp cao tập đoàn không thể sang Việt Nam công tác.
Do đó, Chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất quy trình nhập cảnh đặc biệt để các chuyên gia có thể đi lại mà không cần cách ly. Trong bối cảnh đó, các bên cần thực hiện quy trình nhập cảnh đặc biệt, tạo điều kiện cho chuyên gia của doanh nghiệp Hàn sang thăm Việt Nam.
Đại sứ Park Noh-wan hy vọng với hỗ trợ và phối hợp tích cực của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, cũng như chính quyền tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, quy trình sẽ sớm được triển khai.
Ngoài ra, theo Đại sứ Park Noh-wan, đại dịch bùng phát là cơ hội để Hàn Quốc giảm phụ thuộc vào quy trình sản xuất tại Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi giá trị toàn cầu.
Hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ xúc tiến quá trình tự lập hóa của ngành công nghiệp Việt Nam và hợp tác kinh tế cùng có lợi thông qua giảm tỷ lệ nhập khẩu vật liệu, phụ tùng, thiết bị; tăng cường chuỗi cung ứng tại Việt Nam và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giúp doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mới.
Sáu tháng cuối năm, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam có xu hướng tăng. Hai doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có Điện tử Hansol, đã quyết định đầu tư mới 130 triệu USD vào lĩnh vực điện tử tại Đồng Nai vào tháng 1/2021. Các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn quan tâm và đánh giá Việt Nam có điều kiện cạnh tranh thu hút đầu tư cao so với các nước Đông Á.
Thành công của Việt Nam chính là thành công của Hàn Quốc và Hàn Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển, thịnh vượng chung của hai nước. |
Bên cạnh đó, với vị trí gần với các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp lớn như Samsung, LG và sân bay, cảng biển, khu công nghiệp tại Hưng Yên, dự kiến khởi công vào sáu tháng đầu năm 2021, sẽ phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong điện tử và công nghiệp vật liệu.
Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại lớn nhất do đại dịch Covid-19. Năm 2019 có gần 4,3 triệu lượt người Hàn Quốc đến Việt Nam. Song trong năm 2020, do dịch bệnh và quy chế hạn chế nhập cảnh với người nước ngoài, con số này đã giảm mạnh, chỉ còn 840.000. Trong đó, 820.000 người đã nhập cảnh trước khi có quy chế hạn chế người nước ngoài nhập cảnh. Nếu không có biện pháp giảm thời gian hay miễn cách ly, lĩnh vực du lịch của cả Hàn Quốc và Việt Nam sẽ khó phục hồi trong thời gian sớm.
May mắn thay, các công ty sản xuất dược phẩm Việt Nam như Nanogen đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19. Nếu việc tiêm vaccine Covid-19 được triển khai tại Việt Nam và Hàn Quốc nửa đầu 2021, hai bên sẽ có thể thảo luận về phương án thúc đẩy giao lưu nhân dân thông qua việc cho phép du lịch “Travel Bubble”, hay áp dụng “Hộ chiếu vaccine”.
Đại sứ Park Noh-wan nhận định, năm nay Việt Nam sẽ nổi lên là điểm đầu tư tiếp theo sau Trung Quốc thời kỳ hậu Covid-19, với dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 6,3-6,7% theo ADB, IMF, World Bank, thậm chí là 7,8-8,6% theo Standard Chartered, Fitch Solution. Thành công của Việt Nam chính là thành công của Hàn Quốc và Hàn Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển, thịnh vượng chung của hai nước.
Đại sứ Park Noh-wan cũng chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan. Thời gian qua, Hàn Quốc đã hết sức hỗ trợ Việt Nam tại các thể chế đa phương, trong đó có ASEAN.
Đặc biệt, năm 2021, Hàn Quốc mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam triển khai Chính sách hướng Nam mới mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 21 ngày 12/11/2020.
Các lĩnh vực hợp tác trọng tâm sẽ là phát triển về y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng tại nông thôn·thành phố và ngành công nghiệp 4.0.
Hơn nữa, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò điều phối hợp tác ASEAN - Hàn Quốc trong ba năm kể từ năm 2021. Do đó, Hàn Quốc mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam thời gian tới.
Đại sứ Park Noh-wan cùng lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam tại lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ngày 30/6/2020. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Ba thập kỷ, một hành trình
Theo Đại sứ Park Noh-wan, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc tới hoạt động giao lưu nhân dân hai nước, gây khó khăn kéo dài cho hợp tác song phương.
Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh đó, Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam vẫn không ngừng hợp tác nhằm khôi phục hoạt động giao lưu nhân dân. Kết quả là hoạt động ngoại giao trực tiếp dần được nối lại.
Tháng 10/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha trở thành quan chức cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Tháng 11/2020, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug cũng đã thăm Việt Nam.
Có thể nói dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thử thách lớn cho quan hệ Hàn - Việt, song nếu hai nước có thể chung tay vượt qua khó khăn, quan hệ song phương sẽ càng được thắt chặt và phát triển lên tầm cao mới.
Trong năm nay, Việt Nam sẽ có bộ máy chính phủ mới sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại sứ Park Noh-wan khẳng định, Hàn Quốc sẽ nỗ lực cùng bộ máy chính phủ mới của Việt Nam xây dựng một mối quan hệ tương lai bền vững, lành mạnh hơn như nâng cấp quan hệ song phương lên tầm cao hơn.
Năm 2022 sẽ là một năm đầy ý nghĩa khi hai nước chính thức kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hàn Quốc dự định triển khai nhiều chương trình và hoạt động nhân dịp kỷ niệm này, củng cố nền móng vững chắc cho quan hệ song phương.
Đại sứ Park Noh-wan cam kết sẽ nỗ lực hết mình để xây dựng quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam vững mạnh, trên nền tảng tin cậy lẫn nhau.