Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một nửa số thuốc giả trên thế giới được tổ chức này ghi nhận trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2017 được lưu hành tại khu vực châu Phi. WHO nhấn mạnh, số lượng xâm nhập của thuốc giả vào nhóm các nước nghèo lớn hơn gấp tới 30 lần so với các quốc gia thịnh vượng.
Được thực hiện cùng sự phối hợp của Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) và Học viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi (ISS), báo cáo đưa ra dẫn chứng rằng, riêng loại thuốc chống sốt rét giả và kém chất lượng mỗi năm đã lấy đi sinh mạng của 64.000 - 158.000 người tại châu Phi.
Tại Nigeria, gần 100 trẻ em đã mất mạng vì suy thận trong một năm do sử dụng loại nước súc miệng được làm từ hoạt chất làm mát động cơ ô tô. Bên cạnh đó, nạn thuốc giả tràn lan còn gây ảnh hưởng tiêu cực cũng như cản trở sự phát triển của ngành sản xuất dược phẩm tại nhiều nước châu Phi.
Theo tính toán của chính phủ Côte d'Ivoire, mỗi năm ngành dược phẩm nước này bị thiệt hại tới 170 triệu USD vì thuốc giả.
Các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bản công khai tại Bờ Biển Ngà. (Nguồn: Reuters) |
Hiện tại, Chính phủ Côte d'Ivoire đang tăng cường ngăn chặn lượng thuốc trị giá tới 30 tỷ USD quá cảnh qua nước này mỗi năm để tiến vào châu Phi. Trước đó, tháng 10 vừa qua, các lực lượng chức năng của quốc gia Trung Phi này đã thu giữ tới 400 tấn thuốc giả đang tìm đường vào châu lục này.
Theo WHO, mỗi năm tội phạm sản xuất và buôn bán thuốc giả toàn cầu thu một khoản lợi trị giá khoảng 200 tỷ USD và trở thành một trong những ngành công nghiệp bất hợp pháp lớn nhất thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia, một khoản đầu tư 1.000 USD có thể giúp những kẻ bán thuốc giả thu về 500.000 USD. Tổng hợp các nghiên cứu trong giai đoạn 2007-2016 của WHO trên 48.000 mẫu thí nghiệm cho thấy 10,5% số thuốc ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là thuốc giả hoặc không đạt chuẩn. Như vậy, với doanh thu ngành dược phẩm ở các quốc gia này đạt khoảng gần 300 tỷ USD/năm, kinh doanh thuốc giả đem lại lợi nhuận khoảng 30 tỷ USD cho bọn tội phạm tại đây.
Theo WHO, thuốc giả được phân thành hai loại chính: Thuốc không đạt chuẩn do lỗi sản xuất, bảo quản hoặc đã quá hạn sử dụng; thuốc được làm giả, có thể chứa các thành phần hoàn toàn khác so với thuốc thật hoặc thậm chí không có bất kỳ hoạt chất nào giúp chữa bệnh.
Bằng mắt thường, ngay cả những người có kiến thức về y dược đôi khi cũng khó phân biệt thuốc thật và thuốc giả bởi công nghệ làm nhái bao bì sản phẩm ngày càng tinh vi hơn. Ngoài nguy cơ gây tử vong, tạo phản ứng phụ, khiến bệnh kéo dài không dứt hoặc làm lây lan bệnh tật, thuốc kém chất lượng cũng làm tăng nguy cơ kháng thuốc, làm suy giảm khả năng chữa bệnh của các loại thuốc trong tương lai.