Năm 1987, Hang Mạc Cao chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. (Nguồn: nguoiquansat.vn) |
Hang Mạc Cao còn được gọi là hang động Ngàn Phật hay Thiên Phật, tọa lạc tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, nằm cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng khoảng 25km về phía Đông Nam. Năm 1987, Hang Mạc Cao chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Vượt qua biến cố lịch sử, Hang đá Mạc Cao hiện lưu giữ gần 500 hang động, hơn 2000 tượng Phật với kích thước đa dạng, tượng lớn nhất cao 33m và nhỏ nhất 10cm, cùng gần 50.000 m2 bích họa. Hang đá Mạc Cao là nơi tập trung tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc đá Phật giáo và chứa đựng những di vật phản ánh rõ nền văn minh Trung Hoa xưa qua các triều đại Đường và Tống.
Hang đá Mạc Cao có chiều dài 1600m và lưu giữ gần 500 hang động. (Nguồn: nguoiquansat.vn) |
Hầu hết các bức bích họa trong hang đều về chủ đề Phật giáo, từ hình ảnh các chư Phật, Bồ Tát, Ngọc Hoàng đến các cốt truyện kinh Phật, kết hợp truyền thuyết và nhân vật lịch sử từ Ấn Độ, Trung Á và Trung Quốc. Bởi thế, các học giả phương Tây xem các bích họa, tượng điêu khắc ở Hang Mạc Cao như là “Viện bảo tàng trên vách đá”.
Kiến trúc bên trong của Hang đá Mạc Cao được thiết kế với kết cấu gỗ, cột đá hoa sen và gạch lát, cùng hàng nghìn tấm vải khổng lồ. Nếu nối liền tất cả các bích họa lại với nhau, chúng sẽ tạo thành một hành lang tranh trải dài 25km. Ngoài ra, bên trong hang động còn lưu giữ khoảng 5 vạn bản Kinh Phật và tư liệu lịch sử ghi chép bằng tay.
Hang Mạc Cao được ví như là “Viện bảo tàng trên vách đá”. (Nguồn: nguoiquansat.vn) |
Năm 1900, một kho báu văn vật được phát hiện và sau này được gọi là kho Kinh Động. Đây là một hang nhỏ có chiều rộng và dài khoảng 3m, chứa hơn 500 nghìn văn vật bao gồm kinh sách, văn thư, đồ thêu, tranh, gấm thêu hình Phật... Niên đại của các văn vật kéo dài từ thế kỷ 4-11, thuộc nhiều phạm trù nội dung như lịch sử, chính trị, dân tộc, quân sự, ngôn ngữ, văn học nghệ thuật, tôn giáo, y học, khoa học kỹ thuật... của Trung Quốc, Trung Á, Nam Á và châu Âu, được gọi là "Bách khoa toàn thư thời cổ Trung Quốc".