TIN LIÊN QUAN | |
ASEAN-Mỹ thống nhất phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm ngăn chặn dịch Covid-19 | |
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng tiếp Đại sứ Czech trao đổi công tác phòng, chống Covid-19 |
Mục tiêu xuyên suốt của các cơ quan đại diện vẫn là bảo hộ tốt nhất cộng đồng người Việt ở sở tại, đồng hành cùng họ chiến thắng nỗi sợ hãi và vượt qua đại dịch Covid-19. (Ảnh: QT) |
Công tác bảo hộ công dân là bức tranh muôn hình vạn trạng, bảo hộ công dân trong giai đoạn dịch Covid-19 cũng như vậy, mỗi địa bàn là một câu chuyện riêng. Tuy nhiên, mục tiêu xuyên suốt của các cơ quan đại diện vẫn là bảo hộ tốt nhất cộng đồng người Việt ở sở tại, đồng hành với họ vượt qua nỗi sợ hãi và chiến thắng đại dịch.
Chủ động và “vào trận” sớm
Chủ động là điều có thể dễ dàng nhận thấy ở hầu hết các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là ở những địa bàn được xem là “điểm nóng” của dịch Covid-19 như Mỹ, Italy, Nhật Bản...
Tại Mỹ, nơi số người mắc Covid-19 đang tăng lên theo cấp số nhân mỗi ngày, theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, Đại sứ quán đã chủ động triển khai một số biện pháp cụ thể để hỗ trợ công dân Việt Nam như việc thiết lập 3 máy điện thoại hotline và 4 địa chỉ email về bảo hộ công dân, trực 24/24 tiếng và cả 7 ngày trong tuần, phục vụ cung cấp thông tin và trợ giúp về giấy tờ, thủ tục cho công dân Việt Nam tại địa bàn; phối hợp với các Tổng Lãnh sự quán ta tại Houston và San Francisco hỗ trợ nhóm gần 40 học sinh, sinh viên Việt Nam bị kẹt tại sân bay Dallas (Texas) do các hãng hàng không huỷ chuyến; đăng tải trên trang web của Đại sứ quán “Bộ Tài liệu Hỏi đáp nhanh dành riêng cho công dân Việt Nam tại Hoa Kỳ về Covid-19”…
Đại sứ quán cũng tìm kiếm và huy động thêm nguồn lực trong cộng đồng người Việt tại Mỹ để hỗ trợ bộ phận du học sinh đang ở lại Mỹ về nhà ở, tài chính, cập nhật thông tin, giúp các em ổn định tâm lý, yên tâm không tiếp tục dồn về nước.
“Vào trận” sớm hơn chính là yếu tố cốt lõi giúp Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ và các cán bộ Đại sứ quán có thể tự tin làm tốt nhiệm vụ của mình hơn trong những ngày cả Italy gồng mình chống dịch. Hơn bao giờ hết, Đại sứ muốn gửi gắm tới cộng đồng hàng nghìn người Việt lời nhắn nhủ rằng họ không hề cô đơn trong cuộc chiến chống Covid-19.
Bên cạnh việc lập Nhóm công tác bảo hộ công dân, xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó, lập đường dây nóng, chuyển tải các quy định, khuyến cáo của chính quyền sở tại, của Việt Nam tới công dân ta và tới sở tại... Đại sứ quán đã cùng Hội sinh viên lập được Bản đồ sinh viên, biết rõ có bao nhiêu em ở từng thành phố, từng vùng, từng cụm ký túc xá; lập và duy trì tương tác với 14 cụm sinh viên để chuyển các thông tin, hỗ trợ cảnh báo, nhất là trong khi các đường bay quốc tế liên tục bị đóng.
Các sinh viên Việt Nam tại Đức cổ vũ nhau cùng vượt đại dịch Covid-19. (Nguồn: Hội sinh viên người Việt Nam tại Đức) |
Tại Đức, theo Đại sứ Nguyễn Minh Vũ, ngay từ trước khi Chính phủ Đức thắt chặt các biện pháp phòng dịch, Đại sứ quán, các hội đoàn người Việt trong cộng đồng và bà con đã chủ động hạn chế, hoãn, hủy các sự kiện, các cuộc tụ họp đông người. Mặc dù nhiều sự kiện đã được chuẩn bị rất chu đáo, công phu như Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, các đại hội của các hội đoàn..., đặc biệt trong bối cảnh năm 2020 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức, nhưng Đại sứ quán và bà con đã nghiêm túc thực hiện việc hạn chế đi lại, tụ tập.
Đại sứ quán thường xuyên cập nhật thông tin về các quy định, khuyến cáo của Chính phủ Đức và Việt Nam, đặc biệt là các quy định về xuất nhập cảnh trên website của Đại sứ quán và qua tổng đài lãnh sự, bảo hộ công dân, kịp thời giải đáp các thắc mắc của bà con.
Đại sứ quán tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đến làm thủ tục lãnh sự tại Đại sứ quán, cũng như qua đường bưu điện; hạn chế việc bà con phải chờ đợi, tập trung đông người ở khu vực tiếp khách của Đại sứ quán.
Không để ai “mắc kẹt phía sau”
Có thể nói chưa bao giờ như bây giờ cán bộ Đại sứ quán ở nhiều nước phải căng mình lên như “dây đàn” như hiện nay. Với các nhà ngoại giao tại nước ngoài trong thời điểm này, họ làm việc với tất cả tâm trí và sự tận tâm để không ai bị “mắc kẹt phía sau”.
Theo chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, công việc của các cán bộ sứ quán trong thời gian qua vô cùng bề bộn và căng thẳng, thời gian làm việc lên tới 18 tiếng mỗi ngày. Cán bộ trực bảo hộ công dân thì canh chuông điện thoại 24 giờ các ngày trong tuần. Tại sở tại, hàng ngày có hàng trăm công dân có nhu cầu làm các thủ tục, giấy tờ hộ tịch. Sự vất vả, những nỗ lực của Đại sứ quán có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi công dân Việt Nam khi xa Tổ quốc. Mỗi cuộc nói chuyện, mỗi email trả lời cho công dân có ý nghĩa quý giá, giúp cho những người Việt Nam xa nhà yên tâm hơn, họ sẽ cảm thấy ấm lòng, không bị cô đơn. Đất nước luôn bên cạnh các bạn!
Trong giai đoạn dịch Covid-19, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thực hiện 3 phương châm: “Tận tâm, tận lực, và tận tình!”. Tận tình lắng nghe và chia sẻ, đồng cảm với đồng bào gặp khó khăn; Khi nắm bắt được yêu cầu rồi thì tận lực, dùng mọi khả năng có thể để hỗ trợ tối đa cho bà con; Khi đã tận tình, tận lực thì cán bộ đã tận tâm, dùng cả trái tim và khối óc để thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân với đúng với chữ tâm của ông cha ta đã dạy: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.
ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sỹ thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch Covid-19, số điện thoại bảo hộ công dân, khuyến cáo công dân về tình hình dịch bệnh trên website của ĐSQ. |
Thời gian qua, không ít công dân Việt Nam bị "kẹt" ở sân bay trong nỗ lực trở về Việt Nam trong mùa dịch Covid-19. Những chiến dịch “giải cứu” của cán bộ ngoại giao để có được những hành trình trở về trọn vẹn cho bà con có lẽ cũng là những nỗ lực cần phải kể đến. Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan chia sẻ, để “giải cứu” du học sinh “mắc kẹt” tại các sân bay trung chuyển, cán bộ của Đại sứ quán đã không quản ngày đêm, sẵn sàng giải đáp, hỗ trợ và tìm mọi biện pháp cần thiết, liên hệ với Đại sứ quán các nước nơi các du học sinh quá cảnh (Pháp, Thái Lan…) để thu xếp cho chuyến hồi hương của các em được suôn sẻ nhất.
Mỗi chuyến bay cất cánh trở về Việt Nam an toàn, cán bộ Đại sứ quán lại thêm một lần “thở phào nhẹ nhõm”. “Đại sứ quán cũng nhận được những tin nhắn rất xúc động, tình cảm chân thành cảm ơn sự giúp đỡ trách nhiệm của Đại sứ quán trong những chuyến hồi hương này”, Đại sứ Lê Linh Lan bày tỏ.
Đại sứ Lê Linh Lan cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, người Việt Nam ở nước ngoài cần nghiêm túc tuân thủ khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tạm thời hạn chế di chuyển và không về Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh đã lan ra gần như tất cả các quốc gia trên toàn thế giới để tránh tình trạng nhiều công dân Việt Nam bị “kẹt” tại các sân bay quốc tế nước ngoài.
Cùng thấu hiểu và hợp tác
Sợ hợp tác chặt chẽ giữa trong nước và cơ quan đại diện cũng như giữa cơ quan đại diện và sở tại cũng có ý nghĩa rất lớn để công tác bảo hộ công dân được hoàn thành tốt nhất.
Đại sứ Vũ Đăng Dũng chỉ đạo cuộc họp với Nhóm chuyên trách phòng chống dịch và hỗ trợ công dân tại ĐSQ. (Nguồn: ĐSQ) |
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng chia sẻ rằng trong giai đoạn dịch Covid-19, Đại sứ rất mong nhận được sự hỗ trợ và phối hợp nhanh và kịp thời từ các Bộ/ Ban ngành và địa phương trong nước, nhất là từ các cơ quan, tổ chức đầu mối chịu trách nhiệm đưa số lao động sang Ba Lan làm việc theo thời hạn và các học sinh, sinh viên đang học tập tại Ba Lan.
Đại sứ quán cũng mong nhận được sự thông cảm và hiểu biết tình hình thực tế của những gia đình ở trong nước để không thúc ép người thân ở Ba Lan tìm cách trở về Việt Nam bằng mọi giá. Trong trường hợp dịch bệnh tại Ba Lan tiếp tục diễn biến phức tạp hơn nữa và vì lý do bất khả kháng số đông bà con có nhu cầu được thu xếp phương tiện máy bay để về nước, Đại sứ quán mong được các cơ quan chức năng trong nước xem xét có đáp ứng phù hợp với kiến nghị của Cơ quan đại diện.
Tại Mỹ, theo chia sẻ của Đại sứ Hà Kim Ngọc, Việt Nam và Mỹ đã và đang triển khai hiệu quả hợp tác phòng chống Covid-19 cả ở bình diện song phương và đa phương. Các chuyên gia y tế hai nước thường xuyên trao đổi chia sẻ tình hình và các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 tại từng nước, hai bên cũng sẵn sàng chia sẻ các kết quả nghiên cứu liên quan, hỗ trợ lẫn nhau tăng cường năng lực y tế để phòng chống và ngăn ngừa dịch Covid-19 lan rộng. Đại sứ quán cũng thường xuyên cập nhật thông tin, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam với Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) và Bộ Y tế Mỹ.
Không biết bao lâu nữa thế giới sẽ vượt qua đỉnh của cơn đại dịch. Nhưng, có một điều chắc chắn, với những công dân Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện sẽ luôn đồng hành cùng với họ, cố gắng hết sức, dành mọi ưu tiên để họ yên tâm sinh sống, làm việc và học tập ở sở tại. Tổ quốc luôn bên họ!
Dịch Covid-19: Thượng viện Nga họp bất thường, trao quyền áp đặt tình trạng khẩn cấp cho Chính phủ TGVN. Trong phiên họp bất thường ngày 31/3, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã phê chuẩn dự luật cho phép Chính phủ Nga ... |
Người phát ngôn của Chính phủ: Cách ly xã hội không phải phong tỏa đất nước TGVN. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh, các giải pháp về cách ly ... |
Các nước ASEAN họp trực tuyến bàn về phương pháp phòng, chống Covid-19 TGVN. Ngày 31/3 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến đầu tiên của Nhóm công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN ... |