Nhưng khi được đưa vào thực tế, những người máy này không đơn thuần là những sản phẩm gây hiếu kỳ mà còn là mối đe dọa, lấy đi việc làm của hàng triệu công nhân.
Mới đây, hãng thời trang Levi Strauss (Mỹ) lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ đưa những người máy được trang bị kỹ thuật laser vào thay thế toàn bộ đội ngũ công nhân chuyên mài quần bò. Quyết định này sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn nhất đối với hoạt động chuỗi cung ứng của hãng trong hơn một thập kỷ qua nhưng cũng là điềm báo về một tương lai mờ mịt với hàng triệu công nhân ngành dệt may.
Quần jean Levi. (Nguồn: Devaki Knowles) |
Ban giám đốc Levi Strauss khẳng định, đây chính là tương lai của ngành sản xuất quần jean. Với công nghệ laser, mỗi chiếc quần được mài xong thành phẩm chỉ mất trong 90 giây, trong khi mỗi nhân công sẽ mất từ 6-8 phút để hoàn thành thao tác này. Mỗi năm, Levi Strauss sản xuất 150 triệu chiếc quần bò.
Trong những năm gần đây, công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty chuyên sản xuất thời trang như H&M, cũng như sự thay đổi nhanh chóng trong xu hướng của người tiêu dùng.
Do vậy, việc dùng người máy thay thế người lao động sẽ giúp cắt giảm chi phí, rút ngắn thời gian thiết kế và sản xuất để tăng khả năng thích ứng với xu hướng thay đổi mốt nhanh chóng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của hãng.
Công ty không tiết lộ chi tiết cụ thể khoản đầu tư cho bước đột phá này.
Kế hoạch của Levi Strauss cho thấy, tự động hóa đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất thế kỷ 21.
Mặt khác, đây cũng là dấu hiệu không mấy tốt lành với hàng triệu công nhân lao động trong ngành dệt may tại các nước đang phát triển như Bangladesh và Mexico.
Việc đưa máy móc tự động hóa vào dây truyền sản xuất cũng đồng nghĩa với việc lấy đi cơ hội việc làm của các công nhân.
Theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện nay tính riêng tại các nước đang phát triển ở châu Á có hơn 40 triệu lao động tham gia vào các hoạt động liên quan đến ngành sản xuất may mặc.