TIN LIÊN QUAN | |
Thủ đô Mexico chìm trong ô nhiễm 3 ngày liên tiếp | |
Bắc Kinh báo động Đỏ về ô nhiễm môi trường |
Báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) cho thấy ô nhiễm không khí đô thị đang gia tăng.
Đặc biệt, hơn 80% cư dân thành phố hít thở không khí chất lượng kém. Bản báo cáo của WHO chỉ ra rằng tình hình còn tồi tệ hơn ở các nước đang phát triển như Ấn Độ và Iran.
Công dân của các nước có thu nhập thấp và trung bình có nguy cơ đặc biệt cao, khi 98% các thành phố của những quốc gia này có chất lượng không khí nằm dưới chuẩn của Liên hợp quốc.
Trợ lý Tổng giám đốc WHO, người phụ trách các vấn đề liên quan đến gia đình, phụ nữ và sức khỏe trẻ em, Tiến sĩ Flavia Bustreo, nói: "Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây bệnh tật và tử vong". Ông này cũng nhận xét, khi ô nhiễm không khí bao trùm các thành phố thì những người dễ bị tổn thương nhất chính là người già, trẻ em và người nghèo.
Ô nhiễm không khí ở New Delhi. Ảnh: DW |
Theo WHO, chất lượng không khí kém làm tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và các bệnh hô hấp cấp tính, mãn tính, bao gồm cả bệnh hen suyễn.
Báo cáo mới của WHO sử dụng dữ liệu của 795 thành phố trên thế giới của 67 quốc gia, được thu thập từ năm 2008 đến năm 2013. Các dữ liệu cho thấy mức độ ô nhiễm tăng 8% trên toàn cầu, mặc dù nhiều nước giàu đang tăng cường kiểm soát chất lượng không khí đô thị.
Theo số liệu của WHO, không khí bẩn nhất được ghi nhận ở các thành phố Zabol của Iran, nơi thường hứng chịu những cơn bão bụi trong mùa hè. Bốn thành phố có mức độ ô nhiễm không khí trầm trọng tiếp theo đều nằm ở Ấn Độ là các thành phố Gwalior, Allahabad, Patna và Raipur. Thủ đô của Ấn Độ, New Delhi, xếp hạng thứ chín nhưng lại là thành phố ô nhiễm nhất trong số các siêu đô thị có dân số trên 14 triệu người.
Tuy nhiên, Ấn Độ được WHO ca ngợi vì đã đưa ra được kế hoạch quốc gia để đối phó với các vấn đề ô nhiễm, không giống như nhiều nước khác.