📞

Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan: Thách thức và triển vọng

09:46 | 09/03/2017
Theo Ngoại trưởng Anh Boris Johnson,"Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan" (CPEC) là “sáng kiến kỳ diệu”, làm sống lại con đường tơ lụa cổ xưa, tạo kết nối thương mại Đông-Tây.   

Sáng kiến "Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan" (CPEC) được giới chuyên gia đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cuối cùng, Trung Quốc và Pakistan phải nỗ lực giải quyết nhiều thách thức đang nổi lên.

Sáng kiến của Trung Quốc

Ý tưởng này lần đầu tiên được Trung Quốc đề xuất vào tháng 3/2013 và được chính thức hóa qua chuyến thăm Pakistan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4/2015. Hai bên ký kết 51 thỏa thuận hợp tác về phát triển hạ tầng, xây dựng đường bộ, đường sắt, cầu đường bộ, nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện… với tổng trị giá lên tới 46 tỉ USD.

Bản đồ CPEC. (Nguồn: Daily Times)

CPEC được xem là thành tố bước ngoặt đối với Pakistan, và việc triển khai siêu dự án này sẽ đưa Karachi trở thành điểm trung chuyển hàng hóa lớn nhất ở châu Á cùng với Singapore và Thượng Hải. Pakistan có thể sẽ là cửa ngõ quan trọng để Trung Quốc tiếp cận các khu vực khác. Bắc Kinh tin rằng ổn định kinh tế và an ninh tại nước láng giềng là hành lang an toàn để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra thế giới.

CPEC là bộ phận cấu thành của đề án “Một vành đai, một con đường” (OBOR) kết nối Trung Quốc với khu vực Baltic ở châu Âu, Đông Nam Á và châu Phi. OBOR hiện được xem là sáng kiến then chốt trong chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh, với điểm nhấn là phát triển các tuyến hạ tầng đường bộ, đường sắt. Đương nhiên, CPEC không thể tránh khỏi một số thách thức.

Thách thức an ninh và chính trị

Về an ninh, bất ổn ở Pakistan cùng với tác động lan tràn của chủ nghĩa khủng bố tại khu vực là trở ngại lớn đối với việc triển khai CPEC. Thách thức an ninh nổi lên tại Tân Cương (Trung Quốc) và kéo dọc các điểm chốt trên hành lang CPEC, nhất là tại Gwadar, Pakistan. Các nhóm thánh chiến như Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP), Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), Lashkar-e-Jhangvi (LeJ), IS và nhiều nhóm li khai ở Balochistan gây ra những đe dọa lớn về an ninh đối với CPEC.

Bên cạnh đó, biên giới Afghanistan cũng đặt ra cho Pakistan nhiều thách thức, khi các cuộc đàm phán giữa chính quyền Kabul với nhóm Taliban sau cái chết của trùm khủng bố Mullah Mansoor đều thất bại. Mối nguy nằm ở chỗ Afghanistan là nơi tập trung nhiều nhóm khủng bố trong khu vực có khuynh hướng chống Pakistan. Để bảo đảm an toàn cho các kĩ sư, công nhân Trung Quốc tham gia xây dựng CPEC, quân đội Pakistan đã phải huy động lực lượng phản ứng nhanh lên tới 10.000 binh sĩ.

Thách thức về chính trị cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Lo ngại bị phân biệt đối xử, một số đảng phái chính trị tại các tỉnh Khyber, Pakhtunkhwa và Balochistan ở Pakistan đã lên tiếng phản đối CPEC. Dù chính phủ cố gắng trấn an, nhưng phản ứng tại các tỉnh này sẽ là một rào cản chính trị lớn. Mối nguy lớn nhất đến từ các nhóm li khai gốc Baloch ở Balochistan - tỉnh có cảng nước sâu Gwadar, dự án then chốt về trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc. Những nhóm này xem CPEC là sáng kiến chống lại người Baloch vì nó cho phép người nước ngoài được quyền tiếp cận toàn bộ Balochistan và thay đổi yếu tố nhân chủng học theo hướng bất lợi cho người bản địa Baloch. Luồng quan điểm phản đối tương tự nhằm vào CPEC cũng xuất hiện ở Khyber, Pakhtunkhwa.

CPEC được chính thức hóa qua chuyến thăm Pakistan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4/2015. (Nguồn: IPP Review)

Ưu thế vượt trội hạn chế

Tuy nhiên, triển vọng của CPEC là lớn và giới phân tích nhìn nhận ưu thế mà dự án này mang lại cho Trung Quốc và Pakistan vượt trội những hạn chế. Đầu tiên là lợi ích từ phát triển hạ tầng. Pakistan hiện phải đối mặt với vô số khó khăn và việc mở rộng, nâng cấp hạ tầng giúp giảm tải thách thức, đặc biệt là hệ thống giao thông. Quan trọng hơn, do OBOR hướng đến mục tiêu thúc đẩy và thiết lập kết nối toàn cầu, Pakistan sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc triển khai CPEC. Pakistan sẽ có cơ hội đa dạng hóa các hình thức trao đổi thương mại, cân bằng giữa loại hình đường bộ, đường biển (hiện chiếm đến 97% giao thương Trung Quốc-Pakistan) và đường hàng không. CPEC cũng giúp thúc đẩy buôn bán nội địa, mở rộng xuất các sản phẩm xuất khẩu và kết nối các khu vực phía bắc với những sân bay ở Peshawar, Rawalpindi và Lahore tại quốc gia Nam Á này.

Chuyển sức mạnh toàn cầu từ Đông sang Tây có thể là hiện tượng tiên nghiệm. Nhưng sẽ không sai khi nói rằng lực hút trung tâm đang nghiêng về châu Á - không chỉ về đầu tư, thương mại mà cả sản xuất. Trung Quốc nổi lên với nền văn minh riêng biệt, khả năng lãnh đạo năng động và là nước đông dân nhất thế giới. Trong năm 2016, Trung Quốc chiếm đến 10% trong tổng số 19.000 tỉ USD hàng hóa trao đổi toàn cầu. Pakistan nhờ đó có thể thu "trái ngọt" từ dòng giao thương với Trung Quốc ở cấp độ toàn cầu.

Có thể khẳng định CPEC là phép thử không chỉ với đại chiến lược của Trung Quốc, mà còn với ảnh hưởng của Pakistan tại khu vực. Hợp tác, thận trọng, kiên trì sẽ là định hướng cho quan hệ Trung Quốc-Pakistan. Theo giáo sư Lu Yang thuộc trường Đại học Thanh Hoa, để thành công, Trung Quốc nên từ bỏ cách thức truyền thống là chỉ làm việc với Chính phủ Pakistan. Thay vào đó, Bắc Kinh nên tiếp cận với các cộng đồng bản địa để hòa nhập lợi ích tốt hơn cho chính những địa phương này. Từ đó, ngày càng có nhiều người Pakistan được hưởng lợi từ CPEC.

(theo IPP Review)