“The Vegetarian” (Người ăn chay) của Han Kang đã vượt lên 155 tác phẩm khác trong đó có tác phẩm của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ (từng đạt giải Nobel văn học năm 2006) Orhan Pamuh, nhà văn Italy Elena Ferrante, nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa và tiểu thuyết gia người Áo Robert Seethaler… để nhận Giải thưởng danh giá này vào ngày 16/5 vừa qua.
Nhà văn thầm lặng như cỏ cây
Han Kang sinh năm 1970, là nhà văn Hàn Quốc đầu tiên được đề cử giải Man Booker quốc tế và thành công ngoài sự mong đợi. Từ thời đại học, cô đã bị ám ảnh với câu thơ của Yi Sang: “Tôi cho rằng loài người nên là những cái cây”. Vì vậy, cô bắt đầu với sự nghiệp viết thơ và lần đầu tiên xuất bản các tác phẩm thơ vào năm 1993. Một năm sau, cô thử bắt tay viết tiểu thuyết và giành giải thưởng tại cuộc thi Văn học mùa xuân Seoul Shinmun.
Nhà văn Han Kang (Nguồn: Irishtimes) |
Là cây bút có tiếng ở xứ sở Kim Chi nhưng Han Kang chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ xuất bản “những đứa con tinh thần” của mình ở một thị trường nào khác. Chỉ đến khi, dịch giả Deborah Smith tình cờ đọc được phiên bản tiếng Hàn của “Người ăn chay” và quyết định dịch nó để thử gửi cho nhà xuất bản Portobello Books tại Anh. Bản thảo này ngay lập tức được chấp thuận và cuốn sách đã được đến với độc giả Anh vào năm 2015.
“Người ăn chay” cũng là ba truyện ngắn nối tiếp nhau được viết tách rời, không liền mạch. Han Kang đã viết hai phần đầu vào năm 2000 và mất khoảng hai năm để hoàn thành để công bố xuất bản lần đầu tiên tại Hàn Quốc vào năm 2007.
Và cuốn tiểu thuyết gây xáo động
“Người ăn chay” là câu chuyện giản dị về Yeong-hye - một phụ nữ Hàn Quốc quyết định bỏ ăn thịt, trở thành người ăn chay với giấc mơ được sống như cây cỏ, khiến mọi người xung quanh cô đều ngạc nhiên. Chồng và cha của Yeong-hye là những người phản đối kịch liệt bởi việc trở thành người ăn chay vốn không nằm trong truyền thống của Hàn Quốc. Mâu thuẫn ngày càng khắc sâu gây nên nỗi đau cho các nhân vật trong cuốn sách.
Bìa cuốn tiểu thuyết "Người ăn chay" (Nguồn: huffingtonpost) |
Có thể nhận thấy lối viết siêu thực, huyền ảo đậm màu sắc phương Đông trong ngòi bút của Han Kang. Ỏ đây, nhân vật nữ chính đã quyết định ăn chay vì sợ hãi cơn ác mộng về bạo lực. Dần dần, cô bắt đầu nhịn đói vì tin tưởng rằng mình có thể quang hợp ánh sáng và biến thành một cái cây.
Được biết, cảm hứng của câu chuyện bắt nguồn từ ấn tượng sâu sắc trong tuổi thơ của tác giả về cuộc đàn áp đẫm máu trong sự kiện nổi dậy Gwangju. Kang trăn trở về giả định liệu con người có thể sống một cuộc đời không tội lỗi trong thế giới đầy rẫy bạo lực này? Kết quả của hành động đó sẽ đi đến đâu? Và cô đã hiện thực hóa nó thông qua tác phẩm của chính mình.
Đánh giá về “Người ăn chay”, ông Boyd Tonkin - Chủ tịch Ban giám khảo Man Booker quốc tế 2016 cho rằng, “cuốn sách làm xáo động, sẽ nán lại lâu trong tâm trí và cả giấc mơ của độc giả”.
Tác phẩm cũng đã được đạo diễn Woo Seong Lim dựng thành phim và công chiếu vào năm 2009. Bộ phim nhận được sự phản hồi tốt từ khán giả và các nhà chuyên môn khi giành được sự chú ý đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế Pusan 2008 và được lựa chọn tranh giải tại Liên hoan phim Sudance 2010.
Man Booker International là giải thưởng được trao lần đầu vào năm 2005. Giải thưởng tôn vinh nhà văn ở bất cứ quốc gia và vùng lãnh thổ nào, miễn có tác phẩm xuất bản ở Anh hoặc được chuyển dịch sang tiếng Anh. Những tác giả từng chiến thắng trước đó là Ismail Kadare năm 2005, Chinua Achebe (2007), Alice Munro (2009), Philip Roth (2011), Lydia Davis (2013) và László Krasznahorkai ( 2015). Năm 2016 là năm đầu tiên Ban tổ chức quyết định trao giải thưởng cho một cuốn sách đơn lẻ, thay vì đánh giá toàn bộ quá trình sáng tác của nhà văn. |