Hành trình ly kỳ của chữ Quốc ngữ |
Theo cuốn sách, hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ chính là câu chuyện về sự phát triển, phổ biến của chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt. Ban đầu, thứ văn tự này là công cụ để thuận tiện cho việc trao đổi với người Việt, qua đó dễ dàng tiến hành truyền giáo; sau này, nó lại được sử dụng như một thứ mật mã giữa các thừa sai với bốn đạo và chỉ được dạy trong các chủng viện.
Sau những biến động chính trị và giáo dục, chữ Quốc ngữ dần thay chữ Nho trong các văn bản hành chính của đất nước, nắm giữ vai trò khai mở dân trí và trở thành chữ viết chính thức.
Điều đặc biệt là cuốn sách được viết bằng ngôn ngữ tranh truyện bán hư cấu qua lời kể của Alexandre de Rhodes – vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican, đã tới Việt Nam từ thế kỉ XVII và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt - Bồ - La) vào năm 1651.
Sở dĩ TS. Phạm Thị Kiều Ly chọn Alexandre de Rhodes là người dẫn truyện vì đây là vị linh mục sống ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, hiểu phong tục, tập quán của cả hai miền. Ông đã để lại nhiều công trình, nhờ đó có dữ liệu xây dựng cốt truyện cho cuốn sách này. Ngoài việc thêm thắt các đoạn hội thoại có lồng cảm xúc của nhân vật chính, tác giả tôn trọng những mốc, sự kiện lịch sử chính tạo ra chữ Quốc ngữ.
TS. Phạm Thị Kiều Ly cho biết, nội dung cuốn sách này dựa vào luận án Tiến sĩ của chị về Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt cũng như các tài liệu trong văn khố ở châu Âu và các cuốn sách viết về hành trình truyền giáo của các thừa sai. Từ bản luận án lên tới 640 trang, tác giả rút gọn thành cuốn sách ngắn súc tích và được minh hoạ bằng tranh đầy sinh động với 126 trang.
Nói về cuốn sách, tác giả khẳng định: “Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên ghi tiếng Việt ra ký tự Latinh. Trước Alexandre de Rhodes còn có thầy Francisco de Pina - người Bồ Đào Nha - đã soạn một tập từ điển nhỏ, nhưng rồi bị mất. Linh mục António de Fontes là người đầu tiên dùng hai chữ cái “ơ” và “ư”, tìm ra các thanh điệu để ghi trong một báo cáo vào năm 1631. Thầy cũng soạn từ điển Việt - Bồ cho chính mình và các linh mục khác để học tiếng Việt”.
Tuy nhiên, trong quá trình sáng tạo ấy, Alexandre de Rhodes là người tập hợp công trình của những người đi trước, kết hợp với những hiểu biết của ông về An Nam để in cuốn từ điển Việt - Bồ - La ở La Mã vào năm 1651.
Như vậy, Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ đã kết hợp kiến thức lịch sử, khoa học với trí tưởng tượng của tác giả để lý giải sự ra đời chữ viết hiện nay của người Việt. Nhóm tác giả còn sáng tạo một đoạn phỏng vấn đặc biệt với ba nhân vật tiêu biểu trong quá trình sáng tạo chữ quốc ngữ là Alexandre De Rhodes, Francisco De Pina và Gaspar do Amaral, bàn luận về quá trình sáng tạo chữ viết Latinh của tiếng Việt.
Cuốn sách lồng ghép nhiều chi tiết hài hước như khi Alexandre De Rhodes mới sang Việt Nam, vì nhầm lẫn thanh điệu, ông mua nhầm cá thành cà; vì không biết tiếng Việt đơn âm tiết, các cha thường ghi các chữ dính vào nhau…
Ngoài khắc họa hành trình nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhodes, tác giả có thêm phần Chữ quốc ngữ ký sự ghi lại những dấu ấn quan trọng trong việc phát triển chữ Quốc ngữ từ thế kỷ XVII, cho tới đóng góp của các linh mục Việt Nam như Filippe Bỉnh, thầy Pao, thầy Ngần, thầy Liễn…
Hành trình ấy tiếp tục được nối dài với đóng góp của nhiều cá nhân khác giúp phổ biến chữ Quốc ngữ ở Nam Kỳ, sau đó là toàn quốc.
Thông qua cuốn sách, bạn đọc sẽ hiểu thêm về việc chữ Quốc ngữ được cải biên, phổ biến, đón nhận qua năm tháng ra sao, có đóng góp thế nào trong việc xóa mù chữ cho dân ta thời Pháp thuộc và được Chủ tịch Hồ Chí Minh công nhận là văn tự chính thức của Việt Nam từ năm 1945.