Thành phố Mariupol, nơi từng có 19 gia đình người Việt sinh sống, đang chịu nhiều tổn thất từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine. (Nguồn: Sky News) |
Thành phố cảng chiến lược Mariupol không chỉ nằm trong tỉnh Donetsk, đây còn là thành phố lớn nhất bên bờ Biển Azov, trung tâm sản xuất và xuất khẩu thép khổng lồ của Ukraine.
Theo Tham tán Nguyễn Tùng Lâm - Trưởng ban công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, hiện vẫn còn khoảng 16-17 người Việt bị kẹt ở Mariupol. Số phận của họ là điều đáng quan tâm nhất đối với các đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Ukraine vào lúc này.
Ông Nông Đức Nam, người Bạc Liêu là bộ đội phục viên sang Mariupol từ năm 1988, kể gia đình ông có 5 người, cậu con trai lớn Nông Đức Anh, sinh năm 2000 ở Kharkov hiện đã tản cư đến Vinnytsia, còn vợ người Ukraine, ông và hai người con 8 tuổi và 2 tuổi sống tại quận Zhoble ở Mariupol.
Sáng 6/3, một quả đạn đã trúng tòa nhà của ông, tuy nhiên quả đạn bắn sang tòa nhà bên cạnh làm vỡ cửa kính. Gia đình ông Nông Đức Nam phải xuống hầm trú ẩn cách nhà 1,5km. Ông kể: “Không có nước, không có khí đốt, không có điện thoại, cắt hết sóng… đến ngày 15-16/3 khát nước mà không dám uống phải để dành cho cháu bé”.
Ngày 16/3, sau khi quân đội Nga tiến vào khu vực gia đình đang trú ẩn, ông Nam quyết định sơ tán khỏi Mariupol. Ra đến nơi tập trung để lên xe buýt của quân đội Nga đón, gia đình ông di chuyển đến địa điểm cách thành phố 30km. Ông và gia đình phải ở lại đó 1 tuần vì cháu nhỏ bị tiêu chảy, rồi sau đó được chở bằng xe buýt đến Taganrog thuộc tỉnh Rostov.
Theo lời ông Nam, chợ trung tâm - nơi tất cả các gia đình người Việt sống ở Mariupol kinh doanh, đều đã cháy rụi. Ông cho biết vẫn còn 3 gia đình nữa chưa liên lạc được.
Chị Phạm Thị Kim Thủy, sinh năm 1966, sống tại Mariupol từ năm 1992, cùng chồng và con gái 15 tuổi, dù đã tản cư an toàn đến thành phố Rostov của Nga, song vẫn chưa hết bàng hoàng, lo sợ trước những gì xảy ra với gia đình.
Chị Thủy kể, ngày 22, 23/4 chị vẫn ra chợ bán hàng, nhưng đến ngày 24/2, chợ đóng cửa và ngày nào cũng có tiếng súng nổ lớn, rồi cắt điện, cắt nước, cắt khí đốt, mạng Internet cũng không hoạt động. Cũng theo lời chị, sống ở dưới hầm gần 1 tháng trời, ngày nào, đêm nào máy bay cũng ném bom rung cả hầm. Đến ngày 22/3, do không còn gì để ăn, con gái đã thuyết phục chị Thủy chạy khỏi thành phố.
Theo chỉ dẫn của các binh sĩ Nga, gia đình chị phải đi men theo các tòa nhà xung quanh đầy hố bom để tránh đạn để tới được điểm xe buýt đón người tản cư. Từ Mariupol, gia đình chị Thủy đi xe buýt của quân đội Nga khoảng hơn 100km đến thành phố Vodyane. Ban đầu gia đình đăng ký đi ngả Zaparozie để sang khu vực miền Tây của Ukraine, tuy nhiên nghe thông báo là không có xe nên chị đăng ký đi qua biên giới tới tỉnh Rostov.
Những cư dân hiếm hoi còn ở lại Mariupol. (Nguồn: Sky News) |
Chị Thủy nói về cô con gái lớn học Đại học Y khoa năm thứ 3 tại Kiev hiện đã tản cư đến Lvov: "Gần 1 tháng nay mất liên lạc với cha mẹ, cháu khóc suốt. Cháu bảo thuê người đi tìm cha mẹ, vì bom rơi đạn nổ ngày nào cháu nghe tin cũng khóc. Thế là cháu tìm được số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và được cho số để liên lạc nhờ Đại sứ quán giúp về Việt Nam".
Chị cũng bày tỏ rất lo lắng cho số phận của 3 gia đình người Việt còn mắc kẹt tại Mariupol vì khả năng thoát ra của họ rất khó khăn.
Tham tán Nguyễn Tùng Lâm cho biết: “Bà con ở các địa phương của Nga rất nỗ lực giúp đỡ và chia sẻ tình cảm, cũng như nơi ăn chốn ở để cho bà con từ Ukraine sang ổn định và sẽ về nước trong thời gian sớm nhất. Nhưng khó khăn đối với chính bà con chúng ta tại Ukraine là phải vượt qua bom đạn, khoảng cách để có thể sang được đất Nga”.