📞

Hát Then - xưa và nay

08:41 | 09/07/2013
Tại Hội thảo khoa học “Then Tày-Nùng-Thái xưa và nay” vừa diễn ra tại Hà Nội, phần lớn các đại biểu đều thống nhất, Then cần được nghiên cứu theo cả không gian văn hóa, tín ngưỡng chứ không đơn thuần chỉ là một loại hình nghệ thuật như “Hát Then”. Phải nhìn nhận di sản ở dạng vận động, xem xét cả giá trị cổ truyền cũng như sự biến đổi đang diễn ra rất sống động của Then…
Ảnh minh họa.

Di sản tinh thần

Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định Then là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp, tích hợp rất nhiều bộ môn nghệ thuật như văn học, âm nhạc, múa, hội họa, trình diễn. Loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp này lại có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào người Tày, Nùng, Thái.Vì vậy, cần phải có chiến dịch tuyên truyền quảng bá sâu rộng để nhiều người dân trong nước và quốc tế biết đến “di sản tinh thần” này.

Bàn về nguồn gốc của Then, PGS-TS Phạm Thị Yên, Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng Then là hình thức tín ngưỡng lâu đời của các cư dân Tày - Thái có liên quan đến tín ngưỡng thờ Trời. Then có mặt ở hầu khắp các tộc người nói ngôn ngữ Tày - Thái với biểu hiện đa dạng về điện thần, trang phục, dụng cụ hành nghề và hình thức diễn xướng. Ngoài loại nhạc cụ tiêu biểu nhất là Tính tẩu (đàn Tính), Then còn có các dụng cụ trình diễn như xóc nhạc, quạt, kiếm, ấn sắc, nhạc ngựa...

Còn theo bà Vi Thị Tỉnh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Then có một số lượng nghi lễ rất đa dạng, gắn liền với cuộc sống thường nhật của con người, chẳng hạn: Lễ then cầu yên thực hiện vào dịp năm mới, lễ then giải hạn, lễ then mừng nhà mới, lễ then gửi con,…

Về giá trị âm nhạc của Then, bà Nông Thị Nhình, Viện Âm nhạc nhận định, âm nhạc trong Then rất đa dạng, có sự gắn bó mật thiết với văn học, diễn tả nội dung văn học của câu hát một cách tinh tế. Âm nhạc trong Then bao gồm nhạc hát, nhạc đệm, nhạc múa và nhạc không lời, được làm nên bởi cây Tính tẩu, xóc nhạc và âm sắc giọng hát của người trình diễn. Để được trở thành một thầy Then độc lập, người làm Then phải trải qua quá trình học nghề lâu dài, phải đạt tới trình độ cao về nghệ thuật. Họ phải thực sự là một nghệ sĩ dân gian đa tài, giỏi văn thơ, biết múa, biết tự đệm đàn và chơi xóc nhạc trong những nghi lễ mang đặc trưng của dân tộc.

Coi trọng vai trò của nghệ nhân

Đại diện Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cho biết, hát Then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mai một, nghệ nhân, thiếu người kế cận. Nếu không tranh thủ khai thác các nghệ nhân còn giữ được làn điệu Then cổ để truyền dạy cho thế hệ sau thì giá trị đặc sắc của nghệ thuật này sẽ dần mất đi. Một thực tế đáng buồn là ở hầu hết các bản làng người Tày giờ đây chỉ còn các nghệ nhân cao tuổi đánh được đàn Tính, thuộc nhiều bài hát Then, còn thế hệ trẻ thì chỉ biết qua loa hoặc không mấy quan tâm. Các nghệ nhân còn lưu giữ được những bài hát Then cổ là rất hiếm.

Ông Mã Đình Hoàn - Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Yên Bái chỉ rõ, công tác nghiên cứu toàn diện về Then vẫn chưa được thực hiện và việc bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này vẫn còn nhiều hạn chế. Yếu tố quyết định là phải coi trọng vai trò của các nghệ nhân dân tộc Tày, Nùng, Thái.

“Từ trước tới nay, chúng ta mới chỉ là sự coi trọng về mặt tinh thần, động viên, cổ vũ mà chưa thực sự quan tâm đến đời sống của nghệ nhân. Chúng ta cần phải dành một phần kinh phí thỏa đáng hỗ trợ hoạt động của các nghệ nhân để họ tâm huyết truyền dạy làn điệu Then cho thế hệ trẻ là những người kế nghiệp. Đồng thời, hàng năm chúng ta cần tổ chức những hội nghị tôn vinh các nghệ nhân. Có như vậy, Then mới có thể được sống trong cộng đồng một cách tự nhiên và bền vững.”, ông Hoàn nói.

Còn ông Phùng Quang Mười, Đại diện Sở VHTTDL Lào Cai kiến nghị, để bảo tồn và phát huy giá trị của Then, cần nghiên cứu, sưu tầm chuyên sâu để từ đó xuất bản thành sách giới thiệu về then nói chung và hát then nói riêng trong cộng đồng người Tày - Nùng - Thái. Ngoài ra, nên quay phim các nghi lễ và sinh hoạt của then, in đĩa phát cho dân để bà con tự học tập, trao truyền; tăng cường giới thiệu trên truyền hình, truyền thanh, mạng Internet nhằm khích lệ người dân giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị then ngày một tốt hơn.

Giang Ly

GIÁO SƯ TÔ NGỌC THANH - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian

Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm nhắn nhủ những ngọt bùi đắng cay của cuộc sống ông cha. Có thể thấy trong Then (Then Tày nói chung và Then Tày Tuyên Quang nói riêng), không chỉ các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp thi pháp, tu từ, ẩn dụ... của nghệ thuật ngôn từ; tìm thấy những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất; những điệu múa đã song hành với hát then không biết bao năm tháng.

ÔNG PHẠM CAO PHONG - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESSCO - Bộ Ngoại Giao

Theo kiến nghị của các nhà khoa học tại Hội thảo khoa học “Then Tày-Nùng-Thái xưa và nay”, về việc thay đổi tên gọi của di sản, UBQG UNESCO Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan hữu quan giải quyết các thủ tục liên quan với UNESCO sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Sau khi hồ sơ hoàn tất và được trình UNESCO, Ban Thư ký sẽ chủ động liên hệ tham khảo ý kiến các chuyên gia về hồ sơ, thông báo tới các cơ quan liên quan để chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ.

Đồng thời dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam, Ban Thư ký chủ động phối hợp với các Bộ/ngành và địa phương liên quan xây dựng kế hoạch và tiến hành công tác vận động quốc tế đối với hồ sơ. Đây là một nội dung rất quan trọng, đóng góp vào thành công chung của bộ hồ sơ.