📞

Hậu bầu cử Tổng thống Mỹ: Trang mới của kinh tế nước Mỹ sẽ thế nào?

Minh Anh 16:00 | 19/12/2020
TGVN. Phát biểu trước toàn dân Mỹ sau khi được Đại cử tri đoàn bỏ phiếu xác nhận là Tổng thống Mỹ tiếp theo, ông Joe Biden tuyên bố 'Tôi sẽ là tổng thống của tất cả người dân Mỹ', đồng thời kêu gọi người Mỹ hãy 'bước sang một trang mới'.

Với những sắp đặt và tính toán riêng, ông Biden tuyên bố đã sẵn sàng để đảm đương trọng trách dẫn dắt nước Mỹ vượt qua những thách thức hiện nay để “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” (Build back better), như những gì ông cam kết khi tranh cử. Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ này sẽ đầy chông gai.

Trọng tâm và tham vọng

Nói về những thách thức mà đất nước và chính quyền của Tổng thống Mỹ thứ 46 phải đối mặt trong nhiệm kỳ tới, ông Joe Biden đặt ra công việc trước mắt, cần khống chế đại dịch để toàn dân được tiêm vaccine phòng Covid-19 và hỗ trợ kinh tế ngay lập tức, bởi rất nhiều người Mỹ đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau đó là trọng trách khôi phục nền kinh tế số 1 thế giới trở nên tốt đẹp hơn và thiết lập các mục tiêu dài hạn trong tương lai.

Trọng trách lớn lao hiện đang đè nặng lên vai nhà lãnh đạo thứ 46 của nước Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Khi tranh cử, ông Biden đưa ra tham vọng “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” tập trung vào phục hồi ngay lập tức nền kinh tế và giải quyết tình trạng bất bình đẳng vốn ăn sâu bám rễ trong lòng nước Mỹ với một loạt đề xuất mới. Kế hoạch này chủ trương tạo ra hàng triệu việc làm và mang lại công cụ cần thiết để tầng lớp lao động Mỹ xây lại tương lai tươi sáng hơn thông qua các khoản đầu tư quan trọng cho người dân, hạ tầng cơ sở và môi trường. Ông Biden cũng hứa sẽ tìm kiếm các phương án thắt chặt quy định để bảo vệ môi trường, người tiêu dùng, người lao động và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đây không phải là những nhiệm vụ dễ dàng bởi kế hoạch trên được đánh giá là không tạo sự khác biệt cạnh tranh với kế hoạch của Tổng thống Trump. Thậm chí, một số điểm sẽ khó có thể đảm bảo được lợi ích trước tiên của người dân Mỹ, khi có sự mâu thuẫn giữa chủ trương của ông Biden trong lĩnh vực thương mại với các quy định của hệ thống các thể chế đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trong vấn đề chăm sóc y tế được coi là ưu tiên hiện nay, ông Biden đã cam kết sẽ lắng nghe ý kiến của các quan chức y tế khi đưa ra biện pháp ứng phó với đại dịch, đồng thời mở cửa trở lại một cách an toàn. Thế nhưng, có khả năng chính quyền của ông cũng sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan giữa mở cửa để khôi phục nền kinh tế và đóng cửa để ngăn chặn đại dịch.

Ông Biden cũng bảo vệ quan điểm duy trì Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng (Obamacare), với sự điều chỉnh cần thiết để có thể mở rộng tới những đối tượng có bệnh lý nền và gặp khó khăn kinh tế, đặc biệt sau đại dịch. Thế nhưng, đạo luật này hiện đang là vấn đề tranh cãi bởi còn nhiều bất cập. Đó còn là những vấn đề liên quan cải cách hệ thống tư pháp và nhập cư, mà ông từng bị Tổng thống Trump chỉ trích là “đã không đạt được thành tựu gì nổi bật” trong suốt tám năm làm Phó cho Tổng thống Barack Obama.

Trên trường quốc tế, chính sách đối ngoại của nước Mỹ chắc chắn sẽ có nhiều sự thay đổi khi ông Biden tuyên bố đảo ngược, xóa bỏ hoặc giảm bớt những động thái được cho là “cứng rắn và táo bạo nhất” của Tổng thống Trump. Đây sẽ là một danh sách dài, có thể kể đến như: nối lại việc đóng góp ngân sách và tư cách thành viên của Mỹ tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tham gia lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu…

Ông Biden cũng sẽ tìm cách tái hợp tác trong các thể chế đa phương như Liên hợp quốc, WTO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… cũng như tái gắn kết với các đồng minh truyền thống. Từ Trung Đông tới châu Á, từ Mỹ Latinh tới châu Phi và đặc biệt là châu Âu, trong một loạt vấn đề, ông Biden có thể sẽ có những thay đổi liên quan tới cách thức Mỹ hành xử trên chính trường quốc tế.

Thách thức và trọng trách

Ngoài khủng hoảng do đại dịch Covid-19, Washington còn phải đối mặt với những vấn đề về cấu trúc bên trong nền kinh tế. Có không ít yếu tố bị cho là đã kìm hãm khiến GDP của Mỹ không thể tăng trưởng bình thường, chẳng hạn, đặt cược quá lớn vào khối tài chính, trong khi khu vực kinh tế thực không phát triển như mong muốn, phần lớn người dân thiếu thu nhập ổn định và khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị nới rộng.

Trong khi hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế bị giảm sút, chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ nổi lên làm suy yếu mối liên hệ thương mại với các nước khác, khiến thực trạng kinh tế càng khó khăn hơn. Trước đây, Mỹ dựa vào tiềm lực khoa học-công nghệ để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, nhưng giờ đây đã xuất hiện những “người chơi” mới với những tiềm lực mới, khiến vị thế số 1 của Mỹ phải lung lay.

Trước những vấn đề từ vi mô đến tầm vĩ mô, từ nội bộ, từng người dân đến những thách thức mang tính quốc tế, đội ngũ mới của ông Biden được xem là đại diện cho một sự thay đổi với khá nhiều khác biệt.

Khác với đội ngũ cố vấn kinh tế bên cạnh Tổng thống Donald Trump chú trọng vào giới tài phiệt và các tỷ phú Phố Wall, đội ngũ kinh tế của ông Biden đa dạng từ xuất thân cho đến quan điểm kinh tế. Mỗi bài phát biểu của những gương mặt mới đều đề cập những khó khăn họ từng trải qua trong giai đoạn đầu đời, như cánh cửa để họ trở thành các nhà kinh tế với quan điểm như hiện nay.

Nếu cựu Chủ tịch Fed Janet Yellen, người được chỉ định làm Bộ trưởng Tài Chính tương lai nhấn mạnh: “Tôi đã trở thành một nhà kinh tế vì tôi quan tâm đến gánh nặng thất nghiệp đối với người dân, các gia đình và cộng đồng”. Thì bà Neera Tanden – một đề cử gây tranh cãi của ông Biden cho chức Giám đốc Cục Quản lý Ngân sách và Hành chính cũng nói về xuất thân nghèo khó sống dựa vào đồ ăn chính sách và ưu đãi nhà ở, về mẹ bà - một người nhập cư từ Ấn Độ…

Như vậy, có thể thấy, dù đã sẵn sàng để đương đầu với hàng loạt thách thức và các vấn đề nổi cộm của nước Mỹ, nhưng để biến lời nói thành hành động, thực hiện được cam kết “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”, trọng trách lớn lao hiện đang đè nặng lên vai nhà lãnh đạo thứ 46 của nước Mỹ.