Trên 100.000 giáo viên mầm non ngoài công lập không có thu nhập từ 3 tháng trở lên. (Ảnh: Đinh Thị Mỹ Huệ) |
Sáng nay (12/8), Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.
Trên 100.000 giáo viên mầm non ngoài công lập không có thu nhập từ 3 tháng trở lên
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong bối cảnh dịch Covid-19, phần lớn thời gian trẻ em mầm non phải nghỉ ở nhà không được đến trường nên đã ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ theo Chương trình Giáo dục mầm non và việc chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1.
Việc trẻ ở nhà thời gian dài đã ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi.
Một số trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ dân tộc thiểu số (không được ăn trưa tại trường), trẻ khuyết tật học hòa nhập, trẻ em là con công nhân mất việc làm... có nguy cơ chậm phát triển. Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong thời gian dài không có doanh thu, đời sống giáo viên hết sức khó khăn, nhiều giáo viên phải chuyển sang các công việc khác.
Nhiều trường mầm non ngoài công lập phải giải thể, đóng cửa trường, đối mặt với nguy cơ vỡ nợ về tài chính.
Theo báo cáo của địa phương, từ tháng 5/2021 đến nay có trên 28.500 cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch, trong đó hơn 20.000 cơ sở đã phải dừng hoạt động từ 3-6 tháng.
Có trên 100.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở GDMN ngoài công lập không có thu nhập từ 3 tháng trở lên, trong số đó, hầu hết không có thu nhập trong hơn 6 tháng qua; khoảng 101.845 cán bộ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở GDMN ngoài công lập không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ do chưa tham gia BHXH bắt buộc.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai Chương trình Giáo dục mầm non; tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, tập trung mọi nguồn lực với nhiều giải pháp tích cực để củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Kết quả, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 713/713 đơn vị cấp huyện (100%) duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 99,94% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình Giáo dục mầm non đạt 99,7%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.
Thiếu giáo viên chương trình phổ thông mới
Liên quan đến số lượng giáo viên, Bộ GD&ĐT cho biết, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hiện nhiều nơi thiếu giáo viên môn tiếng Anh, tin học đối với tiểu học; môn âm nhạc, mỹ thuật đối với trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023.
Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở nơi khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến địa bàn khó khăn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên tiếng Anh, tin học và công nghệ dạy liên trường, liên cấp.
Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch.
Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, bậc tiểu học có tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn cao nhất, 25,2%; tiếp đến là trung học cơ sở 13,9%... trung học phổ thông chỉ còn 0,1%.
Cụ thể hiện nay tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; trung học cơ sở là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%.
Sở dĩ có tình trạng này vì theo luật Giáo dục 2019 có sự thay đổi lớn về chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên.
Giáo viên mầm non trước đây yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo là trung cấp, nay là cao đẳng; giáo viên tiểu học từ trung cấp nâng lên đại học; giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng lên đại học.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018.
Tính đến nay, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục của các địa phương đã hoàn thành bồi dưỡng các mô đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện Chương trình GDPT 2018, đổi mới cách thức tiếp cận trong giảng dạy và giáo dục học sinh.
Hiện nay hầu hết các địa phương đã ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí hợp đồng lao động giáo viên năm học 2021-2022 để đảm bảo đủ giáo viên trong các cơ sở giáo dục; ưu tiên giáo viên có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo các yêu cầu đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, tinh giản biên chế ngành Giáo dục và khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi; bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Các địa phương phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026.