Dự án Nord Stream 2 từng bị lo ngại sẽ được Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng làm vũ khí địa chính trị nhằm vào sự ổn định kinh tế và chiến lược của Ukraine, cũng như châu Âu. (Nguồn: Atlanticcouncil) |
Vật lộn giữa "cuộc tấn công tổng lực" về kinh tế mang tên trừng phạt và trả đũa giữa các chính phủ phương Tây và Moscow, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đang phải đau đầu vật lộn với hàng loạt các vấn đề xung quanh an ninh năng lượng và các nguồn thay thế.
Nord Stream 2 đã chết?
Hai ngày trước khi Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo rằng, Bộ trưởng Kinh tế của ông đã rút lại báo cáo an ninh nguồn cung ứng từ dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.
Đây là mảnh ghép cuối cùng còn thiếu để dự án đi vào hoạt động. Động thái đó của Thủ tướng Scholz về cơ bản đã chính thức tạm dừng mọi hoạt động của tuyến đường ống lịch sử này. Kể từ đó, không có tin tức chính thức nào về tương lai của Nord Stream 2 và nhiều người trong ngành tin rằng, về cơ bản nó đã chết.
Nord Stream 2 là công ty con có đăng ký tại Thụy Sỹ của Công ty Nhà nước Nga Gazprom và là dự án song sinh của Nord Stream - đường ống dẫn dưới biển dài 1.222 km, chuyển khí đốt tự nhiên từ Vyborg ở Tây Bắc Nga đến Đức.
Nord Stream 2 được thiết kế để tăng gấp đôi dòng khí đốt của Nga trực tiếp đến Đức, chính thức ra mắt vào năm 2015 và bắt đầu xây dựng từ năm 2018. Đến cuối năm 2021, sau nhiều lần trì hoãn do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một số công ty liên quan, dự án đã hoàn thành với chi phí ước tính là 11 tỷ USD.
Gazprom đã trả một nửa chi phí, phần còn lại được tài trợ bởi nhiều tập đoàn dầu khí hàng đầu của các quốc gia châu Âu, như Shell của Anh, OMV của Áo, Engie của Pháp và Uniper và Wintershall DEA của Đức.
Đến nay, ngoài Gazprom, các đối tác có liên quan của họ đều đã thực hiện các bước để tự tách khỏi các hoạt động kinh doanh với Nga, ngay sau khi Moscow tiến hành chiến chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Từ đầu tháng 3, Shell đã rút lại kế hoạch gần nhất mua dầu của Nga và thông báo ý định rút khỏi các hợp tác liên quan đến tất cả các sản phẩm hydrocacbon của Nga, bao gồm dầu thô, các sản phẩm dầu mỏ, khí đốt và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Ngay sau khi Đức phủ nhận việc tiếp tục tiến hành dự án, có tin đồn rằng, Nord Stream 2 đang xem xét nộp đơn xin vỡ nợ. Vào thời điểm đó, các nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng, công ty đã làm việc với một cố vấn tài chính để thanh toán một số khoản nợ phải trả và đang trong quá trình chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Phía Nord Stream 2 AG không xác nhận thông tin về việc đã bắt đầu quá trình xin phá sản, chỉ cho biết đã thông báo với giới chức Thụy Sỹ về việc buộc phải chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Trong khi đó, một số thông tin liên quan tin đồn đã được Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ, Guy Parmelin, trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Thụy Sỹ, tiết lộ rằng, tất cả nhân viên Nord Stream làm việc cho công ty ở thành phố Zug của Thụy Sỹ, khoảng hơn 140 nhân viên, đã bị sa thải.
Nếu Nord Stream 2 nộp đơn xin vỡ nợ, các bên liên quan sẽ phải chịu rủi ro tín dụng ở mức độ đáng kể. Người phát ngôn của Engie cho biết, “Về dự án Nord Stream 2 mà Engie đã hỗ trợ tài chính kể từ tháng 4/2017, cùng với 4 nhà đầu tư châu Âu khác, với tư cách là người cho vay, chịu rủi ro tín dụng là 987 triệu Euro. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tài chính của họ, trong trường hợp Nord Stream 2 nộp đơn xin vỡ nợ ”.
Công ty hóa dầu, khí đốt và hóa chất đa quốc gia của Áo OMV có vẻ bớt lo lắng hơn về tác động từ những vấn đề của Nord Stream 2 trên sổ sách. Người phát ngôn của OMV cho biết, công ty này chỉ là một đối tác tài chính của Nord Stream 2. “Gần đây chúng tôi đã giảm các khoản phải thu liên quan khoảng 1 tỷ Euro. Nord Stream 2 được thiết kế cho công suất vận chuyển 55 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, về các diễn biến tiếp theo hoặc tác động của thị trường trong tương lai, chúng tôi không thể đoán trước được”.
Việc dừng dự án Nord Stream 2 được cho là sẽ không có tác động mạnh đến thị trường khí đốt trong ngắn hạn, do đường ống này vẫn chưa bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, hậu quả ở các khía cạnh rộng hơn đã được cảm nhận.
Giám đốc điều hành cấp cao tại công ty tư vấn FTI Consulting Emmanuel Grand giải thích rằng, an ninh nguồn cung đã trở thành mối quan tâm chính trong ngành khi cuộc tranh cãi về Nord Stream 2 đã bộc lộ nguy cơ phụ thuộc năng lượng và rủi ro địa chính trị.
Chuyên gia Emmanuel Grand phân tích, “có hai hệ quả chính đối với thị trường khí đốt khi Nord Stream 2 không được hoạt động. Đầu tiên là khí đốt sẽ được coi là một nguồn năng lượng kém tin cậy hơn và chắc chắn sẽ đắt hơn. Thứ hai là vấn đề an ninh nguồn cung đang thúc đẩy sự đa dạng hóa sang các loại hình cung cấp khí khác. LNG là sự lựa chọn đang được xem xét”.
Đây là thời điểm quan trọng đối với thị trường khí đốt ở châu Âu, nhưng theo vị chuyên gia này cho rằng, việc chuyển đổi sang LNG không thể ngay lập tức. Thách thức chính đối với việc thay thế khí đốt của Nga bằng LNG từ các nước khác, hoặc ở châu Âu - chẳng hạn như Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha - hoặc Mỹ, là cơ sở hạ tầng - các thiết bị đầu cuối LNG và các đường ống kết nối - cần được xây dựng.
Theo tính toán của Emmanuel Grand, “Quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng này cần nhiều thời gian. Mất khoảng 5 năm cho quá trình hóa lỏng và 2 đến 3 năm cho quá trình tái hóa khí”. Tuy nhiên, về dài hạn, xung đột Nga-Ukraine và việc Nord Stream 2 phá sản sẽ có lợi cho mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ mới. Vị Giám đốc của FTI Consulting cho biết thêm, hầu hết những người trong ngành đang thảo luận về việc sử dụng hydro xanh làm "véc tơ" để tạo ra các nguồn năng lượng mới.
Ủy ban châu Âu mới đây đã công bố kế hoạch trị giá 210 tỷ Euro (220 tỷ USD) để châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027 và nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Như vậy, Nord Stream 2 có thể đã chết và không có khả năng hồi sinh và khoảng trống mà nó để lại trên thị trường có thể dẫn đến các chính sách năng lượng bền vững hơn, tư duy đổi mới hơn trong số các chiến lược năng lượng hàng đầu của châu Âu.
Tuy nhiên, trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, chỉ riêng phản ứng của 27 nước thành viên EU đối với lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, hay thực hiện quy chế miễn trừ như thế nào với thành viên nào...thì đã là những câu chuyện rất dài, phức tạp và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, kể cả chính trị.
Châu Âu chắc sẽ cần vào một ngày nào đó?
Hồi đầu tháng 5, Reuters dẫn thông báo của Gazprom trên tài khoản Telegram chính thức cho biết, sẽ không để lãng phí đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Theo đó, họ sẽ sử dụng công suất trên bờ của dự án để phục vụ cho thị trường nội địa ở Tây Bắc nước Nga.
Mới đây, Điện Kremlin cũng bất ngờ đưa ra nhận định, Nga không có hy vọng khởi động đường ống dẫn khí đốt dưới biển Nord Stream 2 sớm, nhưng tin tưởng rằng châu Âu sẽ cần đến đường ống này vào một ngày nào đó bất kể họ nói gì bây giờ.
Hiện chưa có thông tin gì thêm nhưng Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết, "thời điểm hiện tại thì không có hy vọng”, tuy nhiên ông khá tin tưởng khi nói thêm rằng, “cơ sở hạ tầng của dự án đã sẵn sàng, một thời gian nữa nó sẽ hoạt động dưới đáy biển Baltic”.
Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết, Nga sẽ tái định tuyến các nguồn năng lượng bị châu Âu từ chối đến các khu vực khác, bao gồm cả châu Á, đồng thời cảnh báo, châu Âu sẽ phải tìm các nguồn cung cấp không phải của Nga, chắc chắn giá sẽ đắt hơn rất nhiều.
Phó Thủ tướng Novak cho biết, châu Âu nhập khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày từ Nga. Bởi vậy các lệnh cấm vận dầu Nga đã khiến sản lượng dầu của nước này giảm khoảng hơn 1 triệu thùng/ngày trong tháng 4.
Tuy nhiên, sản lượng đã tăng trở lại khoảng 200.000-300.000 thùng/ngày trong tháng 5 và khối lượng nhiều hơn dự kiến sẽ được khôi phục vào tháng tới. Ông tiết lộ, xuất khẩu dầu đang dần hồi phục và nước này đang tìm được các thị trường mới, vì đơn giản, các nguồn năng lượng của Nga rất có khả năng cạnh tranh.