Đáng tiếc là ở Việt Nam, quy định luật kiểu như thế này không phải là hiếm. Tôi xin lấy ví dụ ý định của thành phố Hà Nội cho phép Sở Công Thương rút giấy phép kinh doanh của những cửa hàng “bún mắng cháo chửi” trên địa bàn thành phố.
Sự việc bắt đầu cách đây một thời gian, CNN đưa cảnh bà chủ quán chửi xa xả khách hàng đến ăn tại cửa hàng. Dư luận xôn xao vì không thể tưởng tượng rằng đến giờ những cửa hàng thiếu văn minh, lịch sự như thế còn có thể tồn tại. Ngạc nhiên hơn nữa là quán của bà chủ đanh đá và thô lỗ kia vẫn thu hút một lượng khách đáng kể.
Hình ảnh quán "bún chửi" được phát trên kênh CNN. |
Tất nhiên, để tồn tại những cửa hàng như thế ở Hà Nội là không hợp lý, nhất là khi thành phố muốn trở thành một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn và đặc trưng cho người thủ đô. Vì thế, thành phố Hà Nội đã có văn bản số 508-CV/TU về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Điểm nhấn trong văn bản này là Sở Công Thương Hà Nội có quyền... thu hồi giấy phép kinh doanh đối với chủ kinh doanh có hành vi, cử chỉ, lời nói xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của khách.
Không thể phủ nhận rằng chính quyền thành phố Hà Nội đang nỗ lực cải thiện hình ảnh của thủ đô, điều rất đáng hoan nghênh. Tôi hoàn toàn đồng tình rằng “bún mắng, cháo chửi” là những hành vi phải loại bỏ khỏi xã hội. Tuy nhiên, trên phương diện pháp luật, việc Thành phố cho phép thu hồi giấy phép kinh doanh của các hộ này gặp nhiều bất cập.
Bất cập đầu tiên là không có cơ sở pháp lý. Lục tung tất cả các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến hộ kinh doanh và giấy phép kinh doanh cũng không thể tìm ra điều khoản nào cho phép rút giấy phép kinh doanh vì hành vi “xúc phạm” khách hàng. Do vậy, không thể xử phạt mà không có quy định xử phạt cụ thể do luật đặt ra.
Bất cập thứ hai là luật hiện hành của Việt Nam đã có quy định để ngăn chặn và xử phạt những hành vi “làm nhục” người khác. Cụ thể là tội “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác” bị xử phạt bởi điều 121 Bộ luật Hình sự 1999 (được làm rõ hơn trong điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 nhưng hiện nay chưa có hiệu lực). Tất nhiên, áp dụng điều khoản này vào hành vi mắng chửi của chủ quán có phần không phù hợp, vì điều 155 này chỉ áp dụng cho những trường hợp xúc phạm “nghiêm trọng”. Hơn nữa, tội này chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại, theo điều 155 của bộ luật Tố tụng Hình sự 2003. Những hành vi như “bún mắng cháo chửi” chỉ nên xử phạt hành chính.
Tôi xin viện dẫn điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định những tội gây rối trật tự công cộng như “cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” sẽ bị “cảnh cáo” hoặc “phạt tiền từ 100.000 đồng-300.000 đồng”. Thực hiện tốt Nghị định này hoàn toàn có thể xóa sổ hành vi “bún mắng, cháo chửi”. Vậy thêm quy định rút giấy phép kinh doanh để làm gì?
Bất cập thứ ba là việc rút giấy phép kinh doanh-một hình phạt áp dụng để điều hòa các hoạt động kinh doanh-để xử phạt một hành vi “ứng xử” của cá nhân thể hiện sự thiếu nhất quán, làm cho pháp luật trở nên chồng chéo, thiếu hiệu quả.
Bất cập thứ tư là khả năng thực hiện quy định này. Sở Công Thương sẽ kiểm tra thế nào để thực sự “bắt quả tang” hành vi “chửi mắng” của chủ quán? Và nếu khách hàng chỉ muốn giải quyết cá nhân với chủ quán? Rất nhiều tình huống khác còn có thể đặt ra, làm giảm tính khả thi của quy định này.
Người xưa có câu nói “đừng ném chuột mà làm vỡ bình”. Việc có lượng khách hàng ổn định cho thấy những cửa hàng này có sức hấp dẫn nhất định, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân. Chính quyền chỉ cần xử phạt hành chính là có thể đạt được mục tiêu văn minh, hiện đại. Còn lại, hãy để môi trường kinh doanh tự điều hòa chất lượng kinh doanh.