📞

Hãy là năm cánh của một ngôi sao sáng

12:00 | 27/10/2016
Có thể nói, những nỗ lực hợp tác từ cấp cao nhất­­ của các nước trong cơ chế hợp tác CLMV và ACMECS đang thể hiện hiệu quả thực tế ở nhiều lĩnh vực. Người ta nhìn thấy rõ nhất điều này ở sự hợp tác từ phía doanh nghiệp.

Cơ chế hợp tác tiêu biểu

Theo ông Justin Wood, Trưởng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các chuyên gia WEF nhận thấy cần có một mối quan hệ chặt chẽ giữa các chính phủ cũng như quan hệ của các chính phủ với hệ thống các doanh nghiệp. Ông phát biểu điều này tại cuộc họp báo của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) trước thềm Hội nghị WEF về khu vực Mekong, ngày 25/10 sau khi chính thức công bố 55 doanh nghiệp lớn đầu tiên sẽ tham gia Hội đồng Kinh doanh khu vực ASEAN (RBC).

 Khi Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói rằng các cơ chế hợp tác trong khu vực như hợp tác giữa 4 nước Campuchia - Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) và Cơ chế hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực của các quốc gia ASEAN, ông đã chia sẻ quan điểm của các nhà lãnh đạo Chính phủ từ góc độ cấp cao, góc độ quốc tế. Thực vậy, các cơ chế này giúp các nước trong khu vực phát triển sâu rộng, bền vững và thực thi hiệu quả các cam kết của mình nhờ sự gần gũi về địa lý giữa các quốc gia trong khu vực.

Lãnh đạo Nhà nước/Chính phủ các nước tham dự Hội nghị ACMES 7.

Còn Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương Shamshad Akhtar khẳng định, cơ chế hợp tác CLMV là “một ví dụ tiêu biểu” về việc các nước trong khu vực có thể đạt được những mục tiêu chung trong quá trình hợp tác. CLMV đóng góp lớn vào sự năng động của ASEAN qua việc thúc đẩy tinh thần sáng tạo của người dân và doanh nghiệp trong khu vực.

Trong Tuyên bố Hà Nội, một trong những văn kiện quan trọng nhất được thông qua tại CLMV 8 và ACMECS 7, ngoài những nội dung về thúc đẩy kết nối kinh tế, đầu tư - thương mại, công nghiệp, du lịch, văn kiện có hẳn điều khoản số 16 nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp và tầm quan trọng của việc phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững các quốc gia nội khối và cả tiểu vùng. Đó là: “Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp là động lực của thương mại, đầu tư và đổi mới sáng tạo và cam kết tăng cường vai trò của khu vực doanh nghiệp trong sự phát triển của ACMECS. Chúng tôi hoan nghênh đóng góp của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ACMECS và khuyến khích Hội đồng Kinh doanh ACMECS tăng cường trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp để truyền đạt một cách hiệu quả những quan tâm và khuyến nghị của họ”.

Như vậy, ngoài yếu tố cao nhất về lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp là điểm nhấn chính, được kỳ vọng sẽ trở thành động lực để đem tới sự thay đổi, chính xác hơn là phát triển bền vững và thịnh vượng của mỗi quốc gia, của tiểu vùng và cả khu vực. Ý nghĩa của điểm nhấn này được làm nổi bật lên bằng quy mô của cả một Hội nghị. Diễn đàn kinh tế thế giới về khu vực Mekong (WEF-Mekong), sáng kiến của Việt Nam được các nước, các đối tác và đại biểu tham dự đánh giá cao vì đã đi vào trọng tâm và thực chất.

Nhân tố kết nối và phát triển

Hội nghị WEF-Mekong được tổ chức lần đầu tiên cùng dịp với các HNCC ACMECS và CLMV nhằm quảng bá tiềm năng của khu vực Mekong tới cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Hội nghị mang đến những ý tưởng sáng tạo và cơ hội hợp tác mới giữa các tập đoàn hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp uy tín của khu vực, góp phần thu hút luồng vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường kết nối tại khu vực Mekong.

Những điểm tương đồng giữa các nước trong khu vực đã chỉ ra thế mạnh và điểm yếu của các nước. Nếu lợi thế của Việt Nam là tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, vị trí địa chính trị... các nước trong cả hai cơ chế cũng vậy. Vấn đề là, lợi thế ấy đang bớt lợi, điểm mạnh ấy sắp không còn mạnh như trước.

Thủ tướng Nguyễn?Xuân Phúc chủ trì cuộc họp báo quốc tế về kết quả các Hội nghị ACMECS, CLMV, WEF-Mekong, ngày 26/10, tại Hà Nội.­

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có những trăn trở rất tâm huyết tại Hội nghị rằng, doanh nghiệp vui mừng với tốc độ phát triển hàng đầu thế giới của ASEAN, CLMV, ACMECS những năm qua. Song, ai cũng hiểu rằng, thành tựu đó không chỉ đến từ những nỗ lực mà còn có những nguyên nhân từ việc khai thác những lợi thế tự có như tài nguyên, nguồn lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp cộng với lợi thế của nước đi sau.

Có thể thấy, các nước trong CLMV hay ACMECS đều có xuất phát điểm tương đối thấp so với nhiều nước ASEAN khác trong bối cảnh xu thế chuyển dịch mạnh mẽ của các “công xưởng thế giới” từ các nền kinh tế có chi phí cao hơn sang các nền kinh tế có chi phí rẻ hơn. Và, CLMV hay ACMECS là một điểm đến. Dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp cũng hiểu sâu sắc rằng những lợi thế này sẽ giảm mạnh trong thời gian tới dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do vậy, chuyển đổi cơ cấu, thay đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khởi nghiệp phát triển doanh nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo sẽ phải là con đường đi tất yếu. Thậm chí, con đường đó không chỉ dành cho doanh nghiệp mà còn dành cho Chính phủ các quốc gia trong khu vực trong nền kinh tế thế giới ở tương lai gần.

Dòng sông Mekong gắn bó các nước trong CLMV, ACMECS.  Ông Lộc say sưa: “Chúng ta có nhiều lợi thế, đặc sắc về nông nghiệp và du lịch, có tiềm năng trở thành bếp ăn, nơi nghỉ dưỡng và trải nghiệm của thế giới với nền văn minh lúa nước, tín ngưỡng tâm linh phật giáo, thiên nhiên hoang sơ, bãi biển đầy nắng và gió, kết nối và hợp tác về nông nghiệp, du lịch tạo ra các giá trị vùng sông Mekong mà sáng kiến Khung hành động “năm quốc gia, một điểm đến” do cộng đồng doanh nghiệp đề xuất có thể là một hướng đi quan trọng”.

Ý tưởng này cũng đã được lãnh đạo chính phủ các nước nhấn mạnh trong các phát biểu tại Lễ khai mạc ngày 26/10. Quả thực, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mang lại những cơ hội to lớn cho các nền kinh tế đi sau và cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Lộc mạnh dạn chia sẻ đề nghị các nước trong khu vực hãy đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, cải cách thể chế tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn.

“Chúng tôi cũng đề nghị các tập đoàn xuyên quốc gia, các đối tác phát triển hãy hợp tác với Chính phủ trong khu vực, dành nhiều nguồn lực hơn cho Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực và khả năng kết nối của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để các doanh nghiệp này không bị tụt lại đằng sau mà còn trở thành động lực dẫn dắt khu vực phát triển trong thời gian tới. Phát triển công bằng sáng tạo bền vững là như vậy”, ông nói thêm. Và chắc chắn, cộng đồng doanh nghiệp CLMV và ACMECS sẽ tập trung nỗ lực phát triển theo hướng đi đó – một hướng đi đúng, hợp xu thế.

Có thể nói, Sáng kiến và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ các nước ACMECS và CLMV trong việc tổ chức lần đầu tiên Diễn đàn KTTG bàn về sự phát triển của tiểu vùng sông Mekong và tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và các đối tác phát triển tại Hội nghị Cấp cao các nhà lãnh đạo của CLMV và ACMECS lần này là điểm sáng, được đánh giá cao dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp. Việc tăng cường đối thoại để các Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, sáng kiến và kế hoạch hành động của các doanh nghiệp, để có thể mở đường, hậu thuẫn cho những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ cho các nền kinh tế trong CLMV, ACMECS và rộng hơn là của ASEAN trong thời gian tới.

“Hy vọng rằng, 5 nước tham gia Hội nghị lần này sẽ phát triển như năm cánh của một ngôi sao sáng, bay lên trên bầu trời khu vực” là lời kết trong bài phát biểu của ông Lộc, một kết luận khá hoa mỹ, nhưng hoàn toàn có cơ sở để biến thành hiện thực.