📞

Hãy nhìn văn hóa dân gian như một dòng chảy!

08:00 | 10/09/2016
Trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ mới có thêm niềm tin rằng: Văn hóa dân gian vẫn đang sống một cách mạnh mẽ cùng đời sống hiện đại.

Lý do khiến ông gắn bó lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian?

Tôi đến với môn Văn học dân gian rất tình cờ là được phân công giảng dạy. Có thể nói, lĩnh vực này đã chọn tôi trước để rồi tôi đam mê và theo đuổi nó suốt hơn 40 năm qua.

Giữa nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, ông dường như lại người chạy về quá khứ. Điều đó có khiến ông gặp khó khăn gì không?

Lâu nay, nhiều người cứ nhìn văn hóa dân gian là cũ, là quá khứ hay đứng yên một chỗ. Cần nhìn nó như một dòng chảy mạnh mẽ cùng với cuộc sống hiện tại. Hãy xem các giá trị về hát quan họ, hát xẩm, hát xoan, hát ví giặm… đang được thế giới và Việt Nam nâng niu đến thế nào. Hay như chầu văn và hầu đồng đang được quan tâm một cách sâu sắc và ngày càng phổ biến trong đời sống nhân dân.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ. (Nguồn: Hội Nhà báo)

Tôi hay bắt gặp câu hỏi phải so sánh về văn hóa dân gian xưa và nay. Người ta cứ mặc định rằng, ngày xưa thì tốt, còn bây giờ thì không được tốt như trước. Suy nghĩ này hơi cực đoan và cần phải thay đổi. Thực tế, có nhiều loại hình văn hóa dân gian đã được đúc kết qua một thời gian dài và vẫn không ngừng được sáng tạo để ngày càng hoàn thiện. Có thể kể đến như hát quan họ, vì vốn dĩ không có loại hình biểu diễn sân khấu, nên không có trang phục biểu diễn riêng. Đến năm 1971 mới có ý tưởng về việc sáng tạo một bộ trang phục riêng dành cho hát quan họ mà chúng ta thấy ngày nay.

Vậy theo ông, chúng ta nên tiếp nhận văn hóa dân gian theo hướng nào để phát huy hiệu quả giá trị của nó?

Tôi cho nghĩ văn hóa dân gian cần được “thấu hiểu – bảo tồn – phổ biến - diễn xướng”. Đương nhiên, trong quá trình này, nó phải chịu theo quy luật đào thải của tự nhiên, tức là những gì là hồn cốt, là tốt đẹp sẽ được giữ lại, còn những gì chưa đẹp sẽ tự bị mất đi.

Công việc này giống như thành lập một ngân hàng di truyền về các giá trị văn hóa, chúng ta cần tìm ra gene phù hợp để phát triển, sáng tạo thành các thể loại diễn xướng mới, rồi phổ biến cho mọi người trong xã hội. Nếu các giá trị mới này được mọi người chấp nhận, tức là chúng ta đã thành công. 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ sinh năm 1955. Ông từng là giảng viên bộ môn Văn học dân gian, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu lĩnh vực văn hóa dân gian và xuất hiện trên các diễn đàn của truyền thông về lĩnh vực này.

Như vậy, chúng ta phải giữ gìn các nét văn hóa một cách có chọn lọc?

Theo ý kiến của tôi là không thể lấy nguyên một phong tục, tập quán hay nét văn hóa nào từ cách đây hàng trăm năm để áp vào xã hội hiện đại được. Qua từng thời kì, sẽ có sự khác biệt về phong cách, lối sống, suy nghĩ, vì thế văn hóa cũng sẽ thay đổi theo. Ví dụ trong lĩnh vực hát xẩm, nổi tiếng nhất là nghệ nhân Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là Nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX. Tuy nhiên, các “hậu duệ” của bà khi được truyền dạy về kỹ thuật hát, họ đã cảm nhận và học hỏi theo một cách riêng, tạo ra phong cách hát xẩm riêng của từng người.

Vậy ông nghĩ gì về những hình thức làm mới văn hóa dân gian, trong đó có cả những biến tướng?

Tôi nghĩ, trong bất kỳ hình thức làm mới nào cũng phải giữ nguyên giá trị chân - thiện – mỹ và lấy đây làm chuẩn và cái gốc để phát triển. Còn những biến tướng của các lễ hội dân gian hiện nay sẽ không bền và sẽ nhanh chóng bị mất đi bởi nó sẽ bị xã hội lên án và bài trừ. Chúng ta có thể thay thế một phong tục không đẹp bằng một hình thức nhân văn khác…

Ví dụ như hồi đầu năm nay, tôi tham gia tổ chức Lễ hội chùa Hoằng Phúc ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Lần đầu tiên được tổ chức, nhưng Lễ hội đã thu hút hàng nghìn người từ khắp các nơi trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Du khách đã tham gia cầu an với nhiều hoạt động như lễ rước nước, lễ phóng sinh, lễ nhà chùa, thuyết pháp, lễ thả hoa đăng và phát lộc của nhà chùa, các trò chơi dân gian...

Lễ hội dân gian tại chùa Hoằng Phúc, Quảng Bình. (Nguồn: YouTube)

Như ông nói thì văn hóa dân gian sẽ phát triển và biến chuyển cùng với đời sống hiện đại. Vậy tại sao hiện nay chúng ta chưa khai thác tốt được chất liệu này giống như nhà làm phim của Hàn Quốc, Nhật Bản?

Chúng ta chưa làm tốt được điều này bởi có thể chúng ta chưa sáng tạo, thiếu kịch bản tốt, phù hợp hoặc đôi khi sáng tạo lại phải qua nhiều khâu kiểm duyệt phức tạp khác. Kho tàng lịch sử cùng giá trị văn hóa đặc sắc Việt Nam không thua kém gì các nước, nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác được tiềm năng này. Tôi thực sự mong muốn, trong tương lai, khi những người con gọi điện về nhà hỏi thăm mẹ thì các bà mẹ Việt Nam sẽ trả lời rằng “mẹ đang xem phim Việt Nam” chứ không phải “mẹ đang xem phim Hàn Quốc” như hiện nay.

Vậy chúng ta phải làm gì để thu hút giới trẻ quan tâm đến nghệ thuật truyền thống như đi xem chèo, tuồng, cũng như cảm nhận được cái hay cái đẹp của văn hóa dân gian, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng cứ làm hay và chất lượng thì sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”. Tôi luôn tin vào giới trẻ hiện nay, bởi họ có trình độ nhận thức và hiểu được nên giữ lấy cái gì là cốt lõi của văn hóa dân tộc.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)