Phát biểu tại căn cứ không quân cũ Deveselu, nơi đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trên, Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói: "Hệ thống này sẽ tăng cường đáng kể năng lực bảo vệ cho các đồng minh châu Âu trước tên lửa đạn đạo từ bên ngoài khu vực châu Âu - Đại Tây Dương".
Hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS Ashore của Mỹ đặt tại Romania. (Nguồn: MDA) |
Cũng tại sự kiện trên, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa mới tại Deveselu sẽ tăng "cả chất và lượng cho năng lực phòng vệ tên lửa đạn đạo của NATO và tăng cường các khả năng phòng thủ".
Trong một diễn biến khác có liên quan, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này sẵn sàng hợp tác với NATO "trên nguyên tắc bình đẳng", kể cả khi liên minh quân sự này tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực Đông Âu.
Khu vực đặt hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS Ashore của Mỹ đặt tại căn cứ Deveselu. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh đối thoại, song chỉ với điều kiện duy nhất. Đó là cuộc đối thoại sẽ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và quan tâm tới lợi ích của mỗi bên".
Ngoài ra, bà Zakharova cũng nêu quan ngại của Nga về những nguy cơ đối với sự ổn định chiến lược và an ninh quốc tế tới từ việc triển khai đơn phương và không hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ tại châu Âu.
Trước đó, ngày 11/5, RIA (Nga) cho biết Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ những khẳng định rằng chương trình tên lửa của Iran là mối đe dọa với các đối tác của Mỹ trong NATO. Quan điểm trên được đưa ra ngay khi NATO tiến hành kích hoạt Hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Romania vào ngày 12/5 với lý do "bảo vệ NATO" trước "sự gia tăng chương trình hạt nhân của Iran".