Tiếp nối thành công của chiến dịch giải cứu đưa hơn 1.500 công dân từ vùng chiến sự phía Bắc Myanmar về nước vào những ngày cuối cùng của năm 2023, từ đầu năm 2024, công tác bảo hộ công dân được Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát sao và thực hiện quyết liệt, công dân gặp khó khăn ở nước ngoài được hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
Các công dân Việt Nam bị lừa, cưỡng bức lao động tại Campuchia được bàn giao về Việt Nam, tháng 3/2024. (Ảnh: TTXVN phát) |
Khối lượng lớn, thách thức khó lường
Theo thống kê của Bộ Công an, từ ngày 15/12/2023 đến 14/6/2024 có hơn 5,5 triệu lượt người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài. Việc gia tăng số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài với các mục đích, hình thức khác nhau cho thấy mức độ hội nhập cao, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng khiến khối lượng và tính chất phức tạp của công tác bảo hộ công dân gia tăng.
Mặt khác, bối cảnh thế giới có nhiều điểm nóng đang hiện hữu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến việc triển khai công tác bảo hộ công dân hiện nay đối mặt nhiều khó khăn, phức tạp.
Xung đột, giao tranh kéo dài và leo thang tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó nổi bật là hai điểm nóng thường trực là xung đột Nga-Ukraine và xung đột tại khu vực Trung Đông, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án để kịp thời bảo hộ công dân trong các diễn biến khó lường, thậm chí khủng hoảng.
Trong khi đó, tình trạng công dân làm việc bất hợp pháp tại các cơ sở cờ bạc, trò chơi trực tuyến ở một số nước Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp. Tỷ lệ công dân, người lao động Việt Nam vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp ở khu vực Đông Bắc Á còn ở mức cao.
Bên cạnh đó, nhiều công dân Việt Nam bất chấp nguy hiểm, di cư bất hợp pháp sang các nước châu Âu và Bắc Mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính mạng, tài sản. Đáng chú ý, tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài còn diễn biến phức tạp, các Cơ quan đại diện cần tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, bảo hộ ngư dân, tàu cá Việt Nam bị bắt giữ, xử lý trên biển.
Tất cả tình hình phức tạp, không ngừng biến chuyển trên toàn thế giới đặt ra những thách thức to lớn, khó lường cho công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đòi hỏi các Cơ quan đại diện luôn ở trạng thái “trực chiến”.
Trong 6 tháng đầu năm, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại những địa bàn liên quan đã hỗ trợ đưa về nước khoảng 600 công dân bị phía nước ngoài trục xuất do lao động bất hợp pháp tại các cơ sở cờ bạc, trò chơi trực tuyến. |
Lắng nghe và hành động
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”. Trên cơ sở đó, công tác bảo hộ công dân được xác định là một trong những công tác quan trọng của Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Thấy khó không nản, thấy gian nan không lùi, thời gian qua, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đã được triển khai hiệu quả, đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là đã xử lý tốt các vụ việc nghiêm trọng, xảy ra trên quy mô lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của công dân Việt Nam ở nước ngoài, được dư luận trong và ngoài nước công nhận, đánh giá cao, thể hiện trách nhiệm, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta đối với công dân Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục Lãnh sự Doãn Hoàng Minh, những nỗ lực bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài được khắc họa một cách rõ nét qua một số kết quả nổi bật trong bức tranh công tác bảo hộ công dân đã triển khai từ đầu năm 2024.
Đối với các điểm nóng tại Nga-Ukraine và khu vực Trung Đông, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại các khu vực này chủ động trong công tác bảo hộ công dân, theo dõi sát tình hình công dân tại sở tại, có khuyến cáo kịp thời và phù hợp với từng thời điểm, xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các phương án hỗ trợ sơ tán công dân ra khỏi khu vực chiến sự trong trường hợp cần thiết.
Cán bộ lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và ba thuyền viên an toàn trong vụ tàu True Confidence bị tấn công tại sân bay Djibouti khởi hành về Việt Nam, ngày 13/3/2024. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập) |
Đáng chú ý là vụ việc đáng buồn xảy ra ngày 6/3/2024, tàu hàng M/V True Confidence bị tập kích tên lửa và bốc cháy ngoài khơi Yemen khiến ba người thiệt mạng và nhiều người bị thương, trong thủy thủ đoàn có bốn thuyền viên Việt Nam, một thuyền viên đã tử vong. Trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng cho biết, ngay khi nhận được thông tin, Đại sứ và cán bộ lãnh sự đã họp khẩn, xây dựng chi tiết các phương án bảo hộ công dân trên tinh thần khẩn trương phục vụ, trách nhiệm cũng như tình cảm đồng bào thân thiết. Trong tình hình khu vực hết sức căng thẳng vì nội chiến, xung đột, đây là sự kiện bảo hộ công dân thứ hai mà Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Djibouti phải xử lý.
Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị, nữ cán bộ lãnh sự trẻ lập tức lên đường đi Djibouti thực hiện bảo hộ công dân tại chỗ, phối hợp với Đại sứ trực tiếp làm thủ tục từ Ai Cập cùng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia (kiêm nhiệm Yemen) và Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, để hỗ trợ đưa ba thuyền viên và thi hài của thuyền viên tử vong về nước, gửi lời chia buồn tới gia đình thuyền viên tử nạn.
Những nỗ lực bảo hộ công dân đã thu về kết quả xứng đáng. Cho đến nay, Việt Nam là nước duy nhất có thể bảo hộ trọn vẹn công dân trong vụ việc này, trong đó có việc hồi hương thi thể nạn nhân tử vong. Kết quả này đã được các nạn nhân và gia đình đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn sâu sắc Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán.
Theo Cục trưởng Doãn Hoàng Minh, từ đầu năm đến nay, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao tiếp nhận nhiều đơn thư đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ công dân ở nước ngoài, số lượng công dân Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại các cơ sở cờ bạc của một số nước trong khu vực vẫn còn tương đối lớn. Trước thực trạng trên, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao cùng với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn theo dõi sát tình hình, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, triển khai ngay các công tác xác minh, giải cứu khi nhận được thông tin từ cơ quan chức năng trong nước, từ gia đình, người thân của công dân thông qua trao đổi, làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng nước sở tại cũng như trong nước và các tổ chức có liên quan nhằm kịp thời bảo hộ, hỗ trợ và đưa công dân về nước.
Dù thực tế gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận, xử lý nhưng thời gian qua, công tác này được triển khai hết sức tích cực và kịp thời, với tinh thần trách nhiệm rất cao và hơn hết là xuất phát từ sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc với những tổn thương mà công dân đã phải trải qua.
Lắng nghe và hành động hiệu quả, trong 6 tháng đầu năm, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại những địa bàn liên quan đã hỗ trợ đưa về nước khoảng 600 công dân bị phía nước ngoài trục xuất do lao động bất hợp pháp tại các cơ sở cờ bạc, trò chơi trực tuyến. Nhiều người trong số đó là nạn nhân của lừa đảo và cưỡng bức lao động. Mỗi thông tin một công dân hay một nhóm công dân an toàn trở về nước đoàn tụ cùng gia đình là niềm vui chung của các cơ quan phối hợp liên ngành, là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh để những cán bộ làm công tác bảo hộ công dân tiếp tục “trực chiến”.
Nửa đầu năm 2024, tỷ lệ công dân Việt Nam vi phạm các quy định về lao động cư trú tại một số địa bàn có đông công dân Việt Nam đi học tập, lao động theo hợp đồng, mặc dù đã giảm đáng kể so với những năm trước đây, nhưng vẫn ở mức cao so với các nước khác. Ngoài việc xử lý các vụ việc đã phát sinh, các Cơ quan đại diện Việt Nam cũng đã thông qua các Hội đoàn người Việt ở sở tại, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chấp hành pháp luật sở tại, phát hiện sớm các vấn đề có thể trở thành điểm nóng trong cộng đồng.
Bức tranh công tác bảo hộ công dân 6 tháng đầu năm 2024 khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng nỗ lực triển khai công tác này vẫn đang tiếp diễn. Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, song với sự chỉ đạo sát sao, tinh thần trách nhiệm, chủ động, kịp thời của các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và tinh thần hết lòng phụng sự của các cán bộ, tin tưởng rằng công tác bảo hộ công dân sẽ ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, trở thành chỗ dựa vững chãi, chở che công dân Việt Nam ở nơi đất khách quê người.