Hút thuốc lá điện tử vẫn sẽ gây hại tới sức khỏe con người. (Nguồn: Getty Images) |
Các quan chức Mỹ cũng đang điều tra gần 200 trường hợp phải nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử ở 22 tiểu bang.
Theo thống kê của CDC, hiện có khoảng 10,8 triệu người trưởng thành Mỹ đang sử dụng vape và hơn một nửa dưới 35 tuổi. Ước tính, cứ ba người dùng thì có một người đang sử dụng ở mức hàng ngày.
Cơ chế hoạt động của thuốc lá điện tử là biến chất lỏng có chứa nicotine và chất tạo mùi (hay còn gọi là tinh dầu) thành hơi nước để người dùng hút. Loại thuốc lá này vốn được coi là một biện pháp thay thế ít nguy hiểm hơn thuốc lá thường. Thậm chí, trên thị trường còn xuất hiện một số loại tinh dầu có chứa tinh chất cần sa.
Các chuyên gia sức khỏe nhận định, dù ít nguy hiểm hơn nhưng không có nghĩa là người sử dụng sẽ không gặp nguy cơ bị các bệnh liên quan đến hô hấp bởi chất nicotine trong khói thuốc vốn có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với người trẻ tuổi. Ngoài một số hàm lượng nicotine trong khói thuốc lá điện tử không được tiêu chuẩn hóa hay vượt mức cho phép, khói thuốc thải ra từ thuốc lá điện tử có thể chứa các chất có hại khác như Formaldehyd, Propylene glycol và Glycerin.
Từ lâu, thuốc lá điện tử vẫn được bày bán công khai tại Mỹ và nhiều quốc gia nhưng gần đây đang trở thành đề tài gây tranh cãi khi liên tiếp có trường hợp phải nhập viện vì những bệnh liên quan tới thuốc lá điện tử, thậm chí tử vong.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân chính xác khiến thuốc lá điện tử gây hại cho người dùng. Nhiều khả năng ngoài nicotine, các chất hóa học có trong các loại tinh dầu có thể là thủ phạm. Dù CDC cho biết đã tìm thấy mức độ cao của loại hóa chất vitamin E acetate trong gần như tất cả sản phẩm thuốc lá điện tử có cần sa mà họ thử nghiệm, nhưng vẫn chưa thể đưa ra được kết luận chính xác.
Lo ngại trước tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe người dùng, hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ đã bắt đầu cấm bán các sản phẩm tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử.
Michigan là bang đầu tiên của Mỹ áp dụng biện pháp mạnh tay với thuốc lá điện tử khi đưa ra quy định cấm bán các sản phẩm thay thế và tinh dầu thơm chứa nicotine dành cho thuốc lá điện tử tại các cửa hàng bán lẻ hay cửa hàng trực tuyến. Ngoài ra, chính quyền bang cũng đưa ra lệnh cấm tiếp thị sai lệch về các sản phẩm thuốc lá điện tử, bao gồm cả việc sử dụng các thuật ngữ như “sạch”, “an toàn” hay “lành mạnh”.