Gian lận điểm thi, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em, thực phẩm bẩn vào trường học… đang là những câu chuyện đương thời mà người ta bàn ở mọi lúc mọi nơi. Ông nghĩ gì về thực trạng này?
Tôi nghĩ mọi thứ đang ở “đỉnh điểm” của nó, theo chu kỳ. Nếu mỗi sự kiện được biểu thị bằng biểu đồ hình Sin thì hiện tại, các vấn đề bạn nêu, nó đang ở đỉnh.
Tôi ví dụ, chuyện nâng điểm thi lâu nay vẫn có, nhưng chưa bao giờ nó trở nên trầm trọng và vi phạm ở mức cực kỳ hệ trọng như thế này. Không thể tin được có những thí sinh điểm thực 3 môn chỉ là 01 điểm mà điểm công bố đầu vào đại hội gần 30 điểm. Đó là một sự gian dối quá mức, không thể chấp nhận được. Và không chỉ một trường hợp mà mấy chục thí sinh được nâng điểm bị lôi ra ánh sáng cho thấy tham nhũng trong môi trường giáo dục ở hình thái này đã lên đến cực điểm.
Các vấn đề khác cũng vậy, đặc biệt là nạn dâm ô trẻ em, bạo lực học đường,… đang ngày càng gia tăng đến mức báo động, vượt qua mọi giới hạn, nguyên tắc của đạo đức, của pháp luật trở thành những vấn đề vô cùng nóng bỏng trong đời sống xã hội.
Nhà báo Ngô Bá Lục. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Những “lỗ hổng” của những hành vi này đang khiến nhiều người hoang mang về môi trường giáo dục ở Việt Nam. Tại sao đây vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”?
Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là vấn đề về hình thức xử lý các sai phạm. Đó là các mức phạt quá nhẹ không đủ sức răn đe. Chúng ta có thể thấy những vụ giáo viên dâm ô học sinh, bạo lực học đường diễn ra vô cùng tàn bạo nhưng xử lý lại mang nhiều tính vị tha hơn là sự nghiêm khắc. Đồng ý rằng, bản chất của luật pháp Việt Nam là nhân văn, nhưng xã hội ngày càng phát triển, đời sống ngày càng có nhiều mối nguy hại từ môi trường “mở” và rất dễ nảy sinh cái xấu như hiện nay thì cần phải xử lý nghiêm khắc hơn. Thậm chí chúng ta cần phải sửa Luật để phù hợp với đời sống hiện tại.
Với vấn đề thi cử, theo tôi, việc thay đổi hình thức thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào đại học như hiện nay đã gây ra nhiều hệ luỵ, bài học là vụ án nâng điểm thi rúng động xã hội mà báo chí, truyền thông, mạng xã hội phản ánh suốt thời gian qua, chưa kể hệ luỵ từ việc này tác động đến những em thí sinh lẽ ra đỗ hoá thành trượt… Điều đó sẽ để lại hậu quả rất lớn trong suy nghĩ của các em và sự mất lòng tin của cộng đồng.
Một xã hội muốn bình yên thì những kẻ vi phạm cần phải được xử lý thật nghiêm khắc. Bài học từ vở kịch Đêm Trắng, đó là sự nghiêm khắc, nghiêm minh của Bác Hồ trong việc xử lý sai phạm cán bộ lãnh đạo đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chỉ khi nào những người thực thi pháp luật xử lý mọi vụ việc một cách nghiêm khắc nhất, khi ấy Luật pháp mới có tính răn đe mạnh, đẩy lùi cái xấu, cái ác trong xã hội.
Nhiều học sinh có thể sẽ mất niềm tin vào vấn đề thi cử. (Nguồn: Áo trắng) |
Theo ông, ai sẽ là người gánh hậu quả nặng nề nhất từ những hiện tượng tiêu cực trên?
Tôi cho rằng, điều đáng phải suy nghĩ là giới trẻ sẽ nghĩ gì? Họ còn có niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật? Họ còn có niềm tin vào vấn đề thi cử?... Và, nếu như mất niềm tin, liệu họ có còn thực sự muốn cống hiến cho xã hội, hoặc ít nhất là làm tốt bổn phận của mình. Một thế hệ mà mất niềm tin và sống đầy hoài nghi sẽ vô cùng nguy hiểm.
Nếu có thể gợi ý giải pháp nào đó tích cực hơn, ông cho rằng chúng ta phải làm gì?
Tôi nghĩ ở góc độ quản lý, chúng ta nên có những chế tài phù hợp hơn, thậm chí phải sửa luật. Như là việc định nghĩa cụ thể các hành vi dâm ô, kết tội hình sự đối với những vụ học sinh đánh bạn hội đồng một cách dã man… Chúng ta cần khẩn trương chỉnh sửa những kẽ hở hoặc những yếu tố đã lỗi thời, không còn phù hợp trong các bộ Luật. Có như thế, “đánh trống” xong mới có tác dụng.
Hiện nay, sức mạnh của cộng đồng mạng là điều không thể chối cãi. Chính sức ép của dư luận đã khiến nhiều vụ án sớm được điều tra, phân xử nghiêm minh trước pháp luật. Tuy nhiên như tôi đã nói, sức mạnh của cộng đồng sẽ chỉ tạo nên sức ép, còn việc xử các vụ án lại thuộc công việc của Pháp Luật, cho nên Luật pháp vẫn là cơ quan duy nhất có thể đưa ra các hình thức xử lý đối với người phạm tội.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng cần thiết phải xây dựng các học phần cho học sinh ở các cấp, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, những hoạt động ngoại khoá, thậm chí chỉnh sửa nội dung, bổ sung những kiến thức căn bản về giáo dục giới tính cho trẻ em từ cấp tiểu học, giáo dục công dân cũng được tăng thời lượng và cải cách việc dạy và học để học sinh tiếp thu dễ dàng và hiệu quả hơn.
Hiện nay, những thông tin tiêu cực đang lan tràn trên mạng tác động không ít đến môi trường giáo dục ở nước ta. Vậy theo ông, phải chủ động tạo ra những trào lưu và hành động tích cực cho giới trẻ bằng cách nào?
Có thể nói, sự phát triển vũ bão của mạng xã hội đã khiến ngành Giáo dục không theo kịp, kéo theo rất nhiều hệ luỵ cho giới trẻ đặc biệt là sinh viên, học sinh. Công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích cho con người nhưng mặt trái của nó cũng thực sự khủng khiếp.
Mạng xã hội mang lại nhiều điều tích cực, nhưng trong đó cũng nhiều thông tin tiêu cực, việc quan trọng nhất là tạo cho giới trẻ một cái “màng lọc” thật sự hữu hiệu. Những điều đó không phải lớn lên mới trang bị, mà ngay từ nhỏ, những đứa trẻ đã cần phải được hướng dẫn, định hướng, dạy bảo những điều thực tế khi sử dụng mạng Internet. Nhà trường nên đưa các giáo trình, các buổi nói chuyện, hoạt động ngoại khoá liên quan đến việc sử dụng internet để các em có những kiến thức căn bản và thực tế trong việc hoà nhập với môi trường Internet rộng lớn đầy ích lợi, nhưng cũng không ít cạm bẫy như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!