Từ thực trạng bạo lực tuổi vị thành niên, cần thiết dạy trẻ kỹ năng làm chủ bản thân. (Ảnh minh họa) |
Liên tiếp những sự việc bạo lực ở tuổi vị thành niên xảy ra gây hoang mang dư luận. Nhiều vụ việc tưởng chừng như đơn giản lại bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ nhưng hệ lụy lại rất lớn.
Có thể nói, bạo lực học đường ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, tăng các nguy cơ rối loạn, lo âu, trầm cảm và làm giảm sự tự tin của học sinh vào bản thân. Các tác động không chỉ nhất thời mà còn lâu dài, tiềm ẩn mối nguy về các rối loạn như trầm cảm. Trong nhiều nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của học sinh trên thế giới gần như đều đề cập các trải nghiệm bạo lực, bắt nạt học đường. Đặc biệt, thời nay với Internet và mạng xã hội, hiện tượng này được nhìn nhận và ghi lại nhiều hơn.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng bạo lực ở trẻ đến từ việc các em đang ở tuổi bồng bột, khao khát thể hiện mình. Tuy nhiên, môi trường sống với nhiều yếu tố bất lợi đang tác động đến trẻ. Ngoài ra, ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực, đồi trụy, các trò chơi game online cùng với lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, đề cao giá trị đồng tiền... mà trẻ chứng kiến trong gia đình hay ở ngoài cộng đồng dân cư, là những tác nhân nguy hại đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ.
Tin liên quan |
Bạo lực tuổi vị thành niên: Ngăn chặn bạo lực phải bắt đầu từ gia đình |
Nói về vấn nạn bạo lực tuổi vị thành niên, Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an nhận định, thời gian qua, dù ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng ngăn chặn, kiềm chế vấn nạn bạo lực học đường bằng nhiều giải pháp. Tuy nhiên, những vụ việc bạo lực, bạo hành trong nhà trường hoặc bên ngoài khuôn viên trường học vẫn xảy ra. Điều đáng nói, có những vụ rất nghiêm trọng, gây ra những tổn thương về thể chất và tinh thần đối với nạn nhân, tác động xấu đến chất lượng công tác giáo dục, môi trường sư phạm, gây lo lắng, bất an, bức xúc trong dư luận xã hội.
Trẻ có xu hướng sẽ bảo vệ lợi ích, cái tôi của mình bằng mọi giá, ưu tiên dùng vũ lực, theo cách mà chúng thường nhìn thấy trên trò chơi, phim ảnh bạo lực. Đây chính là nguyên nhân tâm lý xã hội của tình trạng trẻ hóa tội phạm. Khi đã bị tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu, lại thiếu đi sự quan tâm, dạy dỗ của cha mẹ, bị lôi kéo bởi các nhóm xã hội xấu, trẻ rất dễ trượt dốc, có những hành vi ngược lại các chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Bởi khi người thân không định hướng hành vi đúng cho con, con sẽ giải quyết theo cảm tính. Do vậy, vai trò giáo dục trong gia đình rất quan trọng.
Trong khi đó, PGS. TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) cho rằng, khi bước vào giai đoạn dậy thì, đứng trước những thay đổi về sinh lý cơ thể và bất ổn về tâm lý, trẻ rất cần sự quan tâm, chỉ bảo và giám sát của người lớn. Cha mẹ và giáo viên nên quan tâm và dành thời gian hơn cho trẻ lúc này. Nhưng thực tế cho thấy, đây là thời điểm cha mẹ buông lỏng việc quản lý con cái nhiều nhất.
Đặc biệt, đối với phụ huynh có con với nhiều vấn đề hành vi và thất bại học đường, vì quá mệt mỏi sau nhiều năm quản lý hà khắc mà không có kết quả, cha mẹ đến thời điểm này thường buông xuôi, mặc kệ cho con muốn làm gì thì làm.
Ông Nam nhận định, trẻ có thể phản ứng theo 2 cách. Thứ nhất là thu mình lại, đè nén các cảm xúc tiêu cực để rồi bùng nổ khi có một kích thích quá ngưỡng. Thứ hai, đi tìm những đứa trẻ cùng cảnh ngộ để kết thành những băng nhóm.
Hơn nữa, môi trường mạng xã hội và truyền thông hiện nay cũng ngập tràn bạo lực. Người ta cho rằng, vào khung giờ vàng trên ti vi, trẻ mỗi giờ xem khoảng từ 5 đến 6 cảnh bạo lực và khoảng 90% “thực đơn” chương trình ti vi cho trẻ em đều có chứa các yếu tố bạo lực ở khía cạnh này hoặc khác. Những nhân vật sử dụng bạo lực trên ti vi lại thường là các anh hùng như Siêu nhân, người Dơi, người Nhện làm cho trẻ xem bạo lực là điều phải làm ở những anh hùng.
Có thể nói việc tiếp xúc nhiều cảnh bạo lực ồ ạt trên ti vi, phim ảnh, Internet và video game trong một khoảng thời gian dài dẫn đến quy tắc ứng xử và lý trí bị tê liệt. Người xem mất phản xạ kiềm chế khiến cho hành vi bạo lực xảy ra nhiều hơn và dễ dàng hơn.
Tóm lại, những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi bạo lực bột phát trong xã hội là do những cơ chế nguyên nhân tiềm ẩn mà chúng ta chưa thực sự nhìn ra. Trong khi đó, khi con em mình bị bạo lực, cha mẹ cần giúp con mình bình tĩnh lại. Sau đó, thu thập đầy đủ thông tin bằng cách lắng nghe con và đối phương; thấu hiểu và giáo dục con, giúp con kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Nếu con có vấn đề tâm lý thì cần đưa con đi tham vấn tâm lý, tránh hoảng loạn, sang chấn tâm lý.
Trong một chia sẻ gần đây, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đưa ra 3 giải pháp căn cơ. Một là, đẩy mạnh văn hóa học đường; duy trì bền bỉ, lâu dài công tác giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, đạo đức lối sống cho học sinh trong mọi nhà trường. Chỉ khi học sinh hình thành giá trị sống vững vàng, được trang bị đầy đủ kỹ năng thì sẽ hạn chế hành vi bạo lực.
Hai là, cần đẩy mạnh hình thức xử lý hành vi bạo lực học đường. Khi học sinh gây nên hành vi bạo lực, phải để học sinh chịu trách nhiệm về hành vi mình đã gây nên trước cơ quan pháp luật.
Ba là, nhà trường đưa ra các hình thức giáo dục tiếp theo với học sinh gây nên hành vi bạo lực như đọc sách, lao động… Gia đình, nhà trường, học sinh phải cam kết không để hành vi bạo lực học đường xảy ra.
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần dạy con kỹ năng làm chủ bản thân như làm chủ cảm xúc, hành vi; học kỹ năng giao tiếp và xử lý khủng hoảng trong các mối quan hệ. Nên đề cao việc đưa các kỹ năng về quản lý bản thân, quản lý cảm xúc vào trong trường học, để bản thân học sinh nhận thức rõ ràng về trách nhiệm, thái độ của mình đối với tác động của bên ngoài cộng đồng.
Bên cạnh đó, phải có nhiều chương trình hơn nữa cho thanh thiếu niên, có thêm nhiều diễn đàn, chuyên gia tư vấn, xây dựng tình huống cụ thể để có thể hướng dẫn trẻ em. Nhà trường nên khéo léo lồng ghép tuyên truyền các quy định của pháp luật vào hoạt động của nhà trường cũng như môn học để trẻ em hiểu rõ hơn mà không vi phạm, đánh mất tương lai của mình…
| Người trẻ cần 'tôi luyện' kỹ năng làm việc để không bị lạc trong môi trường số Để hội nhập quốc tế thành công, trước tiên cần đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục ý thức hội nhập cho mỗi công dân, ... |
| Con người đón 'sóng thần' công nghệ thế kỷ XXI Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho rằng, các trường phổ thông có thể chủ động đưa trí tuệ nhân ... |
| Thanh niên cần nắm bắt thời cơ để phát triển bản thân và cống hiến Thanh niên phải nhận thức về trách nhiệm của mình cũng như nắm bắt thời cơ để phát triển bản thân và cống hiến... |
| 'Vũ khí' của thanh niên thời đại số Tinh thần tiến thân, cập nhật và tận dụng thời cơ, nâng cao trình độ năng lực trong thời đại công nghệ 4.0 chính là ... |
| TS. Trịnh Lê Anh: Để người Việt trẻ 'bơi' được trong môi trường quốc tế Bằng kinh nghiệm của mình, TS. MC Trịnh Lê Anh (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thanh niên thời ... |