Nhỏ Bình thường Lớn

Người Việt ở Đức: Một cộng đồng biết giữ gìn bản sắc

Với số lượng chiếm 1,21% dân số nước Đức (khoảng 100.000 người), người Việt là một trong những cộng đồng ngoại kiều đông nhất tại Đức hiện nay. Họ không chỉ góp phần vào sự phát triển của quốc gia sở tại, mà còn làm nên những bản sắc rất riêng cho cộng đồng của mình tại đây, trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, đến văn hóa…

Giữ gìn văn hóa

Có an cư mới lạc nghiệp - đó là tâm lý thường trực trong mỗi người VN khi xa quê. Nhưng đã “lạc nghiệp” rồi, thì chẳng ai quên quê hương bản quán của mình. Với người VN ở Erfurt, có rất nhiều cách để họ thể hiện sự gắn bó với quê nhà. Ông Nguyễn Văn Bộ - Hội trưởng Hội người Việt tại Thành phố có 1.200 người VN này cho biết, để giúp bà con luôn cảm thấy đỡ nhớ quê hương, năm nào, Hội cũng mời các đoàn ca múa nhạc từ trong nước sang biểu diễn vào các dịp lễ, Tết, hay các ngày hội lớn của giới như ngày 8/3, ngày thiếu nhi. Đặc biệt, vào những dịp như vậy, bà con không quên tổ chức quyên góp tiền và quà ủng hộ đồng bào gặp thiên tai hoạn nạn trong nước. Các hoạt động đó không chỉ thu hút bà con trong thành phố, mà cả ở các vùng lân cận tham gia.

Cũng cần phải nói thêm, ngoài các hoạt động của Hội người Việt tại Erfurt, thì mới đây, những bà con đồng hương Vĩnh Phú (khoảng 300 hộ) đã quyết định thành lập Hội đồng hương Phú Thọ. Họ đã cùng nhau ra một “nghị quyết” để ủng hộ cho sự phát triển của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Ngay sau khi ra mắt, Hội đã gửi về Quỹ vì người nghèo 2 tỉnh trên mỗi nơi 1.000 Euro. “Tôi rất mừng, vì mới đây về VN, gặp các lãnh đạo địa phương và được biết địa phương sẽ dùng tiền này để xây nhà tình nghĩa cho người nghèo”.

Không chỉ có các hoạt động hướng về người nghèo trong nước, nhiều doanh nhân “ăn nên làm ra” đã bắt đầu trở về mở các nhà máy ở trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nổi lên trong cộng đồng người Việt tại Erfurt, có thể kể đến những doanh nhân như anh chị Tuấn Anh - Tuyết, hay anh chị Hữu - Hảo. Cả hai gia đình doanh nhân này đều đã về nước lập nhà máy may mặc, mỗi cơ sở thu hút từ 500-1.000 công nhân.

“Người Việt định cư ở đây đã từ 20-30 năm, và thế hệ thứ hai, thứ ba đang ngày một trưởng thành. Khoảng 5 năm nay, thành phố tổ chức dạy tiếng Việt cho các cháu, và được chính quyền thành phố trả lương cho giáo viên dạy tiếng Việt. Chúng tôi cũng có một thư viện với khoảng 3.000 đầu sách, được mua từ tiền trợ cấp của thành phố, và có một thủ thư trực để cho bạn đọc tới đọc và mượn sách hàng ngày. Việc này đã góp phần củng cố, gìn giữ nét đẹp văn hóa VN cho người đang sống ở xa Tổ quốc”- ông Bộ nói.

Một điển hình năng động

Đó chính là Trung tâm Việt Trade ở LB Đức (viết tắt VTC). Đây là một công ty tư nhân, mang tính đa quốc gia, được thành lập chuyên lĩnh vực đáp ứng nhu cầu thông tin, giao dịch, tìm kiếm đối tác, bạn hàng cho các doanh nghiệp Đức, EU muốn xâm nhập thị trường VN và các doanh nghiệp VN muốn phát triển sang Đức, EU.

Để thoả mãn đòi hỏi của cả hai bên, VTC từng tổ chức không ít chương trình quảng bá chung cho cả VN, lẫn Đức; tìm hiểu các dự án, chế độ chính sách của phía Đức và VN liên quan đến quan hệ kinh tế hai nước, cập nhật thông tin thị trường, lưu trữ phục vụ cho chức năng của mình. Ông Nguyễn Trọng Luật, Giám đốc VTC bộc bạch “bí quyết kinh doanh” của VTC: “Là công ty tư vấn, nên công tác Marketing được chúng tôi rất coi trọng, được đặt lên hàng đầu. Làm thế nào để doanh nghiệp Đức biết đến VTC như hiện nay là bài toán khó, không dễ có ngay được đáp án khi mới thành lập. Thời kỳ đó, mặc dù ngân sách công ty còn khá eo hẹp, nhưng chúng tôi đã quyết định đầu tư vào công tác quảng bá cho doanh nghiệp, đăng ký tham dự hầu hết các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề, các diễn đàn có liên quan đến VN hoặc châu Á do Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cũng như của các hiệp hội tổ chức, như “Ngày Kinh tế VN”, “Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương”, “Diễn đàn về Cơ hội đầu tư tại VN”, “Diễn đàn Doanh nghiệp Đức-Việt”... đã được tổ chức tại nhiều thành phố khác nhau như Leipzig, Mainz, Wiesbaden, Dresden, Nurnberg, Koeln, Frankfurt, Munchen... Có những cuộc hội thảo, chúng tôi phải chạy xe liền trong ngày, tổng cộng hai chiều tới gần 1.000 km. Ngoài ra, chúng tôi còn luôn có mặt trong mọi sinh hoạt, giao lưu giữa các hiệp hội doanh nghiệp của Đức như Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (BVMW), Hiệp hội Kinh tế Đức-Châu Á (DAW), Hiệp hội Kinh tế Đức-châu Á Thái Bình Dương (OAV), Câu lạc bộ Thương gia Xing... ”

Hình ảnh về một VTC trẻ trung nhưng đầy năng động chính là niềm tự hào của cộng đồng Việt ở Đức. Cho đến nay, VTC đã ký hợp đồng tư vấn cho Einhell AG, SSI Schaefer GmbH, COMP-ANY GmbH,EuRec Technology GmbH, Oxilite, Frankfurt Messe GmbH, F. Reyher Nchfg GmbH & Co. KG, Erlangen AG, Viba-Sweets GmbH... hoặc trực tiếp đưa các đoàn doanh nghiệp Đức về VN như đoàn doanh nghiệp do ông Klaus-Peter Guttler - Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Giao thông và Phát triển bang Hessen dẫn đầu về thăm dò thị trường VN trong tháng 10/2007 hoặc đại diện của tổ chức FrankfurtRheinMain GmbH (tổ chức của chính quyền Đức, phụ trách 22 tỉnh, thành phố khu vực FrankfurtRheinMain) về VN để kêu gọi các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào khu vực FrankfurtRheinMain. Bên cạnh đó, VTC còn phối hợp với Hiệp hội BVMV, Hiệp hội DAW mời các chuyên gia có kinh nghiệm của Đức đang kinh doanh ở VN tham dự vào các diễn đàn về kinh tế VN để phổ biến kinh nghiệm của họ cho cộng đồng doanh nghiệp Đức.

Dù là việc gì, từ thiện hay xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động cộng đồng, hay học tiếng Việt... đều được kiều bào Việt Nam tại Đức chú trọng. Đó không chỉ là cách giúp cộng đồng người Việt ổn định đời sống của mình, mà còn là sợi dây giúp họ gắn bó với quê hương hơn. n

Đồng Châu