Từ trái qua phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Minh Giám, Giăng Xanh tơ ny, Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Việt Nam, Lê-ôn Pi-nhông, Cố vấn chính trị của Cao ủy Pháp ở Đông Dương và Lu-i Ca-Pui, Đại diện Đảng Xã hội Pháp ở Việt Nam. (Ảnh do ông Nguyễn Bá Khoản chụp) |
Trong bối cảnh lịch sử năm 1946, việc ký Hiệp định sơ bộ là một mẫu mực về sự nhanh nhạy trong việc đề ra và thực hiện hiệu quả sách lược ngoại giao mềm dẻo, tận dụng thời cơ, nhân nhượng có nguyên tắc mà không xa rời mục tiêu thắng lợi cuối cùng.
1. Sau cuộc gây hấn ở Sài Gòn ngày 23/9/1945, quân Pháp dựa vào sức mạnh binh lực và hỏa lực mở rộng cuộc xâm lược Đông Dương lần thứ hai, đánh chiếm dần Nam bộ, đánh lấn ra Nam Trung bộ và Trung bộ. Để có thể đưa quân ra Bắc chiếm toàn bộ Đông Dương và tránh những thiệt hại nếu xảy ra xung đột với 20 vạn quân Tưởng đang ở Bắc vĩ tuyến 16 theo Hiệp ước Posdam (7/1945), Pháp phải đạt được thỏa thuận với Trùng Khánh để có thể thực hiện việc “thay thế” quân Tưởng một cách hòa bình, bảo đảm cho việc “thay quân” được thuận lợi. Nếu không đạt được điều này, quân Tưởng ở miền Bắc Việt Nam sẽ không để Pháp đơn phương đổ quân lên Hải Phòng.
Ngày 28/2/1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký. Theo thỏa uớc này, Chính quyền Tưởng đồng ý để quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam với danh nghĩa giải giáp quân Nhật ở Bắc Đông Dương thay thế quân Tưởng. Đổi lại, Pháp có những nhân nhượng quan trọng về kinh tế và chính trị với Trùng Khánh. Về phía Tưởng, dù Hiệp định được ký nhưng các tướng lĩnh quân đội Tưởng ở Đông Dương vẫn gây khó khăn cho Pháp trong chuyện “thay quân” để đòi thêm những quyền lợi vật chất. Mặt khác, Pháp cũng buộc phải tính toán cẩn thận trước khi đưa quân ra miền Bắc Việt Nam vì muốn tránh ngọn lửa yêu nước của nhân dân Việt Nam đang bốc cao chống lại quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập mới được giành lại. Đại tướng A. Leclerc, chỉ huy tối cao quân đội Pháp tại Viễn Đông khi đó, thừa nhận: “Chúng ta đổ bộ lên, nhưng chúng ta chắc chắn phải đụng chạm với Trung Quốc - có nghĩa là sẽ gặp những khó khăn quốc tế - và trước mặt chúng ta là cả một đất nước nổi loạn còn gay go ác liệt hơn cả Nam Kỳ”1. Điều này chỉ có thể tránh bằng cách thương lượng để đạt được một thỏa thuận ngoại giao với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cả Pháp và Tưởng đều muốn dàn xếp với Chính phủ Hồ Chí Minh để quân Pháp có thể đặt chân lên miền Bắc Việt Nam một cách “yên bình”.
2. Với Hiệp ước Hoa - Pháp ngày 28/2/1946, Chính quyền cách mạng của nhân dân Việt Nam phải đương đầu với một tình thế vô cùng khó khăn, bị áp đặt từ bên ngoài. Nếu phát động chiến tranh tự vệ chống lại quân Pháp ra Bắc theo Hiệp ước này, nhân dân Việt Nam ở thế bất lợi cả về chính trị và quân sự. Đó là chưa kể tới việc có nhiều nguy cơ phải chống cả quân Tưởng vẫn còn đồn trú ở đây. Để bảo vệ Chính quyền và có thêm thời gian cho toàn dân nỗ lực chuẩn bị kháng chiến, biện pháp tốt nhất khi đó là tránh đối phó cùng một lúc với nhiều kẻ thù, nhiều nguy cơ.
Với nhãn quan chính trị sáng suốt và sự nhạy bén trước chuyển biến mau lẹ của tình hình, khi cả hai đối phương đang tìm một giải pháp có thể chấp nhận được để tránh cuộc xung đột lan rộng đều cần đến phía Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời ký Hiệp định sơ bộ vào chiều 6/3/1946 với những điều kiện có lợi nhất, phù hợp với cục diện tình hình và tương quan lực lượng. Phía Pháp chấp nhận Hiệp định vì đạt được mục tiêu đưa quân ra miền Bắc, công nhận Việt Nam là một Quốc gia tự do trong khối Liên hiệp Pháp. Phía Chính phủ Việt Nam DCCH giành được lợi thế khi biến thỏa thuận song phương Pháp - Hoa thành thỏa thuận đa phương, sử dụng điều khoản “thay quân” trong Hiệp ước Pháp - Hoa để đẩy nhanh 20 vạn quân Tưởng và lũ tay sai ra khỏi miền Bắc Việt Nam nhanh chóng mà không tốn sức, loại trừ được một kẻ thù nguy hiểm của cách mạng. Điều này làm thay đổi tương quan lực lượng theo hướng có lợi cho Chính quyền cách mạng. Nhân dân Việt Nam giành được khoảng thời gian vô cùng quý báu bất chấp việc nhiều điều khoản của Hiệp định không được phía Pháp thi hành, tập trung dồn sức để kháng chiến và kiến quốc, chuẩn bị đối phó với cuộc chiến đấu đang đến gần.
3. Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam DCCH. Bản Hiệp định quan trọng này đã tạo cơ sở pháp lý quốc tế cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam sau đó, mở ra những cơ hội, mở rộng khuôn khổ của những cuộc tiếp xúc Việt - Pháp: Hội nghị trù bị Đà Lạt từ ngày 19/4 - 11/5/1946, Hội nghị Fontainebleau từ ngày 6/7 - 1/8/1946, chuyến thăm Pháp của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam từ ngày 25/4 - 16/5/1946, chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tạm ước 14/9/1946... Qua những hoạt động này, mặt trận đấu tranh ngoại giao được mở rộng, dư luận Pháp hiểu biết hơn về tình hình Việt Nam và quan hệ Pháp - Việt, chúng ta cũng tranh thủ thêm được thời gian để chuẩn bị lực lượng, đối phó với những âm mưu và hành động phá hoại Hiệp định sơ bộ của giới cầm quyền hiếu chiến Pháp.
Hiệp định sơ bộ cũng chứng tỏ tầm nhìn xa sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lúc có nhiều giọng điệu yêu nước giả hiệu, la lối “đánh hay là chết” để kích động một bộ phận quần chúng còn chưa hiểu rõ tình thế. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, “Phải cân nhắc kỹ lợi hại, chọn cái nào ít hại nhất mà làm. Phải làm như thế không thì bị kẹp cả hai phía: bọn Pháp và bọn Quốc dân đảng”.2
Trong thương lượng, không thể đạt được những gì mình muốn mà không trao cho đối phương một phần những thứ họ cần. Trong bối cảnh lịch sử đầy gian nan đầu năm 1946, việc ký Hiệp định sơ bộ là một quyết định sáng suốt, một mẫu mực tuyệt vời về việc thực hiện sách lược trong đấu tranh ngoại giao, về tận dụng thời cơ, về nhân nhượng có nguyên tắc.
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng... nhưng tất cả mọi sự nhân nhượng đều phục vụ mục tiêu: Điều cốt tử là phải “Không ngừng một phút công việc sửa soạn sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu”3 “Chúng ta hòa với nước Pháp để dành thời gian, bảo toàn thực lực, giữ vững lập trường càng mau tiến tới độc lập hoàn toàn”4. Hòa khi đó chính là biện pháp để chuyển hóa thời gian thành lực lượng.
4. Ngày 7/3/1946, chưa đầy một ngày sau khi ký Hiệp định sơ bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với đồng bào trong một cuộc mít-tinh: “... chọn thương lượng thay vì đánh nhau chính là bằng chứng hiểu biết về chính trị”5. Những hoạt động ngoại giao phong phú trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người đều chứng tỏ điều đó. Xu thế hướng đến hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới hôm nay cũng đang đặt ra yêu cầu “hiểu biết chính trị” như vậy. Đường lối ngoại giao của Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” hôm nay nêu cao thiện chí hòa bình của Việt Nam trong việc giải quyết những tranh chấp, xung đột và cũng là sự “hiểu biết chính trị” theo quan điểm của Hồ Chí Minh năm xưa.
Độc lập trên hết, Tổ quốc trên hết - đó chính là điều bất biến đi cùng với ứng vạn biến, để bảo vệ Chính quyền cách mạng non trẻ của nhân dân trong bối cảnh tình hình gian nan, phức tạp, nguy hiểm những năm 1945 - 1946. Ngoại giao Việt Nam hôm nay kế thừa và càng chứng tỏ điều đó. Trước những cơ hội nhưng còn rất nhiều khó khăn, thách thức, phương hướng lớn trong đối ngoại Việt Nam được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế;... nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Đó cũng là sự vận dụng và phát huy tinh thần cốt lõi trong Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.
-----
1. Dẫn lại theo Philippe Devillers (1993) - Paris - Sài Gòn - Hà Nội Tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944 - 1947- Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 225.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000) - Văn kiện Đảng Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội , Tập 8, tr 160
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000) - Văn kiện Đảng Toàn tập - Sđd; tập 8; tr 46
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000) - Văn kiện Đảng Toàn tập - Sđd; tập 8; tr 56
5. Philippe Devillers (1993)- Paris - Sài Gòn - Hà Nội Tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944 - 1947- Sđd, tr 218.