TIN LIÊN QUAN | |
CPTPP sẽ là "cú hích" cho dệt may thâm nhập thị trường Canada | |
Việt Nam sửa đổi luật để phù hợp với Hiệp định CPTPP |
Doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ về quy tắc xuất xứ hàng hóa khi tham gia thị trường xuất nhập khẩu. |
So với các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và tham gia, quy tắc C/O của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có một số điểm mới. Để hướng dẫn doanh nghiệp khai báo C/O mẫu CPTPP, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT. Theo đó, các thông tin tối thiểu theo quy định tại Hiệp định CPTPP cũng được ban hành kèm theo Thông tư.
Nắm rõ quy tắc C/O của CPTPP
Về cơ chế chứng nhận C/O, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện từ 5 - 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ thực hiện sau 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực. Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa của Việt Nam thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 và các quy định khác có liên quan.
Đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư 03 có hiệu lực, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định và theo quy định của Nước thành viên nhập khẩu.
Theo Phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kể từ khi Thông tư số 03 có hiệu lực (ngày 8/3/2019) đến hết ngày 15/3/2019, đã có 8/20 tổ chức cấp C/O của Việt Nam tiếp nhận và duyệt cấp C/O CPTPP đi các thị trường Canada, Nhật Bản, Mexico và New Zealand. Các mặt hàng xuất khẩu đã được cấp C/O CPTPP bao gồm: giày dép, hàng dệt may, đồ gia dụng, thực phẩm chế biến, đồ gỗ,..
Nhằm thực hiện tốt quy tắc C/O của CPTPP, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm rõ thông tin về quy tắc xuất xứ hàng hóa; thực hiện các quá trình đảm bảo về yêu cầu xuất xứ hàng hóa cũng như các hồ sơ, giấy chứng nhận theo quy định của nước nhập khẩu.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, quy tắc C/O còn khá mới ở Việt Nam nên doanh nghiệp còn tâm lý e ngại, sợ rằng chứng từ do doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ bị hải quan nước nhập khẩu từ chối và không cho hưởng ưu đãi. Các doanh nghiệp cần loại bỏ tâm lý e ngại như vậy để mạnh dạn áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi được cho phép, qua đó tận dụng tốt hơn nữa các lợi ích mà FTA đem lại.
Cũng theo bà Hiền, mỗi FTA có bộ quy tắc xuất xứ khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện đúng quy định tương ứng. Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA, quy tắc xuất xứ chính là công cụ giúp hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là điểm dễ bị lợi dụng nếu sản phẩm của nước ngoài "mượn" xuất xứ Việt Nam. Việc này sẽ dẫn đến một số tác động tiêu cực khi nước nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ hoặc phòng vệ thương mại không phân biệt doanh nghiệp vi phạm hay không…
Do đó, doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để chứng minh được xuất xứ hàng hóa khi có yêu cầu hậu kiểm, đảm bảo hiệu quả công tác xác minh xuất xứ, giúp C/O được hải quan nước nhập khẩu chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan.
Tận dụng lợi ích từ quy tắc C/O
Theo đại diện Phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu, trong Thông tư số 03, DN cần chú ý tại phụ lục 4, 5, 6 về kê khai mẫu C/O CPTPP, trong phần kê khai có danh mục yêu cầu phần thông tin tối thiểu của các nhà XK phải có email và số điện thoại. Đây là điểm khác biệt rất lớn của CPTPP so với các FTA trước đây. Khi cơ quan của nước NK có nghi ngờ về xuất xứ thì sẽ liên hệ với Cục XNK để xác minh. Với CPTPP, quy trình xác minh xuất xứ là Hải quan của nước NK sẽ trực tiếp liên hệ với DN. Vậy nên trong trường hợp không liên lạc được qua email và số điện thoại thì DN có thể bị nghi ngờ là có gian lận về C/O.
“Các DN cần lưu ý vấn đề này khi làm C/O vì C/O không chỉ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa sang nước NK mà còn giúp các DN giữ được phần tiền thuế ưu đãi đã được hưởng. Nếu không đủ cơ sở xác minh DN sẽ phải trả lại tiền thuế đã được hưởng ưu đãi”, bà Thu Hiền giải thích.
Bộ Công Thương cũng khuyến khích các DN thực hiện thủ tục xin C/O qua internet để phục vụ quá trình xác minh xuất xứ có thể phát sinh sau này. Việc xin thủ tục C/O điện tử sẽ giúp DN lưu toàn bộ chứng từ trên hệ thống điện tử, thuận lợi cho các cơ quan liên quan hỗ trợ, bảo vệ DN nếu có xảy ra các vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hoá.
Về ngưỡng miễn nộp C/O, hầu hết FTA trước đây Việt Nam từng tham gia đều có mức miễn nộp là 200 USD, trong CPTPP mức này là 1.000 USD. Quy định này tạo thuận lợi cho các lô hàng mẫu, hoặc hàng đem đi triển lãm của DN. Tuy nhiên, nếu các DN tận dụng quy định này để chia nhỏ các lô hàng tránh giấy chứng xuất xứ cũng sẽ không bị cấm nhưng sẽ có nguy cơ DN bị đưa vào luồng quản lý rủi ro để theo dõi tại các nước NK.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, DN tận dụng cơ hội từ giảm thuế suất NK chưa được nhiều vì quy tắc xuất xứ hàng hóa không phải là chuyện ngày một ngày hai tìm kiếm nguồn cung mà cần cả một chặng đường cụ thể.
“Cần phải có sự thay đổi trong tìm kiếm nguồn cung, quy trình sản xuất để đạt được các quy tắc xuất xứ. Nếu DN chưa quan tâm tìm hiểu, chưa có hành động cụ thể để thay đổi cách thức thì rất khó để tận dụng” - bà Trang nhấn mạnh.
| (Trực tuyến) CPTPP mở ra cơ hội rất lớn cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực Việt Nam Tại phiên đầu tiên của Hội nghị liên ngành triển khai Hiệp định CPTPP, phát triển thị trường các nhóm ngành hàng, diễn ra sáng ... |
| Ban hành Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, với tinh thần khẩn trương xây dựng văn bản nội luật hóa nhằm thực hiện các cam ... |
| Việt Nam tham dự cuộc họp đầu tiên của Hội đồng CPTPP Ngày 19/1, cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTT) đã được ... |