TIN LIÊN QUAN | |
Tổng Bí thư gặp mặt các Đại sứ, Trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài | |
Các nữ Đại sứ quốc tế về “miền Quan họ” nhân kỷ niệm ngày 8/3 |
Theo Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, “Ngày tìm hiểu về Việt Nam” năm nay được tổ chức gần với Tết Nguyên đán nhằm giới thiệu đến bạn bè quốc tế về những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, đặc biệt là văn hóa, phong tục của Ngày Tết - một ngày lễ quan trọng đối với người dân Việt Nam trong nước và những người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.
Tình yêu với Việt Nam
Sinh sống và làm việc tại Việt Nam chưa phải quá lâu nhưng Đại sứ Italy tại Việt Nam Cecilia Piccioni đã nhanh chóng yêu mến và gắn bó với đất nước hình chữ S. Bà chia sẻ, Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên bà được cử đi thực hiện nhiệm kỳ ngoại giao. Phần lớn thời gian trước đó, bà công tác tại châu Âu và Mỹ. Khi đến Việt Nam, được tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước đã giúp bà hiểu thêm về nền văn hóa đặc sắc của châu Á cũng như nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam.
Các Video Clip về Việt Nam được giới thiệu tại Chương trình (Ảnh: Trung Hiếu) |
Chính vì vậy, giao lưu văn hóa đã trở thành một trong những hoạt động trọng tâm hợp tác mà Đại sứ Italy thúc đẩy trong suốt nhiệm kỳ công tác của mình tại Việt Nam. Từ “Ngôi nhà Italy” (Casa Italia) được khai trương năm 2013 tại Hà Nội hay việc tham gia và đồng hành trong một loạt sự kiện văn hóa, thời trang lớn như Tuần lễ Thu Đông Việt Nam, Tuần lễ thời trang Việt Nam Xuân Hè..., sự hiện diện đậm nét của Italy vào các sự kiện văn hóa danh tiếng gần đây tại Việt Nam như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng... đều cho thấy những tình cảm đặc biệt mà nữ đại sứ Italy dành cho văn hóa Việt Nam.
Bà từng tâm sự, sinh trưởng ở một đất nước có số lượng di sản UNESCO nhiều nhất thế giới, mỗi người dân Italy đều có ý thức về sự bảo tồn văn hóa và cái đẹp. Riêng bà có niềm đam mê rất lớn dành cho nghệ thuật và luôn mong muốn được chia sẻ với các bạn Việt Nam. “Hơn nữa, giao lưu văn hóa sẽ thúc đẩy tình cảm hữu nghị và hiểu biết giữa nhân dân hai nước”, bà nói.
Còn đối với Đại sứ Nga Konstantin Vasilievich Vnukov, người đã có 3 năm gắn bó với Việt Nam cũng đã được đón ba cái Tết Nguyên đán tại Hà Nội. Đại sứ chia sẻ, dù cách nhau khá xa về địa lý, Việt Nam và Nga có rất nhiều điểm tương đồng trong phong tục đón năm mới. Giống như người Việt, vào dịp năm mới, người Nga cũng thường hướng về tổ tiên và gia đình. Khi khách đến chơi nhà đầu năm mới, người Nga cũng thường chiêu đãi khách những món ăn ngon nhất.
Đại sứ Konstantin Vasilievich Vnukov cho rằng, Việt Nam đã rất thành công với công cuộc Đổi mới và đang có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Và với những thành tựu đã đạt được, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng các vị Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. |
“Có thể bạn không thích giao thông ở Việt Nam, cảm thấy một chút phiền toái khi các biển hiệu, biển báo đều bằng tiếng Việt hay ngạc nhiên khi thấy nhiều người dân tụ tập ở các quán café vỉa hè… Đừng vội kết luận về Việt Nam dựa trên những điều đó, hãy tin tôi đi, bạn sẽ sớm yêu mến đất nước này và Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, ông Konstantin Vasilievich Vnukov nhắn gửi tới những người đồng nghiệp.
Tại “Ngày tìm hiểu về Việt Nam”, không chỉ được nghe giới thiệu những thông tin hữu ích về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, các nhà ngoại giao quốc tế còn được tham gia các hoạt động tìm hiểu văn hóa, ẩm thực Tết truyền thống của Việt Nam như cách gói bánh chưng, bánh dày, cách nấu cỗ…
Đánh giá về hiệu quả của Chương trình, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho rằng, sau 3 lần tổ chức, “Ngày tìm hiểu về Việt Nam” tiếp tục là kênh chính thống đầu tiên để các nhà ngoại giao quốc tế nhìn nhận đúng về văn hóa, lịch sử của Việt Nam, giúp họ hiểu hơn về hệ thống chính trị cũng như cách thức vận hành kinh tế của Việt Nam, qua đó tìm kiếm các đối tác để thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, văn hóa, chính trị, ngoại giao với Việt Nam.
“Chương trình là dịp để các nhà ngoại giao hiểu hơn về Việt Nam và để Việt Nam hiểu hơn về sự quan tâm của các nước khác. Đồng thời, đây cũng là cơ hội kết nối các tân đại sứ với đại diện các bộ, ngành, các tổ chức, đại diện các doanh nghiệp... Sự kiện đã chuyển tải thông điệp rất quan trọng về một Việt Nam năng động về kinh tế, ổn định về chính trị và giàu bản sắc văn hóa. Tôi hy vọng chương trình sẽ trở thành một thương hiệu của Bộ Ngoại giao trong thời gian tới”, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh.
Là chương trình định kỳ hàng năm, được Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức lần đầu tiên vào tháng 5/2015, “Ngày tìm hiểu về Việt Nam” đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ, đánh giá cao của nhiều cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Năm 2015, đã có 60 nhà ngoại giao từ 55 cơ quan đại diện, trong đó có 11 đại sứ, đại biện. Năm 2016 có 70 nhà ngoại giao, trong đó có 10 Trưởng cơ quan đại diện. Chương trình “Ngày Tìm hiểu về Việt Nam” được kỳ vọng sẽ tiếp tục là kênh thông tin hiệu quả về đất nước và con người Việt Nam, qua đó góp phần triển khai thành công nhiệm vụ đối ngoại năm 2018 của Bộ Ngoại giao là “Chủ động, tích cực phát huy môi trường thuận lợi cho phát triển và hội nhập quốc tế” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát động. |
Sức mạnh mềm từ ngoại giao văn hóa
Chia sẻ bên lề sự kiện, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cho biết, ông đặc biệt ấn tượng với cách Việt Nam vận dụng ngoại giao văn hóa để quảng bá hình ảnh đất nước và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. “Việt Nam có sự thấu hiểu sâu sắc về vai trò của văn hóa. Văn hóa đã vượt ra khỏi giá trị truyền thống và dung hòa vào chính sách đối ngoại quốc gia. Văn hóa cũng đang trở thành một công cụ đắc lực và hiệu quả giúp Việt Nam giới thiệu đất nước và con người tới bạn bè quốc tế”, ông Michael Croft nói.
Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đây là giai đoạn chuyển giao rất quan trọng và văn hóa – vốn là một trong những trụ cột phát triển của Việt Nam – sẽ tiếp tục là một trụ cột thiết yếu góp phần vào tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.
“Sẽ là một vinh hạnh, song cũng là trách nhiệm của chúng tôi khi sánh bước cùng các bạn trong giai đoạn này, giúp Việt Nam mang nét đẹp văn hóa của mình kết nối với phần còn lại của thế giới. Đã đến lúc thế giới cần lắng nghe và biết nhiều hơn về Việt Nam và nền văn hóa của các bạn ”, ông Michael Croft chia sẻ.
Còn với Đại sứ Israel Nadav Eshcar, ngoại giao văn hóa được ví như sức mạnh mềm và Việt Nam đang sử dụng rất khéo léo công cụ này để nâng cao hình ảnh đất nước. Dẫn chứng về sức hút của du lịch Việt Nam, Đại sứ Nadav Eshcar cho hay, số lượng khách du lịch Israel tới Việt Nam đã tăng hơn 40% vào năm 2017. Phần lớn đều bị hấp dẫn bởi những danh lam thắng cảnh đẹp nên thơ của Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Sa Pa, Nha Trang, Phú Quốc, phố cổ Hội An…
Ẩm thực cũng là một trong những nét đẹp văn hóa gây ấn tượng đặc biệt đối với Đại sứ Israel tại Việt Nam. Ông tiết lộ, hiện đã có rất nhiều nhà hàng chuyên phục vụ ẩm thực Việt có mặt tại thủ đô Tel Aviv và không ít người Israel yêu mến các món ăn đến từ Việt Nam, đặc biệt là món phở.
“Trước đây, khi nói tới Việt Nam, rất nhiều người nước ngoài hay nghĩ tới chiến tranh và xung đột. Nhưng giờ đây, nhớ tới Việt Nam là nhớ tới những con người thân thiện, mến khách, một đất nước với nền văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú và phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp”, Đại sứ Nadav Eshcar khẳng định.
Giáo sư Hàn Quốc và tình yêu Việt Nam Gắn bó với Việt Nam chủ yếu qua những trang sách, báo, nhưng tình yêu của Giáo sư, nhà báo Lee Yong Hy dành cho Việt ... |
Đại sứ Italy và tình yêu Việt Nam với “Vùng cách ly” Nhà văn Lorenzo Angeloni, nguyên Đại sứ Italy tại Việt Nam cho biết, sự tò mò của nhà ngoại giao và tình yêu đối với ... |
“Học” để... yêu Việt Nam! Nhà khách Chính phủ, số 2 Lê Thạch những ngày tháng năm ngào ngạt hương ngọc lan. Chị Anke Van Lancker, Bí thư thứ nhất, ... |