Hình ảnh các bé sơ sinh nằm chen chúc trong lồng ấp tại một bệnh viện nhi ở Kabul đang dấy lên hồi chuông báo động tình trạng khủng hoảng y tế của Afghanistan.
Tình hình bất ổn ở Afghanistan khiến hệ thống y tế của nước này đang gặp phải khủng hoảng do thiếu cả nhân lực và vật lực. Trong ảnh: Ba em bé nằm chung lồng ấp tại khu chăm sóc trẻ sinh non tại bệnh viện Indira Gandhi ở Kabul. (nguồn: Reuters)
Tại bệnh viện Nhi đồng Indira Gandhi, các phòng chờ luôn chật kín người nhà và bệnh nhân. Những đứa trẻ sinh non phải nằm chung lồng ấp. (nguồn: Reuters)
Trước đây, mỗi y tá chỉ phải chăm sóc ba hoặc bốn trẻ sơ sinh nhưng nay họ phải chăm sóc hơn 20 trẻ do phần lớn các nhân viên đã bỏ trốn khỏi đất nước khi lực lượng Taliban lên nắm chính quyền. (nguồn: Reuters)
Dù các cuộc giao tranh đã kết thúc, Afghanistan đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất thế giới. Các cơ quan của Liên hợp quốc cho biết, có tới 95% dân số thường xuyên không có đủ ăn. Theo báo cáo, nhiều nhân tố góp phần làm trầm trọng thêm nạn đói tại Afghanistan như: hạn hán, xung đột, đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế. (nguồn: Reuters)
Tháng 9/2021, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo hệ thống y tế của Afghanistan đang trên bờ vực sụp đổ do viện trợ quốc tế cạn kiệt. Đối với đội ngũ y tế, chính sự thiếu hụt nhân viên trầm trọng đang gây ra căng thẳng nặng nề nhất. Họ đã không được trả lương trong nhiều tháng và thường xuyên không thể trả tiền xe đi làm. (nguồn: Reuters)
Theo WHO, khoảng 90% trong số 2.300 cơ sở y tế đang hoạt động ở Afghanistan có thể phải đóng cửa do các nhà tài trợ phương Tây bị cấm giao dịch với Taliban. (nguồn: Reuters)
Bệnh viện Nhi đồng Indira Gandhi được Ấn Độ viện trợ xây dựng từ năm 1985 với quy mô 360 giường bệnh đang hoạt động quá công suất vì lượng lớn bệnh nhân đổ về khám bệnh do các phòng khám ở các tỉnh xung quanh Kabul đã dừng hoạt động. (nguồn: Reuters)
Hàng trăm nghìn người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất tại Afghanistan gần như không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế đang bị quá tải. (nguồn: Reuters)
Phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Indira Gandhi khá sơ sài và thiếu ánh sáng. (nguồn: Reuters)
Một em bé 40 ngày tuổi tại khu trẻ sinh non. Bác sĩ cho biết, đứa trẻ không khóc vào lúc mới sinh do bị ngạt khi sinh làm thiếu oxy não, cùng với thiếu máu não dẫn đến suy tuần hoàn não. (nguồn: Reuters)
Trợ lý Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Indira Gandhi Mohammad Latif Baher cho biết, tuy UNICEF đã hỗ trợ khẩn cấp về y tế nhưng không đáng kể. Hoạt động nhân đạo này cần nhanh chóng hơn nữa để lấp đầy sự thiếu hụt thuốc men và vật tư để điều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng.(nguồn: Reuters)
Trong bối cảnh đó, FAO và WFP cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn tài chính trầm trọng để tài trợ cho các hoạt động nhân đạo ở nước này và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động trước khi quá muộn. Hiện chỉ 1/3 kế hoạch ứng phó nhân đạo của Liên hợp quốc đối với Afghanistan được tài trợ. Trong ảnh: Các em bé phải nằm ghép giường tại khoa sản ở bệnh viện Indira Gandhi ở Kabul. (nguồn: Reuters)