Hình ảnh 'thảm họa' chất nhầy bùng phát tại bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ
Kha Ninh
15:54 | 08/06/2021
Mới đây, biển Marmara gần Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã bị bao phủ bởi lớp chất nhầy khổng lồ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sinh vật biển và ngư dân nước này.
|
Thời gian gần đây, các bãi biển ở Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện mảng chất nhầy (sea snot), ngày càng lan rộng trên mặt nước. Lớp chất nhầy lan rộng ở bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sinh vật biển và ngư dân nước này. (Nguồn: Reuters) |
|
Chất nhầy biển (sea snot) là một loại bùn màu xanh lá cây, được hình thành một cách tự nhiên khi tảo bị thừa chất dinh dưỡng do thời tiết nóng và môi trường nước bị ô nhiễm. Hiện tượng được phát hiện lần đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2007 và sau đó ở biển Aegean gần Hy Lạp. Đợt bùng phát mới nhất ở biển Marmara gần Istanbul được cho là lớn nhất trong lịch sử. (Nguồn: Reuters) |
|
Các chuyên gia cho rằng lượng lớn chất nhầy xuất hiện gần đây là do sự kết hợp của ô nhiễm môi trường và sự nóng lên toàn cầu, làm tăng tốc độ phát triển của tảo gây ra bùn nhầy. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan lại nhận định rằng vấn đề nước thải chưa qua xử lý bị xả thẳng ra biển là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát chất nhầy biển này. (Nguồn: Reuters) |
|
Giáo sư sinh vật học tại Đại học Istanbul Muharrem Balci cho biết, khi tảo phát triển mất kiểm soát vào mùa Xuân, như những gì chúng ta đã chứng kiến trong năm nay, chúng sẽ ngăn ánh nắng Mặt Trời và gây ra sự suy giảm ôxy cho cá và sinh vật biển. (Nguồn: Reuters) |
|
Lớp màng nhầy này bao phủ mặt biển như một tấm bạt. Sau một thời gian, chúng chìm xuống, bao phủ hệ sinh thái đáy biển và gây hại cho nhiều loài sinh vật. Khi quá trình này kết thúc, chúng sẽ xuất hiện thứ mùi như từ một quả trứng hỏng. Hiện tượng này có thể gây ngộ độc cho trai biển và các sinh vật như cua.(Nguồn: Reuters) |
|
Giáo sư Bayram Ozturk của Cơ quan Nghiên cứu Biển Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, do lớp nhầy phát triển quá mức, một số loài đang bị đe dọa, bao gồm hàu, trai, sao biển. "Đây là một thảm họa thực sự", ông nói. (Nguồn: Reuters) |
|
Theo Kỹ sư môi trường Cevahir Efe Akcelik, chất nhầy có thể bao phủ biển trong suốt mùa Hè nếu giới chức không thực hiện các biện pháp khẩn cấp. Các nghiên cứu cho thấy chất nhầy không chỉ ở trên bề mặt mà còn ở độ sâu từ 25-30 mét. (Nguồn: Reuters) |
|
Các thợ lặn báo cáo rằng lượng lớn cá và các loài khác trong khu vực ảnh hưởng đang bị triệt tiêu vì chết ngạt. Hiện tượng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các ngư dân. Những chiếc thuyền đi qua Biển Marmara phải điều hướng tránh lớp bùn xám, trong khi một số ngư dân không thể hoạt động đánh bắt vì lớp bùn làm tắc nghẽn động cơ và lưới của họ. (Nguồn: Reuters) |
|
Ông Mehmet Soyolcu (43 tuổi), một ngư dân thuộc thế hệ thứ tư ở Biển Marmara, cho biết, trước đây, để kéo lưới đánh cá trên biển mất hai giờ, nhưng bây giờ phải mất mười giờ, chưa kể chi phí nhiên liệu và các chi phí vận hành khác. Mỗi ngày, chi phí hoạt động càng ngày càng cao, và cá ngày càng ít đi. (Nguồn: Reuters) |
|
Một số ngư dân sẽ tăng giá để bù lỗ, nhưng điều đó cũng không giúp được gì vì mọi người sợ nước biển có thể làm ô nhiễm cá ở Marmara. Tại chợ cá, ngày càng nhiều khách hàng tránh mua cá và hải sản kể từ khi có thông tin về lớp chất nhầy xuất hiện. Điều này khiến các ngư dân mất thu nhập từ đánh bắt cá, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. (Nguồn: Reuters) |
|
Istanbul, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với khoảng 16 triệu cư dân, và năm tỉnh, nhà máy và trung tâm công nghiệp khác giáp biển. Do đó, đợt bùng phát này gây ra tác động nghiêm trọng đối với hệ sinh thái và hoạt động ngư nghiệp trong vùng. (Nguồn: Reuters) |
|
Biển Marmara là vùng biển trải rộng 281 km từ vùng Đông Bắc tới Tây Nam và chỗ rộng nhất là 80 km. Vùng biển này nối liền với Biển Đen thông qua Bosphorus hay còn gọi là eo biển Istanbul ở Đông Bắc. Tổng thống Erdogan lo ngại vấn đề sẽ rất nghiêm trọng nếu chất nhầy lan rộng ra Biển Đen. (Nguồn: Reuters) |
|
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai một đội chuyên gia kiểm tra nguồn gây ô nhiễm ở biển. Hiện các công nhân đang cố gắng dùng lưới để loại bỏ chất nhầy, song nỗ lực của họ cho đến nay hầu như không hiệu quả. (Nguồn: Reuters) |
|
Không chỉ quanh vùng biển Marmara, các khu vực Biển Đen và Biển Aegean liền kề cũng chịu tác động của đợt bùng phát chất nhầy này. |
(theo Reuters)