Sau 27 năm bị bỏ hoang giữa khu đất vàng của Thủ đô, nhà số 300 Kim Mã đã trở thành tâm điểm khiến nhiều người tò mò về phía bên trong ngôi nhà. Hãy cũng phóng viên Báo TG&VN "khám phá" ngôi nhà này.
Ngày 8/5/2018, Cục trưởng Cục Phục vụ Ngoại giao Đoàn, Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Trắc Bá và Đại biện lâm thời Marinela Milcheva Petkova, Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam đã ký Biên bản bàn giao, tiếp nhận ngôi nhà số 300 Kim Mã.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất tại số 300 Kim Mã được Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội (nay là UBND TP Hà Nội) cấp cho Bộ Ngoại giao từ năm 1977 để xây dựng trụ sở làm việc.
Năm 1982, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Bulgaria đã ký Hiệp định về việc trao đổi đất, mua và xây dựng các ngôi nhà để sử dụng cho các cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước.
Năm 1986, khu đất này đã được thu hồi theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội để bàn giao cho Đại sứ quán Bulgaria theo nội dung Hiệp định đã ký giữa hai Chính phủ.
Đến năm 1987, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, Bộ Ngoại giao đã bàn giao khu đất này cho Đại sứ quán Bulgaria. Phía Bulgaria đã ký Hợp đồng với Binh đoàn 11, Tổng cục Hậu cần để xây dựng Tổ hợp Đại sứ quán Bulgaria tại khu đất này.
Năm 1991, Binh đoàn 11 đã xây dựng xong tổ hợp Đại sứ quán trên khu đất này, tuy nhiên sau khi xây dựng xong, do không còn nhu cầu sử dụng nên phía Bulgaria đã bỏ trống từ đó đến nay.
Năm 2016, để phục vụ việc ký lại Hiệp định mới thay thế Hiệp định đã ký năm 1982, theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn đã ký Hợp đồng đo vẽ lại diện tích nhà và đất tại cơ sở nhà đất này. Theo đó, diện tích nhà là 1.307m2 trên tổng diện tích đất 3.243m2.
Ngày 22/9/2016 hai Chính phủ đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bulgaria về bất động sản của Cơ quan đại diện ngoại giao hai nước thay thế cho Hiệp định đã ký năm 1982.
Theo đó, ngày 8/5/2018, Hiệp định được hai bên tiến hành thực hiện và khu đất tại số 300 Kim Mã bắt đầu do phía Việt Nam quản lý.
Ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc hình chữ U với 3 khối nhà, ở khối nhà chính giữa có lối hành lang đi thẳng vào khu vực sảnh chính.
27 năm qua, ngôi nhà luôn được "kín cổng, cao tường", cánh cổng sắt đã hoen rỉ, nhiều hạ tầng đã xuống cấp và hư hỏng.
Ngay tại sảnh của khối nhà chính, quầy lễ tân vẫn chưa được phá bỏ đã bám bụi và đang có dấu hiệu mục nát bởi ẩm mốc.
Phía đối diện của quầy lễ tân là cầu thang dẫn lên khu vực tầng 2 và 3 với nhiều phòng làm việc nhỏ.
Kể từ khi bỏ hoang, căn nhà không còn được dọn dẹp thường xuyên. Mặc dù trước khi bàn giao cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, căn nhà đã được dọn dẹp, tuy nhiên chỉ thời gian ngắn trên sàn nhà vẫn xuất hiện nhiều lá cây khô.
Thậm chí là cả ni lông, rác, đồ đạc hỏng không sử dụng tại một số căn phòng.
Căn phòng rộng nhất của tòa nhà nằm tại khối chính được xây dựng thông sang khu vực phòng hai bên. Hiện nay, một số mảng vữa trên trần đã rơi và cửa kính cũng đã bị hư hỏng. Dù vậy, bề mặt tường vẫn còn khá sách sẽ.
Tại các cửa kính có tiếp xúc bề mặt với phía ngoài, do ảnh hưởng của thời tiết và không được bảo quản, hiện nhiều cửa kính đã vỡ vụn.
Tại các khu vực áp mái, do ẩm mốc của thời gian, nhiều mảng vữa đã rơi, bẩn loang lổ.
Chỉ duy nhất khu vực nền của nhà vệ sinh tầng 3 của khối nhà chính giữa đã bong tróc một phần, còn lại toàn bộ nền nhà vẫn còn rất chắc chắn và nguyên vẹn.
Ẩm mốc khiến những thanh cửa gỗ dần mục.
Hệ thống điều khiển điện được lắp đặt tại từng tầng của tòa nhà khá kiên cố, dày đặc và một số vẫn còn khá mới. Tuy nhiên, một số ổ điện đã vỡ và nút điều khiển cũng đã hư hỏng.
Bếp điện vẫn còn nguyên trong căn nhà nhưng có lẽ không còn khả năng sử dụng được.
Hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí đã hư hỏng hoàn toàn. Một số được thu gọn lại sau khi được dọn dẹp.
Khu vực tường cầu thang xuất hiện nhiều vết giày.
Trong các căn phòng, đồ đạc đã được dọn dẹp chỉ còn lại phòng trống nhưng dấu hiệu bị bỏ hoang thì vẫn hiện hữu.
Duy nhất một chiếc tủ đựng tài liệu còn sót lại nhưng cũng đã hư hỏng nặng.
Toàn bộ hệ thống trong các nhà vệ sinh đều còn nguyên vẹn nhưng không thể sử dụng. Phần gạch ốp trên tường đã hoen ố nặng nề.
Nhiều ô cửa sổ đã mọc cây xanh.
Tại các lối đi xung quanh ngôi nhà, nhiều loại cỏ và cây dại mọc um tùm, rậm rạp do không có người dọn dẹp và chăm sóc suốt 27 năm qua khiến căn nhà càng thêm hoang vắng. Phía xa là khu vực Vincom đang xây dựng.
Khu vực hồ bơi trong căn nhà sau nhiều năm không được vệ sinh, hiện nước đã chuyển sang màu xanh đặc sệt với nhiều rêu trong lòng khiến người nhìn không thể ước lượng được độ sâu của bể. Hệ thống thang lên xuống đã hoen rỉ.
Hệ thống máy phát điện được xây dựng kiên cố phía sau tòa nhà hiện vẫn còn để nguyên tại vị trí và đã xuống cấp theo thời gian.
Hệ thống thải khí vẫn còn nguyên và hiện đã hoen rỉ sau 27 năm.
Khu vực mái chạy ngang phía căn nhà với nhiều lá cây và cành khô do không được vệ sinh thường xuyên. Do căn nhà không được sử dụng và đã xuống cấp nặng nề khiến nhiều người nghĩ đây là nhà hoang và tò mò về nó.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.