Hình ảnh về những cuộc giao tranh dữ dội giữa Israel-Palestine
Kha Ninh
07:09 | 14/05/2021
Các cuộc đụng độ bạo lực kéo dài nhiều tuần ở Đông Jerusalem đã châm ngòi cho cuộc giao tranh nặng nề nhất trong nhiều năm giữa Israel và các tay súng Palestine ở Dải Gaza.
Xung đột giữa Israel-Palestine gia tăng nhanh chóng từ đầu tuần này, đẩy hai bên vào vòng xoáy bạo lực tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân của các cuộc giao tranh khiến hàng chục người thiệt mạng là căng thẳng giữa người Israel và Palestine về Jerusalem, nơi được xem là thánh địa thiêng liêng của người Hồi giáo, Do Thái và Cơ đốc giáo. Trong ảnh: Ngọn lửa và khói bốc lên ở phía nam Dải Gaza do các cuộc không kích của Israel, ngày 11/5.
Trong cuộc chiến năm 1967, Israel đã chiếm được Đông Jerusalem và kiểm soát toàn bộ thành phố Jerusalem. Điều đáng lưu ý là thành cổ Jerusalem và các khu thánh địa đều nằm ở Đông Jerusalem. Trong thành cổ có nhà thờ Mộ Thánh (Holy Sepulchre), nơi các tín đồ Cơ đốc giáo tin là nơi Chúa Jesus được chôn cất. Nơi đây cũng có đền thờ Al Aqsa mà người Hồi giáo tin là Đấng tiên tri Mohammed thực hiện “Hành trình Đêm” lên thiên đàng. Các thánh địa thiêng liêng nhất của người Do Thái cũng nằm ở Đông Jerusalem. Do đó, Jerusalem luôn là yếu tố nhạy cảm nhất trong xung đột giữa Israel và Palestine.
Từ giữa tháng 4/2021, thời gian bắt đầu tháng Ramadan của người Hồi giáo, người Palestine đã phải đối mặt hàng đêm với cảnh sát Israel ở Đông Jerusalem. Phía Israel đã đặt rào chắn xung quanh Cổng Damascus, lối vào chính của thành cổ Jerusalem để ngăn chặn các cuộc tụ tập buổi tối, duy trì trật tự. Tuy nhiên, người Palestine lại xem hành động này có mục đích hạn chế quyền tự do hội họp của họ. Trong ảnh: Một cuộc đụng độ tại Cổng Damascus, ngày 17/4.
Trong ảnh: Cảnh sát Israel bắt giữ một người biểu tình Palestine phản đối phiên tòa tranh chấp lãnh thổ giữa Israel và Palestine ở khu Sheikh Jarrah, Đông Jerusalem vào ngày 5/5.
Bạo lực nhanh chóng lan đến khu thành phố cổ Jerusalem, nơi có Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, ngôi đền linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi và là địa điểm nhạy cảm nhất trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Trong ảnh: Người Palestine phản ứng khi cảnh sát Israel bắn đạn hơi cay trong cuộc đụng độ tại đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, Thánh địa của người Hồi giáo ở thành phố cổ Jerusalem, ngày 7/5.
Lực lượng Hamas và các nhóm vũ trang khác trong khu vực này liên tục cảnh báo Israel rằng các giao tranh ở Jerusalem đã vi phạm "lằn ranh đỏ" giữa Israel và Palestine, đồng thời đe dọa sẽ bắn rocket nếu cảnh sát Israel không dừng các cuộc đột kích nhằm vào người Palestine ở khu đền thiêng Al-Aqsa. Trong ảnh: Cảnh sát Israel trong cuộc đụng độ với người Palestine tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa.
Thứ Hai, ngày 10/5, khi Israel kỷ niệm đánh dấu ngày quân đội kiểm soát thành phố cổ năm 1967 bằng một cuộc tuần hành, lực lượng Hamas và nhóm chiến binh Thánh chiến Hồi giáo đã bắn pháo phản lực về phía Jerusalem và các vùng ngoại ô xung quanh. Lãnh đạo lực lượng vũ trang Hamas Ismail HaniyehIsrael cho biết, Israel đã "châm lửa" ở Jerusalem và Al-Aqsa. Ngọn lửa này lan rộng đến Gaza, do đó, nước này phải chịu trách nhiệm về hậu quả của hành động trên.Trong ảnh: Tên lửa của nhóm vũ trang Palestine phóng vào Israel, ngày 10/5.
Hamas coi sự leo thang là cơ hội để hạ bệ uy tín chính quyền Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Tổ chức này muốn thể hiện mình là lực lượng bảo vệ người Palestine ở Jerusalem. Trong các tuyên bố ngày 10/5, lực lượng này cam kết đứng về phía người dân Palestine bị lấy đất và thề sẽ biến một số thành phố của Israel thành "địa ngục", bao gồm cả Tel Aviv. Tuy nhiên, Israel cũng cho các máy bay chiến đấu ném bom khu vực Gaza nhằm "trả đũa" các cuộc không kích trước đó. Trong ảnh: Ngọn lửa bốc lên sau một cuộc không kích của Israel nhằm vào phía Nam Dải Gaza, ngày 10/5.
Trong ảnh: Những người ủng hộ Hamas tham gia một cuộc biểu tình ở phía bắc Dải Gaza, phản đối quyết định hoãn các cuộc bầu cử quốc hội theo kế hoạch của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ngày 30/4.
Căng thẳng giữa hai bên ngày một leo thang nghiêm trọng. Ước tính, trong vòng 3 ngày qua, Hamas đã bắn hơn 1.500 quả rocket vào lãnh thổ Israel, bao gồm cả thủ đô Tel Aviv. Quân đội Israel đáp trả bằng hàng trăm cuộc không kích, tuyên bố tiêu diệt hàng chục thủ lĩnh Hamas kể từ ngày 10/5. Trong ảnh: Vệt sáng được nhìn thấy khi hệ thống chống tên lửa Vòm Sắt của Israel chặn các tên lửa phóng từ Dải Gaza về phía Ashkelon, Israel, ngày 10/5. (Nguồn: Getty Images)
Tuy có hệ thống chống tên lửa Vòm Sắt nhưng người dân Israel vẫn nhận được lệnh phải trú ẩn. Vòng xoáy bạo lực này khiến quốc tế lo ngại tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong ảnh: Tên lửa do lực lượng Hamas phóng vào Israel, ngày 10/5.
Trong một cuộc họp báo hồi tháng Hai, một chỉ huy quân sự Israel cho biết, kể từ sau cuộc chiến năm 2014, lực lượng vũ trang Hamas đã tích lũy khoảng 7.000 tên lửa, 300 tên lửa chống tăng và 100 tên lửa phòng không. Trong khi đó nhóm khủng bố IS đã tích lũy được 6.000 quả rocket. Ngay khi tin tức trên xuất hiện, IS và Hamas đều không xác nhận hay phủ nhận. Trong ảnh: Lửa bùng lên ở Khan Younis sau cuộc không kích của Israel vào các mục tiêu ở phía Nam dải Gaza, ngày 12/5. (Nguồn: AFP)
Ngày 13/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo rằng, cuộc chiến với phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza "sẽ mất thời gian", đồng thời nhấn mạnh chiến dịch không kích của Israel nhằm vào Hamas ở Gaza vẫn chưa kết thúc. Trong ảnh: Một đơn vị pháo binh của Israel đang "khai hoả" nhằm vào các mục tiêu ở Gaza. (Nguồn: AP)
"Lửa giận dữ" ngày càng lớn hơn ở Gaza làm dấy lên lo ngại một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Hamas có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Trong ảnh: Nhiều khu vực tại Dải Gaza và một số tại khu Bờ Tây tan hoang vì đạn pháo và tên lửa của Israel. Người dân tập trung giữa đống đổ nát trước tòa tháp Al-Sharouk, nơi được cho là căn cứ của tổ chức Hamas ở Dải Gaza. (Nguồn: Getty Images)
Theo các nguồn tin y tế, số người Palestine thiệt mạng do các cuộc tấn công của quân đội Israel vào Dải Gaza trong những ngày qua lên tới 83 người, trong đó có 17 trẻ em và 6 phụ nữ, cùng 487 người bị thương. Phía Quân đội Israel cho hay, khoảng gần 1.600 tên lửa đã phóng từ Gaza nhằm vào các mục tiêu khác nhau ở Israel, khiến ít nhất 200 dân thường của Israel bị thương và 7 người thiệt mạng, trong đó có một bé trai 6 tuổi. Trước tình trạng thảm khốc trong mấy ngày qua, dư luận quốc tế tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế, tập trung vào việc bảo vệ dân thường, tránh xung đột lan rộng. Trong ảnh: Người dân dọn dẹp một giáo đường Do Thái bị thiêu rụi ở thành phố Lod, Israel. (Nguồn: Shutterstock)
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.