📞

“Hồ sơ Panama”: Dấu hiệu thay đổi báo chí chính thống

16:34 | 13/04/2016
Hiện nay, báo chí điều tra chính thống đang có xu hướng “bắt tay” những blogger, tin tặc, các nhà hoạt động chính trị.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Indian Express)

“WikiLeaks hóa” báo chí

Người dân trên khắp thế giới đang chứng kiến vụ rò rỉ dữ liệu doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử mang tên "Hồ sơ Panama". Vụ việc này rõ ràng có tác động lớn tới giới chính trị và kinh doanh ở Trung Quốc, Anh, Nga, Argentina, Iceland và nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó, nó còn báo hiệu một sự chuyển biến quan trọng trong ngành truyền thông thế giới, tạm gọi là xu hướng “WikiLeaks hóa” báo chí chính thống. Có thể hiểu, đó là sự kết hợp giữa “quyền lực thứ tư” (gồm các nhà báo) và “quyền lực thứ năm” (gồm các blogger, tin tặc, các nhà hoạt động chính trị) trong kỷ nguyên của các vụ đánh cắp dữ liệu.

Trở lại thời điểm vài năm trước - khi báo chí bắt đầu đăng tải các vụ rò rỉ thông tin, Tổng Biên tập của tờ The Times (Anh) Bill Keller đã tự hỏi trên tạp chí này rằng, liệu “War Logs”- hồ sơ tài liệu chiến tranh và các điện tín mật về cuộc chiến Afghanistan được trang mạng WikiLeaks công bố - có biểu trưng cho “chiến thắng vĩ đại của sự minh bạch” hay không. Vào lúc đó, tức năm 2011, ông Keller cho rằng: "Chúng ta vẫn chưa đạt đến mức độ tự do hóa thông tin, ít nhất là chưa đến lúc”.

Sự băn khoăn của ông Keller đã có lời giải đáp chỉ vài tháng sau đó, khi WikiLeaks giúp châm ngòi cho cuộc cách mạng "Mùa xuân Ả rập". Trang mạng này đã công khai một bức điện cho thấy tài sản kếch xù và việc làm giàu bất chính của Tổng thống Tunisia Zine el-Abidine Ben Ali và gia đình ông, khiến người dân nghèo khó vốn đã bất bình lại càng thêm tức giận. Ngay sau đó, Tổng thống Ben Ali bị lật đổ. 

Năm 2013, một vụ việc chấn động khác nổ ra khi cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward J. Snowden đã tiết lộ việc cơ quan này tiến hành nghe lén điện thoại của người dân Mỹ và lãnh đạo nhiều nước trên thế giới. 

Hiện nay, dư luận thế giới đang tập trung sự quan tâm vào “Hồ sơ Panama”, gồm 11,5 triệu tài liệu khai thác từ công ty luật Mossack Fonseca, ghi lại chi tiết các công ty bình phong mà các nhân vật giàu có và quyền lực trên thế giới sử dụng để trốn thuế. Các hồ sơ này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Iceland Sigurdur Gunnlaugsson.

Thách thức cho nhà báo

Điều tra các vụ bê bối là mục tiêu nghề nghiệp của các nhà báo. Tuy nhiên, các hồ sơ phát giác những vụ việc này đang đặt ra thách thức mới cho các phóng viên và biên tập viên, vốn chỉ quen với việc gọi điện thoại và phỏng vấn nhân vật.

Khó khăn này thực chất đã xuất hiện trong vụ công khai tài liệu chiến tranh “War Logs” hồi năm 2011. Trong các thông tin được khai thác cẩn thận từ trang mạng WikiLeaks, các báo như The Times, The Guardian đã giấu danh tính của các nguồn tin nhạy cảm được nhắc đến trong tài liệu. Tuy nhiên sau đó, một số báo cáo của WikiLeaks đã rò rỉ trên mạng Internet với danh tính thật của các nguồn tin, khiến các nhân vật này bị kết tội và gặp nguy hiểm tính mạng.

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange và các đồng sự đã nhấn mạnh rằng, việc cung cấp thông tin mật sẽ không gây bất kỳ rủi ro nào. Tuy nhiên, đã không có cách nào giúp người cung cấp thông tin về hồ sơ chiến tranh “War Logs”, bà Chelsea Manning, thoát khỏi án 35 năm tù giam vì cáo buộc vi phạm Đạo luật Do thám. Bản án này là một phần trong các nỗ lực quyết liệt của Chính phủ Mỹ nhằm chấm dứt các vụ rò rỉ thông tin. 

Trên thực tế, các nhóm phóng viên điều tra và nguồn cung cấp tin thường hoạt động với nỗi lo sợ bị đe dọa và "khủng bố". Các nhà điều tra vụ “Hồ sơ Panama” tại Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cho biết, họ luôn ghi nhớ điều đó trong khi theo đuổi manh mối vụ việc của công ty luật Mossack Fonseca, vốn luôn nói rằng các thông tin đã bị tin tặc đánh cắp. Giám đốc ICIJ Gerard Ryle cho biết, ông không quan tâm đến việc các dữ liệu đã bị tin tặc đánh cắp hay không. Điều ông Ryle nhấn mạnh là: “Đây có phải vấn đề công luận thế giới quan tâm hay không?”.

(theo New York Times)