Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị. (Ảnh: L.A) |
Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta đang ở thời khắc mang tính bước ngoặt bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đại dịch này ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, hoạt động kinh tế. Bình quân cứ 1 giây có 1 ca nhiễm mới, thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh đóng cửa, giãn cách xã hội.
Trích dẫn câu nói của Nhà nghiên cứu người Anh Charles Darwin: "Không phải loài mạnh nhất hay thông minh nhất, mà loài thích nghi tốt nhất sẽ là kẻ sống sót", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tôi rất buồn khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị giải thể thời gian qua. Tuy nhiên, như bao biến cố lớn của lịch sử, loài người rồi sẽ chiến thắng dù có những mất mát".
Việt Nam đã nỗ lực đạt được “trạng thái tích cực”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin, Việt Nam trong cuối tháng 3/2020 được dự báo tăng trưởng 4,5% và quý 1 vừa qua đã đạt mức tăng trưởng 3,83%. Mặc dù là mức thấp nhất của quý I trong 10 năm gần đây, song vẫn là mức tăng trưởng khá cao so với bối cảnh chung của thế giới và là mức tăng trưởng cao nhất trong các nước Đông Nam Á.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trên bình diện kinh tế, tăng trưởng của Việt Nam duy trì được mức cao hơn so với bình quân tăng trưởng mà các nước đạt được trong thời kỳ thuận lợi. Rõ ràng, Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều ý kiến và đã chứng minh rằng, năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam, của các doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn.
“Phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức trên 5%, phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Để đạt được mục tiêu này thì phải tập trung vào '5 mũi giáp công': Một là, thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là kinh tế tư nhân; hai là, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); ba là, đẩy mạnh xuất khẩu; bốn là, thúc đẩy đầu tư công; năm là, khuyến khích tiêu dùng nội địa với dân số gần 100 triệu dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ không trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách giúp doanh nghiệp tăng năng suất. Doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào việc xây dựng và phát triển như một trách nhiệm xã hội. Chính phủ đóng góp vai trò là người bảo trợ xã hội để thực thi theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch.
Trình bày báo cáo về tác động của dịch Covid-19, những thách thức và cơ hội phát triển của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã nỗ lực đạt được “trạng thái tích cực”. Cụ thể như tăng trưởng GDP quý I/2020 đạt 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 3 tỷ USD.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thời điểm này, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam đã được phát huy hơn bao giờ hết. Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
"Điều đáng mừng là trong thời điểm khó khăn vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tìm kiếm giải pháp 'tự cứu mình'. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh, đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức. Một số doanh nghiệp đã chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua người đứng đầu Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của doanh nghiệp, chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, điển hình như: Chỉ thị số 11, đây là nền tảng định hướng cho các chính sách cụ thể như Nghị quyết số 42, Nghị định số 41 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới và phát triển bứt phá.
Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn.
"Nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước cho rằng, đây là thời cơ quý báu và 'không dễ gì có được' khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ. Vì vậy, ngay lúc này Chính phủ Việt Nam cần có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ 'vàng', nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: L.A) |
Tại Hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc bày tỏ, quyết định quan trọng và rất khó khăn của Thủ tướng là dần dỡ bỏ về cơ bản các biện pháp cách ly, mở cửa lại thị trường trong nước đã khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Trong cuộc khảo sát của VCCI về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp, thì có tới 55% doanh nghiệp cho biết, sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III/2020, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.
"Một lần nữa sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khó khăn lại bừng dậy. Điều rất đáng trân trọng nữa là với nhiều doanh nghiệp, dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm, nhưng các doanh nhân vẫn cố gắng tới mức cao nhất chăm lo cho người lao động, tỷ lệ việc làm vẫn duy trì ở mức rất cao", ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Tiếp sức cho doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI nhận thấy, dù tình hình doanh nghiệp đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng. Điều mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp là Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của doanh nghiệp; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay.
"Điều quan trọng nhất, doanh nghiệp kiến nghị là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.
Để chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư FDI mới, tôi đề nghị Chính phủ giao các bộ ngành phối hợp với VCCI, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam", ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ mong muốn.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam vào thời điểm này là thị trường tiêu thụ. Vì vậy, cần phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt.
Phóng viên theo dõi trực tuyến Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp: Cùng nỗ lực - Vượt thách thức - Đón thời cơ - Phục hồi nền kinh tế”. (Ảnh: L.A) |
Chia sẻ tiếng nói từ phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân kiến nghị, Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay; giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn; tập trung khai thác thị trường nội địa; cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực và cần có những giải pháp hữu hiệu, vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Nicolas Audier nhìn nhận, Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới. Các biện pháp của Việt Nam đang trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo, bảo vệ sức khỏe của người dân, giúp duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
"Khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, điều cần thiết là Việt Nam không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà còn có các doanh nghiệp nước ngoài - những nhân tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của đất nước khi nền kinh tế khôi phục trở lại. Việt Nam có thể tận dụng vị thế Chủ tịch ASEAN để kêu gọi một gói phục hồi nền kinh tế, gói hợp tác công tư không chỉ ở Việt Nam mà trong toàn bộ ASEAN", ông Nicolas Audier nói.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp thì cho biết, vừa qua, Hiệp hội đã khảo sát và ghi nhận 20-50% hoạt động của các hội viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, dịch vụ logistics hàng không, đường bộ và đường sắt bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội.
Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, ông Lê Duy Hiệp đánh giá, đại dịch cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xem xét lại chiến lược hoạt động, đa dạng hóa thị trường cung cấp dịch vụ, cải tổ bộ máy hoạt động của doanh nghiệp.
"Khủng hoảng cũng là lúc thị trường sàng lọc các doanh nghiệp theo cơ chế thuận tự nhiên. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cần biết nắm bắt cơ hội để có thể tìm ra con đường hợp tác, khôi phục hiệu quả, vượt qua khủng hoảng", ông Lê Duy Hiệp đưa ra quan điểm.