Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khai thác tối đa và hiệu quả các cơ hội do Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) góp phần thúc đẩy xuất khẩu và phát triển kinh tế, ngày 13/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Toàn cảnh Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Mở ra "siêu" thị trường xuất khẩu quy mô lớn
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hơn 2 năm đại dịch Covid-19 là thời gian thử thách chưa từng có với mọi quốc gia trên thế giới; trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, trong năm 2021, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá với kim ngạch lần đầu tiên đạt mức 670 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó, xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19% (vượt 15% so với kế hoạch), duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Tin liên quan |
Báo Trung Quốc: RCEP mang đến cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam |
Những thành tích này đều sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trở thành một trong những nước đi đầu khu vực tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương; trong đó, gần đây nhất là Hiệp định RCEP.
Đây là Hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Hiệp định này là sự kết nối 4 FTA hiện hành giữa ASEAN và các nước đối tác thành 1 FTA lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/3 dân số thế giới và GDP toàn cầu.
Do vậy, việc đưa Hiệp định RCEP với một quy tắc xuất xứ chung áp dụng cho 15 nước vào thực thi được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển các chuỗi cung ứng mới, đồng thời mở ra một không gian sản xuất chung và một "siêu" thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài trong khu vực.
Bởi các nước tham gia Hiệp định RCEP có nhiều nước được xem như là nơi sở hữu, cung ứng nguyên liệu, vật tư chiến lược lớn của thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN và là các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm trên 1/2 tổng kim ngạch thương mại của cả nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
"Đây sẽ là những điều kiện quan trọng, tạo thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam đa dạng và tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời tạo thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Sau khi được thực thi đầy đủ, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và GDP toàn cầu.
Những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đặc biệt là việc áp dụng một quy tắc xuất xứ chung cho 15 nước trong Hiệp định sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng mới trong Khu vực mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia.
Đồng thời, Hiệp định RCEP cũng tạo lập một không gian sản xuất chung và mở ra một "siêu" thị trường xuất khẩu quy mô lớn, ổn định, lâu dài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là đối với ngành nông nghiệp, bởi khu vực này có 3 trong 4 thị trường xuất khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam và đang còn rất nhiều dư địa phát triển.
Đối với ngành Nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 27,88 tỷ USD, xuất siêu 5,75 tỷ USD. Kết quả này có đóng góp lớn của hội nhập quốc tế, đặc biệt việc tham gia hiệu quả vào các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, trong đó có RCEP.
“Chưa lúc nào doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng lại đứng trước một sân chơi lớn với nhiều cơ hội như hiện nay”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Ông Tiến cho rằng, khi tham gia RCEP, các doanh nghiệp nông nghiệp được dự báo sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu, đặc biệt các mặt hàng ta có lợi thế như gạo, hạt điều, cà phê, tiêu, gỗ và sản phẩm từ gỗ…
Đồng thời, RCEP cũng được nhận định sẽ góp phần tăng nguồn vốn FDI vào Việt Nam, trong đó có ngành Nông nghiệp. Thông qua hợp tác kinh doanh, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân có cơ hội tiếp cận chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, học hỏi công nghệ quản trị của đối tác.
Cơ hội song hành thách thức
Song hành cùng cơ hội lớn là những khó khăn, thách thức do các nền kinh tế thành viên đều có năng lực cạnh tranh khá cao, kể cả ở những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh. Chưa kể, Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài.
Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội để cạnh tranh thành công ở cả thị trường trong nước cũng như trên thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, sức ép cạnh tranh từ RCEP là rất lớn. Doanh nghiệp, người sản xuất muốn tồn tại, cạnh tranh và phát triển tại thị trường này cần không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và vị thế của mình.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên- Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay, khác với các FTA khác, mặt hàng rau quả khi xuất hay nhập khẩu giữa các nước thành viên trong Hiệp định RCEP với nhau đều phải có hạn ngạch hoặc thông qua nghị định thư được ký kết trước.
Chẳng hạn như với thị trường Trung Quốc, Việt Nam chỉ được phép xuất khẩu chính ngạch chỉ 10 mặt hàng rau quả như thanh long, xoài, mít, chôm chôm,vải, măng cụt, dưa hấu, chuối, nhãn và thạch đen. Các mặt hàng rau quả khác đang phải trải qua đàm phán lâu mới được phép xuất khẩu như sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chanh, bưởi , bơ....
Bà Trần Thị Lan Anh khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ các cam kết của Hiệp định để tận dụng tối đa các cơ hội từ RCEP. (Nguồn: VnEconomy) |
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, từ tháng 1/2022 đến nay, Trung Quốc đã thực hiện chính sách kiểm tra Zero Covid nghiêm ngặt với hàng thực phẩm nông sản rau quả của tất cả các nước khi xuất khẩu cho Trung Quốc, trong đó có cả Việt Nam. Điều này đã gây ách tắc, thậm chí có lúc hàng hóa rau quả Việt Nam bị ứ đọng ở các cửa khẩu dẫn đến nhiều hư hỏng gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân sản xuất của Việt Nam.
Theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong so sánh với 14 FTA mà Việt Nam đang thực hiện trước đó, Hiệp định RCEP đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức cạnh tranh với cùng lúc nhiều đối thủ mạnh nhất.
Thách thức từ Hiệp định này với các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả ở các thị trường xuất khẩu.
Trên thị trường nội địa, với các cam kết mở cửa trong RCEP, hàng hóa tương tự từ các thành viên RCEP, nhất là từ Trung Quốc và ASEAN sẽ có thêm cơ hội ưu đãi thuế khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà với các doanh nghiệp Việt Nam được dự báo là sẽ gay gắt và khó khăn hơn.
Để vượt qua những khó khăn này, bà Trần Thị Lan Anh khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ các cam kết của Hiệp định để tận dụng tối đa các cơ hội từ RCEP hay xử lý các thách thức nếu xảy ra. Ngoài ra, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh để có đủ nền tảng và sức mạnh để cạnh tranh trong hoàn cảnh hội nhập.
Tại Hội thảo, Hội nghị đã thảo luận, khuyến nghị nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, giúp các địa phương, hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đa dạng hoá thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn tất việc ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định theo chức năng, nhiệm vụ được giao để bảo đảm công tác thực thi Hiệp định được hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi và xây dựng các chương trình hỗ trợ, đào tạo kỹ năng chuyên sâu, giúp các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.
| 'Tiếp lửa' cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm sang thị trường RCEP Ngày 8/6, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại các thị trường thành viên ... |
| Indonesia đang trong giai đoạn cuối của quá trình phê chuẩn RCEP Ngày 1/6, Ban đàm phán ASEAN thuộc Bộ Thương mại Indonesia cho biết, việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu ... |