📞

Hòa bình mong manh ở Syria lại đứng trước nguy cơ chết yểu

10:22 | 19/09/2016
Cho đến này đã có khoảng 200 hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tại Syria và phía Nga đổ lỗi hoàn toàn cho phe đối lập.

Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất ở Syria mà Nga và Mỹ đạt được hôm 9/9 và có hiệu lực từ 19h ngày 12/9 lại đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi liên tiếp các bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận này.

Những diễn biến tại thực địa cho thấy có quá nhiều khác biệt giữa các bên khiến dư luận đặt câu hỏi nghi ngờ rằng liệu ngừng bắn sẽ được duy trì trong bao lâu?

Vụ không kích của Mỹ vào binh sĩ Syria - Nhầm lẫn hay cố ý?

Theo AFP, Lầu Năm Góc đã lên tiếng thừa nhận liên minh chống khủng bố IS do Mỹ dẫn đầu có thể đã không kích nhầm vào vị trí của quân đội Syria hôm 17/9 vừa qua. Vụ không kích này theo cáo buộc từ phía Nga đã khiến ít nhất 62 binh sĩ Syria thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương.

Vụ không kích nhầm của Mỹ vào khu vực của binh sĩ Syria tại Deir ez-Zor đã khiến 62 binh sĩ thiệt mạng. (Ảnh: RT)

Trong một tuyên bố, Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết lực lượng của Liên minh tin rằng họ đã tấn công vào vị trí của các tay súng khủng bố IS. Các cuộc tấn công đã ngay lập tức được dừng lại khi Liên minh được phía Nga thông báo rằng các mục tiêu không kích đó thuộc quân đội Syria.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Mỹ lấy làm tiếc về cái chết của những binh sĩ Syria do cuộc không kích nhầm gây ra.

Quan chức trên cũng cho biết Mỹ đã thông qua Nga “bày tỏ sự hối tiếc” đối với chính quyền Syria, đồng thời cho biết Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận ngừng bắn nhưng đồng thời vẫn tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại IS và al-Qaeda.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga lại lên tiếng cho rằng, vụ không kích mà Mỹ tiến hành nhằm vào vị trí của quân đội Syria ở thành phố miền Đông Deir ez-Zor là một sự “cẩu thả” và “hỗ trợ trực tiếp” cho IS.

RT dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, các cuộc không kích giết chết 62 binh sĩ Syria ở ngoại ô thành phố Deir ez-Zor hôm 17/9 là “không thể tránh khỏi” xuất phát từ sự ngoan cố của Mỹ khi từ chối hợp tác với Nga trong việc chống lại IS, Jabhat al-Nusra và các nhóm khủng bố có liên quan khác.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, vụ không kích nhằm vào quân đội Syria được tiến hành bởi 2 chiếc tiêm kích F-16 và 2 cường kích A-10.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết hết sức quan ngại bởi thực tế các cuộc không kích diễn ra trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc đã nhiều lần bị vi phạm bởi lực lượng nổi dậy Syria.

"Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi Washington gây áp lực lên các tay súng mà Mỹ kiểm soát để đảm bảo rằng họ tôn trọng các điều kiện ngừng bắn. Nếu không, toàn bộ thỏa thuận Nga - Mỹ đạt được tại Geneva vào ngày 9/9 có thể bị nguy hiểm và điều đó là trái với lợi ích của cộng đồng quốc tế", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Đáp lại những cáo buộc từ phía Nga, Bộ Chỉ huy tâm Mỹ cho rằng họ đã thông báo cho phía Nga về các cuộc không kích sắp xảy ra.

“Các thành viên liên minh thuộc Trung tâm Điều phối hàng không chung đã thông báo trước về các cuộc không kích sắp tới", Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ tuyên bố.

"Việc Trung tâm Điều hành bay của Liên minh trao đổi với các quan chức Nga là một hành động chuyên nghiệp nhằm giảm xung đột giữa máy bay liên quân với Nga dù việc liên lạc này không được quy định trong Biên bản ghi nhớ chung về an toàn bay Nga - Mỹ".

Theo các nguồn tin, Nga đã yêu cầu Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành họp khẩn sau vụ Mỹ không kích nhầm vào quân đội Syria. Hãng thông tấn Tass (Nga) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova nói rằng “Moscow yêu cầu Washington giải thích một cách đầy đủ và chi tiết vụ việc này là chủ tâm hỗ trợ IS hay là một sai lầm”.

Bà Zakharova cũng nói rằng “sau cuộc tấn công nhằm vào quân đội Syria, chúng tôi đi đến kết luận khủng khiếp rằng, Nhà Trắng đang bảo vệ Nhà nước Hồi giáo”.

Khác biệt Nga - Mỹ khiến ngừng bắn trở nên mong manh hơn

Theo thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào 19h ngày 12/9 vừa qua và được Nga - Mỹ đồng ý gia hạn thêm, quân đội Syria [được Nga hậu thuẫn] và phe đối lập [do Mỹ hậu thuẫn] phải rút khỏi đường Costello - khu vực giao tranh ác liệt ở thành phố Aleppo. Nga cũng sẽ thành lập một điểm quan sát ở hành lang phi quân sự này và chấm dứt các cuộc không kích tại Syria. Thỏa thuận này cũng đề cập đến việc Mỹ triển khai thêm máy bay do thám ở Syria cũng như phối hợp chia sẻ thông tin tình báo giữa Nga và Mỹ.

Vấn đề là sự khác biệt giữa Mỹ - Nga về danh sách các nhóm khủng bố vẫn được coi là một trở ngại lớn đối với thỏa thuận ngừng bắn. Điều này khá rõ trong các vụ đụng độ giữa phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn và các lực lượng Syria do Nga hậu thuẫn ở Aleppo trong tháng Tám vừa qua khiến hơn 1.000 người của cả hai phía thiệt mạng.

Eyal Zisser, chuyên viên nghiên cứu cao cấp về Trung Đông và châu Phi tại Trung tâm Dayan Moshe, Israel đã tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của thỏa thuận ngừng bắn tại Syria mà Nga và Mỹ vừa đạt được.

Theo ông Eyal Zisser, vấn đề lớn nhất ở đây là làm thế nào để tách bạch giữa phiến quân thuộc tổ chức IS, Jabhat al-Nusra và những phiến quân ôn hòa tại Syria? Một vấn đề nữa là liệu Tổng thống Syria Bashar Assad có vai trò gì trong thỏa thuận này.

Cũng theo ông Eyal Zisser, việc Mỹ và Nga có kế hoạch thành lập Trung tâm Phối hợp thực hiện thỏa thuận ngừng bắn là một bước tiến tốt trong quan hệ Mỹ - Nga nói chung. Nó góp phần xây dựng lòng tin - điều dường như còn thiếu trong mối quan hệ giữa Moscow và Washington. Về cấp độ chiến thuật, nó sẽ tăng cường hợp tác giữa hai bên. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể biết nó thực sự có thể tác động vào cuộc chiến chống lại ISIS mà cả hai bên đang theo đuổi hay không.

Bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời phóng viên khi đang ở thủ đô Bishkek, Kyrgyzstan đã nói rằng việc Mỹ thất bại trong việc kiềm chế các nhóm vũ trang là một vấn đề rất nguy hiểm đe dọa thỏa thuận ngừng bắn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng lên tiếng cáo buộc Mỹ không minh bạch về thoả thuận ngừng bắn ở Syria. Theo ông Putin, điều này xuất phát từ các vấn đề mà Mỹ đang phải đối mặt trên "đường đua" Syria - họ vẫn không thể tách bạch cái gọi là phe đối lập ôn hòa và các thành phần mang yếu tố nửa tội phạm và khủng bố.

"Theo quan điểm của tôi, điều này xuất phát từ mong muốn giữ khả năng chiến đấu của phiến quân trong cuộc chiến chống chính quyền hợp pháp của ông Bashar al-Assad. Nhưng đây là một con đường rất nguy hiểm", ông Putin nói.

Bên cạnh những khác biệt giữa Nga và Mỹ, Nikolay Sukhov, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện khoa học Nga cho rằng triển vọng cho việc thực hiện các thỏa thuận Nga - Mỹ về việc chấm dứt chiến sự tại Syria là khá bi quan.

Có một số trở ngại chính sẽ cản trở việc thực hiện các thỏa thuận ngừng bắn. Đầu tiên là khoảng thời gian của thỏa thuận ngừng bắn đủ cho phe đối lập và các phần tử thánh chiến lực tập hợp lực lượng và tăng cường khả năng chiến đấu của họ. Điều này có thể khiến thỏa thuận ngừng bắn sớm kết thúc do việc gia tăng các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn từ mọi phía.

Ngoài ra sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa Nga và Mỹ sẽ làm phức tạp hơn những nỗ lực lập kế hoạch và thực hiện thỏa thuận ngừng bắn.

Ngoài ra còn có một số yếu tố khác gây thêm trở ngại cho việc duy trì lệnh ngừng bắn. Hoạt động của các nhóm như Jabhat al-Nusra, Jaysh al-Islam và Ahrar al-Sham có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của Nga và Mỹ, nhưng chúng có thể được hỗ trợ bởi các nhà tài trợ từ các nước vùng Vịnh. Điều này làm phức tạp các nỗ lực kiểm soát chúng.