📞

Hoa Kỳ đã áp dụng 10 lệnh chống bán phá giá với hàng nhập khẩu từ Việt Nam

20:43 | 25/06/2018
Trong hơn 2 năm vừa qua, đã có 110 vụ việc liên quan đên chống bán phá giá và trợ cấp được Hoa Kỳ khởi kiện, hơn 400 lệnh chống bán phá giá và trợ cấp có hiệu lực, trong đó có 10 lệnh liên quan đến hàng hóa Việt Nam, chủ yếu là thép.

Đó là thông tin được ông Daniel Calhoun - Luật sư trưởng, Vụ tuân thủ và Thực thi, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra tại Hội thảo "Xu hướng mới trong Pháp luật và Thực tiễn Phòng vệ thương mại ở Hoa Kỳ - Cập nhật thông tin và khuyến nghị cho doanh nghiệp", chiều 25/6, tại Hà Nội.

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, thương mại toàn cầu đã và đang chứng kiến những biểu hiện bảo hộ thương mại phức tạp, đặc biệt là ở một số thị trường lớn. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, cũng là thị trường chiếm tới 22% tổng số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở nước ngoài. Thời gian qua, pháp luật và thực tiễn Hoa Kỳ về phòng vệ thương mại (PVTM) đã có một số thay đổi đáng kể, tác động trực tiếp tới xuất khẩu Việt Nam ở thị trường này.

Đại diện Vụ tuân thủ và Thực thi, Bộ Thương mại Hoa Kỳ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TL)

Vì vậy, hội thảo được VCCI phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp và các cơ quan liên quan của Việt Nam cập nhật các thông tin mới nhất về pháp luật và thực tiễn các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ở Hoa Kỳ, đặc biệt là các nội dung liên quan tới Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện VCCI, đại diện Bộ Công Thương, các chuyên gia cấp cao của Vụ Tuân thủ và Thực thi - Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cùng đông đảo giới truyền thông.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Thành viên Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ thương mại - VCCI nhấn mạnh, để tiếp cận thị trường nước ngoài, hàng hóa Việt Nam pải vượt qua nhiều rào cản như an toàn vệ sinh thực phẩm hay các hàng rào kỹ thuật và những hàng rào thương mại. Các hàng rào thương mại thì khó dự đoán, thường bất ngờ và gây ra hậu quả nặng nề.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Thành viên Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ thương mại - VCCI trình bày tại hội thảo. (Ảnh: TL)

Theo bà Thu Trang, hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện là nạn nhân của 107 hàng rào PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp... và đã có tổng cộng 78 vụ kiện chống bán phá giá từ các nước “đánh” vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tính đến tháng 6/2018, đã có 37 vụ kiện liên quan đến sắt thép, chiếm gần 50% các vụ kiện.

“Lĩnh vực nông sản đang phải đối mặt với 4 vụ kiện chống bán phá giá, tuy số lượng không lớn nhưng sẽ thực sự là vấn đề khi Việt Nam đang định hướng đưa nông sản trở thành lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn”, bà Thu Trang nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Cao Thắng Trung, Cục phó Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhận định, vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã có những thay đổi đáng kể trong các biện pháp PVTM và những biện pháp này có tác động lớn tới các nước nói chung, trong đó có Việt Nam. 

Ông Trung cũng khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp chú trọng hơn các biện pháp PVTM, tránh và giảm những tác động tiêu cực của các biện pháp PVTM, đồng thời phối hợp tích cực, chặt chẽ với các bên liên quan, đưa ra những tài liệu cụ thể để chứng minh hoạt động xuất khẩu của mình minh bạch và không vi phạm pháp luật.

Tại hội thảo, Luật sư trưởng Daniel Calhoun của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã trình bày những quy định và quy tắc chống bán phá giá, chống trợ cấp để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nắm rõ khi có các hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ.

Cũng theo chuyên gia này, trong hơn 2 năm qua, 110 vụ liên quan đên chống bán phá giá và trợ cấp đã được Hoa Kỳ khởi kiện, hơn 400 lệnh chống bán phá giá và trợ cấp có hiệu lực, trong đó co 10 lệnh liên quan đến hàng hóa của Việt Nam, chủ yếu là thép.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh: TL)

Theo bà Trang, các vụ kiện chống bán phá giá thường có thời hạn rất ngắn, các yêu cầu về kỹ thuật lại cực kỳ phức tạp, trong khi, các doanh nghiệp Việt Nam lại không phải luôn luôn sẵn sàng cho các vụ kiện ở nước ngoài, chưa kể việc lạ nước lạ cái, thiếu sự hỗ trợ của luật sư, cùng với rất nhiều thứ khác, nên chuẩn bị được sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó.

Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe trình bày trực tiếp rất rõ ràng từ chuyên gia Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng như các thông tin cập nhật về tình hình PVTM của Hoa Kỳ ở trong nước và nước ngoài, cùng những thay đổi trong pháp luật PVTM của Hoa Kỳ. Đó là: Hiện trạng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu và hàng nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam; Các quy định và thực tiễn mới về PVTM của Hoa Kỳ - Cập nhật tình hình các vụ việc PVTM hiện nay ở Hoa Kỳ liên quan tới hàng xuất khẩu Việt Nam; Vấn đề nền kinh tế phi thị trường trong pháp luật và thực tiễn điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ; Giới thiệu những điểm mới trong pháp luật Việt Nam về PVTM và đánh giá tác động đối với việc kiện PVTM ở Việt Nam.