Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho biết, thời gian qua, Bộ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức trong quá trình chuyển đổi số; thông qua việc triển khai các giải pháp chính sách nhằm phát triển thị trường thương mại điện tử cạnh tranh lành mạnh, xây dựng các hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực thích ứng với những xu thế kinh doanh và công nghệ mới.
Bà Oanh nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động không ngừng, khả năng linh hoạt và sẵn sàng chuyển đổi là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025. Quá trình này không chỉ mở ra cơ hội lớn, mà còn thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và đạt những bước tiến quan trọng.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh phát biểu tại sự kiện. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Bà Lê Hoàng Oanh cho biết, hợp đồng là hình thức thể hiện cơ bản của các mối quan hệ dân sự và thương mại, là khởi đầu của các quy trình giao dịch trong đời sống xã hội và hoạt động kinh tế. Do vậy, giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử cũng là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về giao dịch điện tử, được thể hiện trong Luật mẫu của UNCITRAL về thương mại điện tử và Công ước Liên hợp quốc về giao kết hợp đồng sử dụng chứng từ điện tử.
Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử cũng đã đưa ra những quy định mang tính nền tảng để đảm bảo cho giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, trong đó có vấn đề chứng thực hợp đồng điện tử.
Vai trò của các tổ chức trên là đảm bảo về mặt kỹ thuật để quá trình ký kết hợp đồng/giao kết điện tử trên môi trường trực tuyến được diễn ra an toàn. Các Tổ chức CeCA sẽ cung cấp một hạ tầng số giúp doanh nghiệp, người dân sử dụng hợp đồng điện tử được bảo vệ bởi các công nghệ xác thực và tin cậy, hướng tới kết nối kỹ thuật và hỗ trợ các bên thứ 3 như cơ quan thuế, ngân hàng, các tổ chức tài chính và cơ quan giải quyết tranh chấp thực hiện các nghiệp vụ liên quan. Những tổ chức này đóng vai trò bảo vệ giá trị pháp lý cho hợp đồng điện tử và tạo niềm tin cho các bên tham gia, bao gồm cả người dân và doanh nghiệp.
Từ năm 2022 - 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ các CeCA kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Thống kê đến tháng 8/2024, đã có 48.533 doanh nghiệp đã sử dụng hợp đồng điện tử có chứng thực. Tổng số hợp đồng điện tử được chứng thực đã được Trục phát triển hợp đồng điện tử ghi nhận luỹ kế là 490.471 hợp đồng.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, hợp đồng điện tử vốn là nền tảng cơ bản của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được bảo vệ hiệu quả, đảm bảo giá trị như bản giấy/bản gốc trong giao dịch. Do được xác thực ngay tại thời điểm ký kết nên doanh nghiệp, cá nhân không phải chờ đợi, đi lại để hoàn tất việc thực hiện ký kết, cũng như xin xác thực khi cần dùng cho bên thứ 3. Người tiêu dùng, cá nhân cũng được đảm bảo quyền lợi, công bằng khi phát sinh khiếu nại, tranh chấp.
“Việc ứng dụng hợp đồng điện tử toàn diện sẽ giúp đất nước tiết kiệm 50.000 – 70.000 tỷ/năm bao gồm chi phí in ấn giấy tờ, chi phí chuyển phát và bảo quản hồ sơ, chứng từ giấy theo thời gian quy định. Quan trọng hơn, sẽ giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian và chi phí giao kết, chứng minh lịch sử giao dịch, uy tín khi giao dịch với cơ quan quản lý hoặc các tổ chức ngân hàng, tài chính”, bà Oanh cho biết.
Theo sách Trắng thương mại điện tử, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử tăng dần từ 2020-2022 tăng từ 29% lên 42%. Tuy nhiên năm 2023 giảm xuống còn 41%.
Ông Đỗ Kế Công – Giám đốc Trung tâm kinh doanh Chữ ký số và Hợp đồng điện tử, VNPT, cũng thừa nhận đang có một bộ phận khách hàng do quan ngại nên họ không tiếp tục sử dụng dịch vụ hợp đồng điện tử, mặc dù họ cũng nhận thấy hợp đồng điện tử mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, thương mại.
Lễ ký cam kết hợp tác thúc đẩy ứng dụng Hợp đồng điện tử an toàn hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số. (Nguồn: Bộ Công thương) |
Khi tìm hiểu, đơn vị này nhận thấy có nhiều rào cản về pháp lý như thiếu sự chấp nhận, công nhận giá trị của Hợp đồng điện tử của bên thứ 3 như: kho bạc, hải quan, thuế, ngân hàng... Thiếu các hướng dẫn, quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong từng lĩnh vực cụ thể.
“Hiện nay, Luật Giao dịch điện tử cũng có quy định rất rõ về giá trị của hợp đồng điện tử. Nhưng rất buồn là khách hàng của chúng tôi mang một hợp đồng điện tử ra kho bạc để làm thủ tục thanh toán theo quy định nhà nước, nhưng cán bộ kho bạc vẫn yêu cầu một bộ hợp đồng giấy kẹp cùng hồ sơ”, ông Công dẫn chứng.
Ông Nguyễn Đăng Triển, đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) đề cao vai trò của chữ ký số và định danh xác thực trong việc đảm bảo an toàn và phòng ngừa gian lận trong giao dịch điện tử. Khi việc ký kết trên môi trường điện tử càng trở nên phổ biến thì chúng ta càng phải cẩn trọng hơn nữa.
"Việc sử dụng chữ ký số của đơn vị được cấp phép, có uy tín sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, đặc biệt khi chữ ký số có đính kèm cả dấu thời gian và định danh eKYC tại thời điểm ký thì cả doanh nghiệp lẫn cá nhân tham gia ký kết tài liệu hay hợp đồng trên môi trường điện tử đều có thể yên tâm hơn cả bản giấy truyền thống", ông Triển cho hay.
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp tham gia đều đồng thuận rằng cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách liên quan đến hợp đồng điện tử để giải quyết những khó khăn thực tế. Các vấn đề như chi phí cao, thủ tục phức tạp, và sự chấp nhận hạn chế từ các bên thứ ba (cơ quan thuế, ngân hàng…) vẫn là rào cản đáng kể.
Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm ban hành các văn bản liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật để hợp đồng điện tử có thể được chấp nhận bởi bên thứ ba cũng như tăng cường sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hợp đồng điện tử trở thành công cụ giao dịch phổ biến. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh mà còn thúc đẩy sự minh bạch, an toàn trong các giao dịch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững trong môi trường kinh tế số.
| Đẩy mạnh phát triển hợp đồng điện tử, tạo đòn bẩy cho kinh tế số Ngày 16/6, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam - Triển khai Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Từ ... |
| Hướng dẫn doanh nghiệp thủ tục xin Giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử Ngày 14/7, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn thủ tục xin Giấy ... |
| Trao giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho 5 doanh nghiệp lớn Chiều 31/8, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tổ chức trao Giấy xác nhận đăng ký cung cấp ... |
| Hướng dẫn ký hợp đồng điện tử bằng thẻ CCCD Ngày 19/12 tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Trung tâm Tin học và Công nghệ số) đã phối hợp ... |
| Thêm 5 doanh nghiệp đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử Ngày 15/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã trao giấy đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho 5 ... |