TIN LIÊN QUAN | |
Phê duyệt Kế hoạch 2016 - 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam | |
Cổ phần hóa Cty mẹ - TCty Điện lực Dầu khí Việt Nam |
Sáng 15/3, tại Hà Nội, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương (EREA) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Phương pháp xác định cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo phù hợp trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia”.
Chuyên gia USAID phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: CT) |
Đây là hoạt động trong khuôn khổ của Dự án “Chương trình năng lượng phát thải thấp” sử dụng ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ (Dự án V – LEEP), để thực hiện nghiên cứu về khả năng tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) vào Hệ thống điện Việt Nam trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Tổng sơ đồ VIII).
Việt Nam đang trải qua thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, dẫn đến nhu cầu năng lượng rất lớn trong thời gian tới. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch nội địa đang dần cạn kiệt, các nguồn thủy điện đã được khai thác hầu hết, việc phát triển NLTT ở Việt Nam là xu thế tất yếu nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào than nhập khẩu và bảo vệ môi trường. Xu hướng này được thể hiện qua số lượng lớn các hồ sơ đăng ký thực hiện đầu tư các dự án điện gió và điện mặt trời mà Cục Điện lực và NLTT đã nhận được trong thời gian gần đây.
Bên cạnh tiềm năng về năng lượng tái tạo tương đối dồi dào của Việt Nam, việc tăng nhanh số lượng các dự án đầu tư vào lĩnh vực nguồn điện NLTT trong thời gian qua còn chủ yếu dựa trên các chính sách của Chính phủ khuyến khích phát triển NLTT, đồng thời những tiến bộ về khoa học công nghệ dẫn đến chi phí đầu tư cho NLTT đã giảm đi đáng kể so với thời điểm một vài thập kỷ trước.
Tuy vậy, ngoài những ưu điểm đối với môi trường và phát triển bền vững nhờ giảm phát thải khí CO2 gây ô nhiễm, việc phát triển NLTT cũng đối mặt với những thách thức về khả năng hấp thụ và truyền tải công suất phát từ nguồn NLTT khi kết nối lưới điện chưa đủ mạnh, những vấn đề về ổn định hệ thống cũng như yêu cầu về tối ưu chi phí phát và vốn đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải.
Nhận thức được các vấn đề này, để xây dựng hiệu quả Tổng sơ đồ phát triển hệ thống điện giai đoạn tiếp theo (còn được gọi là Tổng sơ đồ VIII) xem xét đến việc tích hợp tỷ trọng phù hợp của nguồn năng lượng tái tạo vào trong cơ cấu nguồn, đồng thời đảm bảo tính kinh tế, ổn định, hiệu quả của hệ thống điện quốc gia, Cục Điện lực và NLTT phối hợp với USAID, thông qua dự án V-LEEP, tổ chức chương trình Hội thảo này để được nghe tư vấn từ giới nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như lắng nghe ý kiến thảo luận của các đơn vị, các đối tác phát triển, các chuyên gia và các tổ chức liên quan.
Theo đó, các chuyên gia tới từ Viện Năng lượng (đơn vị được giao xây dựng Tổng sơ đồ VII) và từ Phòng Thí nghiệm trọng điểm về NLTT của Hoa Kỳ (NREL) đã chia sẻ về các yêu cầu cũng như thách thức đặt ra trong việc xây dựng Tổng sơ đồ VIII và phương pháp xác định cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo phù hợp trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Những thông tin thu được từ Hội thảo sẽ giúp định hình rõ những yêu cầu, những thuận lợi, những thách thức và đưa ra những giải pháp hiệu quả trong việc xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII của Việt Nam.
Pháp sẽ chi 700 triệu Euro phát triển năng lượng Mặt trời tại các nước đang phát triển Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ tài trợ thêm hàng trăm triệu Euro nhằm triển khai các dự án năng lượng Mặt trời ... |
Trung Quốc chú trọng phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng Những năm gần đây, cuộc chạy đua xây dựng các nhà máy điện gió và điện Mặt trời tại các địa phương ở miền Bắc ... |