📞

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang: Quê hương chính là chất liệu

08:00 | 10/11/2018
Mơ ước lớn của họa sĩ Nguyễn Đại Giang là được trở về nơi mình đã sinh ra và giới thiệu những tác phẩm mới ở lĩnh vực nghệ thuật Upsidedownism (nghệ thuật đảo ngược) mà ông sáng tạo và theo đuổi những năm qua.

Bốn năm trước, Nguyễn Đại Giang đã về Hà Nội tổ chức triển lãm về nghệ thuật đảo ngược ở Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc. Lần này, ông trở về cùng với 22 bức tranh nhằm tiếp tục giới thiệu quan điểm sáng tạo của mình tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài Hà Nội và đưa nghệ thuật này gần gũi hơn nữa với nghệ thuật dân gian của Việt Nam...

Sáng tạo từ bản ngã

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang sinh ra năm 1944 tại Hà Nội. Ông đã tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật công nghiệp khóa 3 và Đại học Mỹ thuật công nghiệp khóa 1 tại Hà Nội. Từ năm 1968 - 1974, ông học tại Trường Mỹ thuật công nghiệp Moscow (Nga), sau đó tốt nghiệp ngành đồ họa tại Seatle (Washington, Mỹ) và định cư ở đây từ năm 1992 đến nay.

Có thể cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ này sẽ không có gì đặc biệt nếu như ông không theo đuổi một trường phái nghệ thuật mới là Upsidedownism chứa đựng đầy triết lý sống phương Tây kết hợp với phương Đông. Hơn nữa, sinh sống ở Mỹ, sự đa dạng văn hóa là môi trường thuận lợi nhất để ông thực hiện những tác phẩm của mình.

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang (bên trái) và một người bạn tại Triển lãm. (Ảnh: An Lê)

Nghệ thuật vẽ tranh Upsidedownism là khái niệm có mục tiêu khám phá sự thật tiềm ẩn trong hiện thực và tạo ra Upsidedownism có nghĩa là thẳng tiến đến sự tự do trong nghệ thuật. Nghệ sĩ Upsidedownism muốn người xem nhìn thấy cái tinh hoa, tinh túy trong công việc của họ, cũng như nhìn thấy cái bên trong của hiện thực và cuộc sống, cả kết quả và nguyên nhân. Có thể nói, trong những tác phẩm ấy, bên cạnh những điều hợp lý người xem cũng có thể nhìn thấy những điều phi lý và nhìn nhận nó như một thực tế cần vượt qua, kiểm soát, khống chế.

Tranh của Nguyễn Đại Giang đưa người xem đến một thế giới mới – thế giới của tinh thần, tự do, những điều tốt đẹp và sự khám phá không ngừng. Nó có tham vọng tạo ra cảm xúc mãnh liệt cho người xem và khiến họ nhìn thấy sự bao la của vũ trụ, sự vô tận của Trời và Đất giống như một vùng đất mới đang trải rộng trước mắt. Khi xem tranh ông, Ruthie Tucker - Giám đốc phụ trách Amsterdam Whitney Gallery ở New York (Mỹ) nhận xét rằng: “Nguyễn Đại Giang là một nhà cải cách, người đã thiết lập về cơ bản một trào lưu nghệ thuật mới. Ảnh hưởng của nó vừa thách thức sự kỳ vọng của chúng ta, vừa cho chúng ta một cách nhìn mới hoàn toàn độc đáo. Trường phái của ông xây dựng một tạo hình không cân đối về mặt hình thể học nhưng lại hoàn toàn chính xác về mặt cảm xúc, nằm trong xu hướng của Picasso và các nhà cải cách thế kỷ 20”.

Nguyễn Đại Giang tâm sự, khi ông dấn thân vào Upsidedownism, ông chỉ nhớ có một điều đấy là nhìn vào bản ngã của mình và vẽ nó. “Mỗi một người trong cuộc đời luôn có 2 vế: lúc buồn lúc vui, lúc khỏe mạnh khi ốm đau… Thiên nhiên cũng vậy: Mùa đông lạnh lẽo, mùa hè nóng bỏng. Dù mình không muốn thì cuộc sống vẫn tiếp diễn. Nghệ thuật tranh của tôi là vẽ hai chiều, tức là chấp nhận thêm chiều vô lý trong đó. Điều đó không có nghĩa là mình bênh vực cái vô lý, mà ta phải chấp nhận. Nó cũng giống như trong âm có dương, trong dương có âm”, ông nói.

Nền tảng là giá trị truyền thống

Được đánh giá cao về khả năng sáng tạo, nhưng khi hỏi về Upsidedownism, Nguyễn Đại Giang nói rằng, ông lấy chất liệu ấy từ chính quê hương, từng tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam. Theo ông, cách đây từ hàng nghìn năm, Việt Nam đã xuất hiện loại hình tranh đảo ngược như tranh dân gian Nam bộ thế kỷ 17, bài chòi trong điêu khắc dân gian Bắc bộ, dấu vết văn tự cổ trên đá ở Sa Pa… Bởi vậy, ông thừa nhận tranh của mình ít nhiều đã được kế thừa từ truyền thống văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, trên nền tảng ấy, Nguyễn Đại Giang luôn sáng tạo và tạo ra những cái mới của riêng mình. Tranh của ông đã nhận nhiều giải thưởng lớn trên thế giới và một trong số những bức ông tâm đắc nhất là bức Ca trù. Bức tranh này được đánh giá cao tại Mỹ khi nó được vinh danh là kiệt tác của thế giới (Master of the world) và giải thưởng danh dự của tổ chức Artoteque tại London năm 2007. Hay như tác phẩm Mẹ đi chợ về với những cảm xúc thơ ấu đã từng nhận Giải thưởng danh dự của tổ chức Art Addiction tại London, bức Mẹ và con giành giải Ba Cuộc thi Hội họa Quốc tế tại Tây Ban Nha...

Đặc biệt, trong triển lãm mới nhất này, Nguyễn Đại Giang tập trung khắc họa nghệ thuật dân gian Việt Nam với những bức tranh như Múa rối nước, Thúy Kiều, Bài chòi... Qua đây, ông muốn nhấn mạnh rằng vào thời điểm đất nước đang đổi mới, nghệ thuật muốn bền vững thì các nghệ sĩ (nhất là những họa sĩ sống ở nước ngoài) cần tâm niệm đầu tiên là dân tộc. Dù hiện tại tuổi đã cao, sức khỏe không cho phép có thể thường xuyên về Việt Nam, nhưng mỗi lần về ông đều mong có thể mang lại sự tươi mới cho đời sống nghệ thuật hội họa trong nước.

Nguyễn Đại Giang là họa sĩ người Việt duy nhất được sống trong tòa nhà Art Space do chính phủ Mỹ xây dựng tại Seattle dành cho các họa sĩ, suốt từ 1993 đến nay. Bộ sưu tập của ông có mặt tại Bảo tàng nghệ thuật Voronezh Nga, Bảo tàng Seattle và có mặt tại Mỹ, Nhật Bản, Canada, Bỉ, Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha, Hongkong (Trung Quốc)... Tranh của ông giành được những giải thưởng đáng chú ý như Những tranh hiện đại nhất cho CDRom (New York, Mỹ, 1996); giải Ba “Những họa sĩ tài năng nhất” và giải Ba “Thế giới nghệ thuật” (Stockholm, Thụy Điển, 1997); tác phẩm Vũ điệu Hawaii lọt vào Top 50 của cuộc thi “Vẽ nước Mỹ” (2005)... Tên tuổi của ông với trường phái Upsidedownism đã được ghi vào cuốn 500 người sáng lập của thế kỷ 21 (500 founders of Century 21, Anh), Từ điển những họa sỹ quốc tế (Dictionary of International artists, Mỹ), Những họa sỹ quốc tế quan trọng của thế giới ( Important international Artist of the world, Mỹ), Thiên tài sáng tạo (Creative Genius, Anh).....